(Tổ Quốc) - Chiều 26/11, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ra mắt hai cuốn sách với tiêu đề “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện Bảo tồn di tích” (tập 2) và “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” (tập 2) do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành.
Cuốn sách "Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" (tập 2)
Tiếp nối thành công của 2 cuốn sách: "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" (tập 1) và "Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" (tập 1), Viện Bảo tồn di tích tiếp tục xuất bản tập 2 của các cuốn sách trên, đáp ứng sự mong mỏi của bạn đọc, đặc biệt là những độc giả yêu mến di sản văn hóa của dân tộc thông qua hình ảnh những tinh hoa của kiến trúc truyền thống đã được chắt lọc, cô đọng và hiện hữu qua từng con chữ, nét vẽ và hình ảnh đặc sắc trong từng cuốn sách.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản Tu sửa di tích Trung ương, tiếp theo là Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích Trung ương và nay là Viện Bảo tồn di tích đã kiên trì theo đuổi, tiến hành điều tra, nghiên cứu, ghi chép, vẽ ghi và chụp ảnh hiện trạng những ngôi đình, chùa của Việt Nam.
Qua tư liệu khoa học của Viện Bảo tồn di tích lưu trữ hồ sơ, hình ảnh của hàng trăm ngôi đình, ngôi chùa, ngôi đền… hàng trăm bản vẽ ghi bằng tay và bằng máy các di tích kiến trúc Chăm của thế kỷ trước. Viện có kế hoạch công bố tuần tự những tư liệu này và kết quả là sự ra đời của các cuốn sách "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện Bảo tồn di tích" (tập 1, 2) và "Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" (tập 1, 2).
Tiếp nối tập 1, cuốn sách "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện Bảo tồn di tích" (tập 2) đề cập đến 12 ngôi đình tiêu biểu, với nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc đặc sắc, mang hơi thở nghệ thuật kiến trúc đặc trưng trải dài từ cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Cuốn sách "Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích" (tập 2) đề cập đến 10 ngôi chùa tiêu biểu từ thời Trần cho đến thời Nguyễn có giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí.
Viện Bảo tồn di tích hy vọng các ấn phẩm sẽ giúp ích đắc lực cho các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn về trùng tu di tích./.