(Cinet) – Tín ngưỡng Phật Giáo đã du nhập vào Việt Nam từ hàng nghìn năm trước và trải qua nhiều diễn biến lịch sử. Kiến trúc chùa tại Việt Nam theo đó có sự hình thành và phát triển khá phong phú, đa dạng.
Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh là một điển hình kiến trúc chữ Nhĩ |
(Cinet) – Tín ngưỡng Phật Giáo đã du nhập vào Việt Nam từ hàng nghìn năm trước và trải qua nhiều diễn biến lịch sử. Kiến trúc chùa tại Việt Nam theo đó có sự hình thành và phát triển khá phong phú, đa dạng.
Phong cách kiến trúc chùa ở các địa phương không đồng nhất và có sự thay đổi phụ thuộc theo yếu tố địa lý và khí hậu. Nhưng kiến trúc phổ biến nhất chiếm đa số là bố cục kiến trúc theo hình chữ Đinh, chữ Nhĩ và chữ Công.
Theo đó, chữ Đinh: bên ngoài rộng 5 gian, 7 gian. Chữ Nhĩ phức tạm hơn thường để nói về một công trình gồm nhiều công trình đơn lẻ, có hành lang bao quanh hoặc tường vây quây kín. Chữ Công, hay còn gọi là kiến trúc nội công ngoại quốc là dạng bố cục bên trong hình chữ I, bao bọc bên ngoài là kiến trúc hình vuông
Thường thấy nhất là kiến trúc chùa kiểu nội công ngoại quốc, nhìn chung chùa kiến trúc này sẽ có một Điện thờ hình chữ I, một dãy hành lang bao quanh 3 mặt và một sân rộng, phía trước chùa là Cổng lớn Tam quan hay đơn giản hơn là 4 cột trụ. Theo giáo lý Phât học thì Tam quan có thể hiểu là kiến trúc cổng có 3 cửa. Qua Tam quan ở sân trước hay phía bên chính diện có Bảo tháp xây bằng đá hay bằng gạch cũng là một bộ phận quan trọng trong kiến trúc Phật giáo.
Khu trung là điện thờ Phật của Chùa, thông thường bao gồm 3 ngôi nhà nằm kế tiếp nhau: Tiền đường; Thiên hương; Thượng điện.
Tiền đường là căn nhà ngoài, nơi tín đồ thiện nam tín nữ tụ tập, dân hương hành lễ cầu Phật. Hai bên có thờ các tượng Đức ông: ông Thiện, ông Ác…
Thiên hương là nơi đất hương, gõ mõ, tụng kinh.
Thương điện: gồm nhiều tượng Phật đặt trên các bệ xây từ thấp đến cao, tượng trưng cho sự tu hành và đắc đạo của các Đức Phật gọi là tòa “Tam bảo” của khu Chùa, đồng thời biểu diện các triết lí của đạo Phật. Hệ thống tượng Phật trong Chùa theo diễn biến lịch sử có nhiều thay đổi; : vào thời Lý mới chỉ thấy có một pho tượng Phật A Di Đà. Đến thời Trần phát triển thêm tượng Tam thế với 3 pho gồm: Quá khứ, Hiện tại và Vị Lai. Từ thời Lê tới nay điện thờ Phật ngày càng có nội dung phức tạp hơn, có những địa phương thờ cả Ngọc Hoàng, Đế Thích Thập đạo Diêm vương; Thổ công, Thổ địa…trong chùa.
Chùa Keo - Thái Bình và chùa Tây Phương - Hà Nam là những công trình kiến trúc khá phức tạp gồm nhiều công trình nhỏ lẻ trong một quần thể lớn.. |
Ngoài khu trung tâm, kiến trúc chùa còn có thể có dãy hành lang tùy theo diện tích của chùa. Tại dãy hành này sẽ đặt bàn thờ và điêu khắc tượng các vị La Hán; các vị Hòa thượng hoặc cũng có chùa sẽ sử dụng một hành lang làm nơi tạm trú cho khách thập phương hay chuẩn bị cỗ chay trong những dịp lễ hội.
Kiến trúc chùa lớn hay nhỏ, các công trình kiến trúc trong chùa nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô và số tiền xây dựng chùa và cũng tùy phong tục tập quán từng địa phương. Tuy nhiên những kiến trúc cơ bản thì dù chùa lớn hay nhỏ cũng đều phải có đủ.
Xung quanh kiến trúc chùa cũng thường có hồ nước hoặc thủy bình. Đặc biệt ở các làng quê, khi chọn vị trí để xây chùa, người xưa thường ưu ái chọn những địa điểm gắn với cảnh quan thiên nhiên như hồ nước, sông, núi..
Chùa Dâu - Bắc Ninh là điển hình của kiến trúc nội công ngoại quốc |
Chùa Thầy với hồ nước, thủy bình bên ngoài tạo nên khung cảnh vô cùng bình yên, đẹp mắt.. |
Cũng như những loại hình kiến trúc tín ngưỡng khác như: Đình, miếu…đa số được kết cấu từ gỗ, kết hợp các vật liệu địa phương khác nhau như đá ong, gạch nung, đá hộc, đá vân…Điêu khắc và trang trí trong kiến trúc chùa cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng.
Nghệ thuật điêu khắc gắn bó và là bộ môn tạo hình không thể thiếu trong các công trình kiến trúc cổ không chỉ riêng kiến trúc tín ngưỡng. Điêu khắc không chỉ để điểm xuyết, trang trí nội ngoại thất cho công trình kiến trúc mà còn đưa công trình lên một tầm giá trị nghệ thuật mới. Dễ dàng nhận thấy tại các chùa cổ từ mái, bệ cửa, bậc cấp, lan can cho đến cột kèo, xà bảy, hổ phù, cửa võng, cửa sổ…đều có trang trí chạm trổ tùy loại hình quy mô và thứ bậc công trình.
Các đề tài được khai thác để làm nội dung điêu khắc thường phản ánh tính chất phong kiến, tôn giáo, xã hội...Ví dụ như trong các công trình kiến trúc cung đình thì “Tứ Linh” ( Long – Ly – Quy – Phượng) rất phổ biến, ngoài ra một số hình ảnh như hạc, hổ, voi, ngựa…hình Tiên nữ cưỡi phượng, nhạc công.. cũng được sử dụng để điêu khắc trên từng phần của công trình. Trong kiến trúc đền chùa hình ảnh dễ gặp nhất là hình rồng, hoa sen, các chữ tượng hình…
Có thể nói, kiến trúc Phật giáo đã rất phát triển ở nước ta và trở thành một loại hình kiến trúc riêng biệt cùng với nhiều loại kiến trúc khác như: Kiến trúc quân sự quốc phòng ( thành, lũy, pháo đài); Kiến trúc cung điện, dinh thự…sẽ giới thiệu trong các bài tiếp theo.
(Ảnh nguồn internet)
NLH