• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiến trúc cổ Việt Nam: Kiến trúc Cung điện – Dinh thự ( Bài 2)

15/05/2016 15:04

(Cinet) – Kiến trúc cung điện – dinh thự là kiến trúc tiêu biểu và điển hình của các triều đại phong kiến Việt Nam. Lý do bởi loại hình kiến trúc này huy động tập trung cao độ tài lực của cả nước hoặc ít nhất là địa phương nơi xây dựng cung điện – dinh thự.

Ngọ Môn - Hoàng Thành Huế

>>Bài liên quan:

Kiến trúc cổ Việt Nam: Kiến trúc chùa ( Bài 1)

(Cinet) – Kiến trúc cung điện – dinh thự là kiến trúc tiêu biểu và điển hình của các triều đại phong kiến Việt Nam. Lý do bởi loại hình kiến trúc này huy động tập trung cao độ tài lực của cả nước hoặc ít nhất là địa phương nơi xây dựng cung điện – dinh thự.

Nói đến nghệ thuật cổ trong xã hội phong kiến, hầu hết mọi người đều nghĩ tới đầu tiên là kiến trúc cung điện và dinh thự của triều đình và các tầng lớp quan lại, quý tộc. Điều này cũng dễ hiểu bởi loại hình kiến trúc này được xây dựng quy mô, hoành tráng tập trung những tài năng thiết kế giỏi nhất thời kỳ bấy giờ.

Khi một ông vua lên ngôi hay một triều đại mới được sáng lập theo sau đó bao giờ cũng là quyết định lập kinh đô và xây dựng những công trình kiến trúc cung điện – dinh thự để tỏ rõ quyền lực của triều đại, uy thế của cá nhân.

Thời kỳ dựng nước, các vua Hùng nhà nước Văn Lang ở Phong Châu ( Phú Thọ) nhưng do thời gian đã xa hàng mấy chục thế kỷ do vậy tư liệu, sách vở ghi lại vết tích kiến trúc nghệ thuật cung điện giai đoạn này không có gì đáng kể và cũng không đủ căn cứ để mô tả.

Sau hàng nghìn năm Bắc thuộc đến thời nhà Đinh khởi nghiệp ở Ninh Bình, tiếp nối là nhà Tiền Lê. Nhưng đến nay, kiến trúc cung đình nhà Đinh và Tiền Lê có diện mạo thế nào vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Năm 2010, Lý Công Uẩn lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tổ, mở ra triều đại nhà Lý và quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội). Những quần thể cung điện thời nhà Lý thường được bố trí theo trục đối xứng, căn bằng ngay ngắn để đảm bảo tính chất tôn nghiêm của quyền lực triều đình nhà nước phong kiến. Mặt bằng kiến trúc đơn giản: chữ nhất (-) hay chữ nhị (=), có hành lang, có gác kết hợp chặt chẽ với vườn hoa, mặt nước và cây cỏ thiên nhiên. Vật liệu xây dựng chủ yếu được huy động từ các nguồn vật tư trong nước hoặc ngay tại địa phương: ngoài gỗ quý cũng dùng cả gạch, ngói, đá…Tuy nhiên kết cấu gỗ truyền thống với những hàng cột chịu lực thì ít khi thay đổi trong các công trình. Những công trình xây dựng sau thường trang trí, thiết bị nội thất, ngoại thất tinh vi, cầu kỳ và tráng lệ hơn. Quy mô, kích thước của những công trình kiến trúc này cũng bề thế hơn. Tại một số cung điện tiêu biểu thời nhà Lý, các bộ phận cấu tạo công trình như cột, đầu cột, diềm mái, vì kéo..cùng với thềm bậc tam cấp, gạch tráng men xanh, vàng, ngói ống, lưu li được khắc “Long, ly, quy, phượng” hoặc “Tứ quý”…tạo nên một hình thức kiến trúc cung điện lầu son, gác tía, lộng lẫy uy nghi. Đáng tiếc là năm 1214, loạn lạc do các phe phái phong kiến trong nước chống đối lẫn nhau khiến kiến trúc cung điện dinh thự nhà Lý bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng.

Đoan Môn và Thềm Rồng tại Hoàng thành Thăng Long



Nhà Trần nối ngôi nhà Lý đã phải đầu tư xây dựng mới và sửa sang lại Hoàng cung tại Thăng Long. Kiến trúc nhà Trần so với nhà Lý có nét độc đáo riêng: công trình xây trên các bệ cao, đa số là hai tầng có gác, thậm trí có công trình có tới 3-4 tầng. Tầng dưới được gọi là “điện”, tầng trên được gọi là “các” và thường có hành lang bao quanh. Các công trình được nối với với nhau và nối với các cửa Hoàng thành. Do thể chế các vua nhà Trần hầu hết truyền ngôi lại cho con từ khi còn sống để lui về làm Thái thượng hoàng, do đó trong kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long thời Trần cùng tồn tại hai hệ thống cung: cung Vua và cung Thái thượng hoàng hoặc cung Thái tử.

Về kiến trúc cung điện nhà Trần, sách Văn hiến thông khảo có viết: Vua ở trên điện cao 4 tầng, xung quanh có nhiều cung điện, tất cả những cung điện đều sơn màu đỏ, cột có chạm rồng, phượng thần tiên…

Khi nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly rời đô vào Vĩnh Lộc ( Thanh Hóa) tuy nhiên các cung điện lầu gác của nhà Hồ qua thời gian và chiến tranh đã bị quân Minh tàn phá, hủy hoại nên không còn tồn tại, tư liệu ghi chép quá ít nên không xác định được hình ảnh cụ thể. Trải qua nhiều biến cố lịch sử khác cho đến năm 1802,  sau khi cách mạng Tây Sơn bị thất bại – Nguễn Ánh lập triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) đã tập trung nguồn nhân lực và vật lực lớn để xây dựng Hoàng cung trong kinh đô Huế.

Cung điện dinh thự dưới thời nhà Nguyễn được xây dựng trong Đại nội Huế vẫn được bố cục xây dựng theo kiểu truyền thống triều đình phong kiến Á Đông, khởi công từ thời Gia Long (1802-1819), phát triển nhất vào thời Minh Mạng (1820-1840) và các vua Nguyễn tiếp sau đó tu bổ và mở mang thêm những công trình mới.

Kiến trúc cung đình dinh thự Huế được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là kiến trúc dùng làm nơi thiết triều và cử hành lễ nghi: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh,…Loại hai là nơi của Vua và hoàng thất: Điện Càn Thanh, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung, điện Diên Thọ…Và loại cuối cùng các công sở - công quán: Điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Đông các phủ nội vụ, Thái y viện…

Điện Thái Hòa và cửa Hiển Nhơn - Hoàng Thành Huế



Cùng với 3 loại kiến trúc nêu trên, trong các thư tịch còn nói tới đền miếu thờ tự và kiến trúc vui chơi giải trí tại Huế. Riêng những công trình loại này cũng có tới trên 100 công trình lớn nhỏ. Những công trình kiến trúc tại Huế nói chung có phong cách hài hòa, khiêm tốn và chừng mực của kiến trúc dân gian Việt Nam, không quá đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy như kiến trúc của triều đình phong kiến nhà Minh.

Trải qua hơn 100 năm với nhiều biến động lịch sử và tác động của thiên nhiên, trên 80% cung điện và dinh thự nhà Nguyễn đã bị hủy hoại. Hiện chỉ còn lại cửa Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ…cùng Thế Miếu, Hiểm Lâm các và một số kiến trúc nhỏ. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa sau này, trào lưu kiến trúc và kỹ thuật xây dựng phương Tây đã xâm nhập vào nước ta và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đô thị lớn. Kiến trúc cung đình Huế vì thế cũng có sự lai tạp Á, Âu.

So với các kiến trúc cung điện, dinh thự ở Hoa Lư và Thăng Long, cung điện ở Huế là kiến trúc của triều đại phong kiến cuối cùng và gần hơn cả, tuy cũng đã mất mát phấn lớn song các di tích lịch sử còn lại tương đối quy mô, cụ thể. Những công trình kiến trúc này không chỉ là những bằng chứng lịch sử mà còn là kết tinh là thành quả lao động của nhân dân và là di sản văn hóa mà mỗi người Việt cần trân trọng, giữ gìn.

Bên cạnh kiến trúc Chùa, kiến trúc Cung điện dinh thự, trong các loại hình kiến trúc cổ có một kiến trúc không thể không nhắc tới đó là kiến trúc Quân sự - Quốc phòng. ( sẽ giới thiệu trong bài 3).

(Ảnh nguồn internet)

NLH


Tham khảo các nguồn tài liệu: Kiến trúc cổ Việt Nam; Kiến trúc Việt Nam qua các Triều đại; Kiến trúc truyền thống.

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ