(Tổ Quốc) - Trong xu thế đô thị hóa các làng quê, kiến trúc đình làng- một giá trị văn hóa đặc biệt đang bị xem nhẹ và mai một. Trong xu thế đô thị hóa các làng quê, kiến trúc đình làng- một giá trị văn hóa đặc biệt đang bị xem nhẹ và mai một. Trong xu thế đô thị hóa các làng quê, kiến trúc đình làng- một giá trị văn hóa đặc biệt đang bị xem nhẹ và mai một.
Trong nhiều năm qua, thực trạng xuống cấp của nhiều Đình làng Việt Nam đã và đang là nỗi niềm của những nhà nghiên cứu, quản lý và những người tâm huyết với di sản văn hóa của cha ông. Vì vậy, khi cuốn sách ảnh “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” bao gồm các bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền Bắc ra đời đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Cùng với đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng về sự xuống cấp của một trong những biểu tượng của làng quê Việt hiện nay, kiến trúc Đình làng.
Hồn quê mai một trong xã hội hiện đại
“Cây đa, bến nước, sân đình”- đó là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Đình làng được xem là một đại diện cho kiến trúc Việt Nam gắn liền với văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt.
Ở các làng quê, nhiều ngôi đình đang bị bỏ hoang (ảnh Đình Chu- Vĩnh Phúc-báo Nhân dân) |
Theo Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, đình làng manh nha từ thế kỉ 15 và đạt đỉnh cao ở cuối thế kỉ 17 với những nét kiến trúc và chạm khắc mang tính biểu tượng cùng hơi thở sinh hoạt dân gian cả về mặt vật thể và phi vật thể. Đình làng là kiến trúc nổi bật trên mặt đất lớn nhất của làng xã Việt thời cổ xưa, nó không bắt đầu từ một nơi nào ngoài đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đình làng là một sáng tác đặc biệt của nền kiến trúc dân gian Việt Nam trong quá khứ. Nơi đời và đạo hòa nhập để tạo nên một bản trường ca phi hoa, phi ấn, phi cả tôn giáo ngoại lai.
Việc bảo tồn kiến trúc đình làng Việt đang bị xem nhẹ trong công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ và ngôi đình làng vốn là trung tâm hành chính - tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng, dần dà mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ. Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ thậm chí cả với những ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia. Nhiều ngôi đình với kiến trúc đặc biệt cũng bị thời gian tàn phá, đến mức không còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân, trở thành nơi bị bỏ hoang như đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội), đình Đình Chu (Vĩnh Phúc), đình An Hựu, đình Thủ Lễ…
GS.KTS Hoàng Đạo Kính lý giải: “Hơn thế kỷ nay, thời cuộc đổi thay gốc rễ, công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa bùng nổ dẫn tới sự tan vỡ phần xác và phần hồn của ngôi làng Việt xưa cũ. Nó phát triển theo mô hình mở, khấm khá lên và tân tiến lên cùng công cuộc đô thị hóa cấp tập. Cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ. Và, ngôi đình làng vốn là trung tâm hành chính - tín ngưỡng - sinh hoạt cộng đồng, dần dà mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ. Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ…”.
Còn gì cho mai sau?
Theo chia sẻ từ TS Nguyễn Hồng Kiên: “Từ thực tiễn 24 năm làm trùng tu di tích kiến trúc, được các cụ nghệ nhân, các kiến trúc sư, các “kết cấu sư”, các “vật liệu sư” dạy cho, và công nhận rằng: cứ khoảng 60 năm di tích kiến trúc gỗ cần được đại tu một lần.”
Bên trong đổ nát của di tích cấp quốc gia, Đình Thần Quy (ảnh Hoàng Đức) |
Các đình làng Việt, với lịch sử vài trăm năm, hầu hết đều đang xuống cấp và trùng tu. Nhưng việc trùng tu một di tích ngoài việc cần kinh phí rất lớn thì đòi hỏi một đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao, có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cũng vô cùng cần thiết. Để khi làm mới, làm đẹp cho đình làng mà không đánh mất giá trị cốt lõi của di tích.
Ở ta, việc này chưa được quan tâm đúng mức nên thời gian cả chục năm qua, tồn tại phổ biến câu chuyện tu bổ tôn tạo đình cổ sai nguyên tắc, đánh tụt niên đại, làm hỏng các cấu kiện, mảng chạm, những thứ được xem như “nghệ thuật điêu khắc”.
TS.KTS Hoàng Đạo Cương cho hay, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng cơ bản nhất là quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều. Việc trùng tu chỉ có thể gia cố lại phần xác trong khi đã mất đi phần hồn liệu có thể tồn tại được bao lâu?
Bởi vậy, để làm sống lại không gian đình làng, chúng ta không chỉ gìn giữ các di sản tích kiến trúc đình làng, mà còn phải gìn giữ mối tương quan của con người với di sản đó. Thay vì chỉ tu bổ đình, chúng ta nên xây dựng cả cảnh quan xung quanh và phục hồi công năng của đình là nơi gắn kết cộng đồng, nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của ngôi làng./.