(Tổ Quốc) - Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Kiến nghị cần xác lập một hệ thống y tế quốc gia
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) kiến nghị cần xác lập một hệ thống y tế quốc gia trên cơ sở hệ thống y tế công lập và hệ thống y tế tư nhân. Bởi vì trong công tác phòng chống dịch, chúng ta nhận thấy sự chống đỡ đơn phương của y tế công lập, y tế tư nhân lúng túng. Khi hết hợp 2 hệ thống này thì sẽ tạo thành sức mạnh, đủ sức phòng ngự tất cả các dịch bệnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nếu thành lập hệ thống y tế quốc gia thì cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đó là đan xen và kết hợp 3 cấp khám và điều trị: Khám, chữa bệnh ban đầu lấy y tế cơ sở, trạm y tế làm trụ cột, cộng với y tế gia đình, các phương thuốc gia truyền và lương y ở các khu vực. Đồng thời không nên máy móc đặt trạm y tế ở các xã mà có thể đặt ở cụm xã, liên xã, để tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế có năng lực hơn.
Thứ hai, đó là tiêu chuẩn hóa các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và công lập để dần dần có sự tương thích để bà con nhân dân có thể lựa chọn, không có sự phân biệt giữa y tế tư nhân và y tế công lập.
Thứ ba, đó là cơ chế tài chính cho các cấp khám, chữa bệnh.
Sau cấp khám chữa bệnh ban đầu là hệ thống bệnh viện đa khoa chữa các bệnh cơ bản và cấp thứ ba là bệnh viện chuyên ngành.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị cần có cơ chế tài chính để chi trả cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên tinh thần tự chủ và đặc biệt là sự hợp tác giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Đồng thời cần sự điều hành thống nhất hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở.
Chú trọng xây dựng hệ thống y tế cơ sở xứng tầm nhiệm vụ
Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đồng thuận và thống nhất cơ bản với báo cáo của Đoàn Giám sát.
Đại biểu nhấn mạnh y tế cơ sở là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đảm nhiệm vai trò tuyến đầu trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, xử lý các vấn đề lớn đối với sức khỏe dân cư, phát hiện sớm và giải quyết đến 80% bệnh tật ngay tại cộng đồng. Trong điều kiện dịch bệnh, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đã được khẳng định, trở thành mắt xích then chốt để ngăn chặn dịch.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết hệ thống y tế cơ sở hiện có nhiều hạn chế: tổ chức chưa ổn định, thường xuyên thay đổi mô hình quản lý, đầu tư chưa được cụ thể, tương đồng với nhiệm vụ đảm nhiệm, việc đào tạo, cập nhật thường xuyên, bồi dưỡng nhân lực còn hạn chế, chế độ chính sách ưu đãi còn chưa thỏa đáng.
Để hoàn thành mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể về các chính sách, cơ chế, sự đáp ứng về nguồn lực tác động lên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các mô hình đã thay đổi trong thời gian qua.
Đồng thời, cần hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, mô hình quản lý, nâng cao hệ thống y tế cơ sở đảm bảo vai trò người gác cổng của hệ thống y tế, thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính, đổi mới phương thức hoạt động của cơ sở y tế cấp xã, chú trọng công tác phòng bệnh, sàng lọc phát hiện bệnh, quản lý ca bệnh, chú trọng đến các bệnh không lây nhiễm.
Cần quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
Đánh giá cao nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội là hết sức cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, qua kết quả giám sát, Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện khi dịch bệnh xảy ra như công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, để từ đó có những chỉ đạo, chính sách đúng đắn để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân, vừa đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.
Qua Báo cáo của Đoàn Giám sát và thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng cần quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân để tạo sức hút giữ chân đội ngũ bác sỹ trẻ có trình bộ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến nguy cơ người dân tại vùng sâu, vùng xa khó có khả năng tiếp cận với y tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề xuất Chính phủ cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để người học thuộc các vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y để có thể trở về hỗ trợ y tế tại cơ sở.
Đồng thời, Chính phủ cần nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế, nâng phụ cấp nhân viên y tế thôn bản; cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng kinh tế khó.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), cho biết, thời gian qua, y tế cơ sở giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe cho mọi trường hợp, có thể có những chi phí hợp lý, nhất là khám BHYT, tạo niềm tin của người dân đối với các thầy thuốc. Vai trò y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng lên với đội ngũ thầy thuốc có trách nhiệm.
Vai trò đó được khẳng định trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, nhất là việc thành lập trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến, chăm sóc điều trị người dân, cách tiếp cận y tế nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mô hình quản lý cấp huyện, cấp xã chưa ổn định hoặc thống nhất giữa các địa phương với nhau.
Năng lực tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn trang thiết bị y tế cũng như cơ sở vật chất. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám và điều trị bệnh…
Với những hạn chế nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở Việt Nam, thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách cho thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường để hệ thống y tế cơ sở đủ sức hoạt động.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa là phù hợp. Đại biểu bày tỏ thống nhất, đồng tình là chuyển giao trung tâm y tế về việc quản lý Sở Y tế quản lý về mặt chuyên môn.
Đồng thời cần có lộ trình tăng mức độ bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh trong danh mục thuốc, vật tư y tế hợp lý, nâng cao nhận thức vai trò của trạm y tế trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe cộng đồng.