(Tổ Quốc) - Ban Dân nguyện kiến nghị có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.
Sáng 15/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2024.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri kiến nghị với Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội cho người dân.
Tháo gỡ khó khăn để hạn chế doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Giải quyết đủ nước sinh hoạt cho người dân ở vùng khó khăn như vùng núi, vùng Tây Nam Bộ.
"Đây là mặt hàng thiết yếu, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân tại các khu chung cư toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.
Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát văn bản hướng dẫn điều kiện cần và đủ để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024, trong đó cần quan tâm giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh để chính sách này thực sự động viên cán bộ, viên chức, người hưởng lương, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn… Đến nay, 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Tuy nhiên, việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ sáu của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Từ đó, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý khiếu nại tố cáo; bảo đảm tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp khiếu nại tố cáo sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, bảo đảm giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh
Trước đó, trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 4/2024, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đối nội và đối ngoại; các hoạt động Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại tỉnh Điện Biên.
Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là lễ kỷ niệm cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, đã khẳng định rõ tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại, cũng như việc phát huy các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã kéo dài nhiều tuần qua, dự báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); tình trạng nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe người dân; tình trạng gió lốc và mưa đá gây thiệt hại lớn về hoa màu và nhà cửa của người dân tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình; liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động ở một số địa phương; giá điện sinh hoạt, một số mặt hàng phân bón, sắt thép xây dựng tăng thời gian gần đây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xây dựng của người dân trong khi giá các mặt hàng nông sản thì lại giảm, khó tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Cử tri và nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan có biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra; có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…