• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiến thức sâu rộng là nền tảng cho sự sáng tạo

07/06/2007 09:39

(Toquoc) Xuất phát từ mục đích bổ sung nền tảng kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội cho người viết văn, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du đã ra đời vào đúng năm kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

(Toquoc) Xuất phát từ mục đích bổ sung nền tảng kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội cho người viết văn, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du đã ra đời vào đúng năm kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhân dịp khai giảng khóa đầu tiên, báo điện tử Tổ quốc đã phỏng vấn Giám đốc Trung tâm, Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, về lý do tồn tại, cách tổ chức, cũng như chương trình học tập và học viên của Trung tâm.


PV: Xin ông cho biết lý do bỏ Trường Viết văn Nguyễn Du (Khoa lý luận sáng tác thuộc trường Đại học Văn hóa).

TSKH Phan Hồng Giang: Ở đây không có sự kế thừa. Trường Viết văn Nguyễn Du khác cơ bản với Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du. Trường Viết văn Nguyễn Du, nằm trong trường Đại học Văn hóa, có chức năng đào tạo chính quy, dài hạn, lấy bằng đại học. Đầu vào của trường này, nhất là khoá sau cùng, còn lấy cả học sinh tốt nghiệp lớp 12, nghĩa là đầu vào phổ thông.

Trong khi trường Viết văn Nguyễn Du trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo – một cơ quan của nhà nước, thì Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du lại thuộc cơ quan chủ quản là Hội Nhà văn Việt Nam - một tổ chức quần chúng.

Hai cơ sở này thực ra chỉ trùng tên, là Nguyễn Du. Vì nếu chọn một nhà văn nhà thơ vĩ đại nhất đất nước thì không ai qua mặt được ông Nguyễn Du, nên ai cũng thích dùng cái tên đó. Sự trùng tên này gây ấn tượng là chúng kế thừa của nhau.

PV: Vậy lý do tồn tại của Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du là gì?

TSKH Phan Hồng Giang: Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du kế thừa từ Trường Viết văn Quảng Bá, được thành lập từ năm 1960, đào tạo được 300 học viên, qua 6 khóa đến năm 1975. Trung tâm không đào tạo chính quy và không cấp bằng đại học.

Người viết văn muốn trở thành một cây bút đáng kể, muốn “vào cuộc”, muốn đạt đến đỉnh cao, phải đạt được 4 điều kiện. Một là phải có tài năng. Năng khiếu ở đây được hiểu là năng lực cảm xúc, năng lực suy nghĩ, năng lực sử dụng chính và xác tinh tế ngôn từ. Hai là sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đất nước. Anh phải là người công dân trước khi là người viết, phải có sự đồng cảm với số phận của mỗi con người. Ba là phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ về văn học. Viết văn là sáng tạo, sáng tạo là đơn nhất, không có trước đó, cũng không có sau đó. Nhưng cái nền tảng thì ai cũng phải có, anh không biết gì thì sáng tạo cái gì. Cuối cùng là sự lao động chuyên cần, miệt mài.

Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du ra đời là nhằm cung cấp cho học viên những nền tảng kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống.

PV: Giáo trình học được đưa ra để đáp ứng các mục tiêu đó như thế nào?

TSKH Phan Hồng Giang: Xuất phát từ yêu cầu đó, Trung tâm đặt ra chương trình học tập chuyên sâu, bồi bổ cho học viên những kiến thức nhiều mặt. Có thể nói đó là một chương trình học tập rất cao, dành cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, thậm chí có những chuyên đề rất "chính trị", rất "mới” như chuyên đề Cải cách và phát triển của đất nước ta hiện nay của Giáo sư Lê Đăng Doanh - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế. Trung tâm sẽ mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực đến giảng.

Khi xây dựng chương trình này, tôi có tham khảo chương trình của Nga, Trung Quốc, Áo, Đức... những nước cũng có những khóa bồi dưỡng viết văn tương tự. Chương trình sẽ xoay quanh 5 mảng vấn đề. Thứ nhất là chính trị, thời sự đất nước, để học viên có cái nhìn toàn thể về các vấn đề của đất nước. Hai, là vấn đề văn hóa, triết học. Ba là vấn đề lý luận lịch sử văn học. Thứ tư là kinh nghiệm sáng tác, bếp núc văn chương - mảng này là chính. Cuối cùng, là những hiểu biết thực tế dưới dạng đi thực tế ngắn hạn. Trung tâm sẽ chia làm nhiều “mũi tiến công”, những người miền Bắc sẽ đi vào Nam, người Nam ra Bắc. Họ sẽ đến những vùng công nghiệp trọng điểm của đất nước như khu Dung Quất, điện đạm Cà Mau, thủy điện Sơn La...

PV: Tiêu chí chọn học viên của Trung tâm trong khóa I như thế nào?

TSKH Phan Hồng Giang: Chính vì mục tiêu như thế, nên đầu vào của Trung tâm không đại trà như ở Khoa Lý luận sáng tác văn học của trường ĐHVH. Trước tiên, đó phải là những người có tác phẩm đã đoạt giải, những tác giả đã có thành tích trong sáng tác. Không nhất thiết đó phải là tác giả có tên tuổi. Sau nữa, đó phải là người có trình độ học vấn nhất định. Về độ tuổi tuyển sinh, Trung tâm không lấy những người dưới 20 tuổi, để tránh trường hợp học sinh mới tốt nghiệp lớp 12 ham viết văn vào học. Ngược lại, Trung tâm không hạn chế độ tuổi trần, vì thế những người ở độ tuổi trung niên rất đông, có học viên đã 60 tuổi. Hơn một nửa là từ 40-50 tuổi. Những người này đã có giai đoạn sáng tác hàng chục năm, nhưng họ thấy hụt hẫng trong kiến thức nên có nhu cầu đi bồi dưỡng.

Một điều đặc biệt là đa số các học viên đều xuất thân từ những ngành nghề rất xa văn chương, nhưng vì yêu văn chương mà đến. Đó là bộ đội xuất ngũ, kỹ sư cầu đường, tiến sĩ ngành kiến trúc, tiến sĩ toán, tiến sĩ luật... những người có học vị rất cao.

Trong số 70 học viên, có 8 người là hội viên Hội nhà văn, ở chừng mực nào đó cũng phải thừa nhận là thành danh, nhưng họ vẫn tha thiết được đi học. Như anh Vũ Xuân Tửu, nhà văn công an tại Tuyên Quang, năm ngoái đoạt giải nhất của Văn nghệ quân đội với tiểu thuyết cực ngắn dài 32 chương từ A đến Y. (Anh này được cử làm lớp trưởng). Hay như anh Nguyễn Nhuận Hồng Phương, có tiểu thuyết Đồng vọng ngược chiều được vào trung kết giải của Hội Nhà văn. Rồi chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (thơ), anh Vũ Thành Trung, Hoàng Quý (nhà thơ ở Bà Rịa Vũng Tàu)...

PV: Được biết, trong số 70 sinh viên khoá I, không có nhiều gương mặt trẻ. Ông giải thích về sự chênh lệch này?

TSKH Phan Hồng Giang: So với lớp trung niên thì số lượng bạn trẻ theo học quả là ít hơn. Nhưng 15 người dưới 35 tuổi thì cũng không phải là quá ít. Trung tâm cũng chủ trương ưu tiên cho lớp trẻ, tương lai của đất nước. Vừa rồi, có khoảng dưới 20 người trẻ đăng ký học, tức là Trung tâm đã tuyển 80% số này. Lý do ít học viên trẻ có thể là những người trẻ đang bận rộn với việc khẳng định tên tuổi mình, và họ đang có chỗ làm việc tốt, có thể họ chưa thu xếp được thì giờ để đi học tập trung thế này. Số lượng sốt sắng đi học nằm ở lứa tuổi trung niên. Có thể lý giải là qua một thời gian viết, sống và trải nghiệm, họ thấy hụt hẫng về kiến thức, rất cần bổ sung về kiến thức, nên đăng ký theo học.

PV: Như vậy là đầu vào được chọn lọc kỹ lưỡng, ông kỳ vọng gì vào đầu ra của Khoá I?

TSKH Phan Hồng Giang: Đánh giá chất lượng chung, học viên khóa này vào loại khá. Hơn 1/10 là hội viên Hội Nhà văn. Đa số là những người cũng đã được giải này kia, những người đang làm ở các hội văn học các tỉnh, trung ương, văn nghệ quân đội... Còn lại là một số người tuy chưa được giải gì, nhưng các tác phẩm họ gửi cũng nhiều cái đọc được. Tôi cũng hy vọng nhiều vào số học viên này. Tuy nhiên, văn học chẳng thể nói trước được.

PV: Được biết một số học viên đã “bỏ về quê” trước ngày khai giảng, ông có thể giải thích hiện tượng này?

TSKH Phan Hồng Giang: Trung tâm rất bị động về chỗ ở và chỗ dạy. Dự kiến đến ngày 30/5 vừa qua triệu tập là được. Nhưng đến sát ngày đó thì trung tâm vẫn chưa có điện. Khi đóng được điện rồi, vẫn chưa ở được. Bên xây dựng chưa bàn giao công trình. Hội trường vẫn ngổn ngang, chưa có điều hòa. Rồi trung tâm quyết định thuê địa điểm ở Viện Văn hóa Thông tin (32 Hào Nam), không chờ nữa.

Trong thời gian đó, một số học viên tranh thủ đi tham quan các nơi, một số ở gần nhà thì về. Giờ thì họ đã trở lại học đông đủ.

PV: Vậy điều kiện ăn ở của học viên bây giờ thế nào?

TSKH Phan Hồng Giang: Họ đành phải thuê ngoài. Trung tâm đã liên hệ với ký túc xá của Nhạc viện Hà Nội ở bên kia đường cho học viên đi lại gần hơn. Tình trạng này hoàn toàn ngoài ý muốn của Trung tâm.

PV: 70 ngày cho một khóa học, trong đó, 10 ngày dành cho việc sáng tác, có người cho như thế là quá ngắn. Là giám đốc trung tâm, ông nghĩ sao?

TSKH Phan Hồng Giang: Đa số học viên khóa này là các giáo viên văn, có cả giáo viên toán, hiệu trưởng các trường, nên Trung tâm cố tình xếp vào giai đoạn hè, và chỉ kéo dài khóa học trong thời gian nghỉ hè này (70 ngày) để tiện cho học viên. Có thể khóa sau nhằm vào đối tượng khác thì sẽ kéo dài hơn. Hơn nữa, khóa đầu mang tính thử nghiệm nên chỉ chừng đó thời gian là vừa.

PV: Dự định khi nào Trung tâm sẽ mở khoá II?

TSKH Phan Hồng Giang: Dự định sang năm sẽ có một khóa mới, nhằm vào các đối tượng mới. Nhưng tất nhiên, phải chờ xong khóa đầu thử nghiệm đã mới bàn cụ thể đến khóa II được.

Xin cảm ơn nhà văn!


ĐỨC ĐAN
(thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ