• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội: Đừng sử dụng kiểu “vắt chanh“

Văn hoá 11/10/2017 08:02

(Tổ Quốc) - Nhiều công trình mang kiến trúc Pháp tại Thủ đô đang bị sử dụng, khai thác quá mức mà không được trùng tu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của những công trình này như thế nào là bài toán cần lời giải.  

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Những di sản kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao tạo nên diện mạo đô thị Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại. Các công trình này được nhiều người đặc biệt quan tâm về phương diện kiến trúc và công tác bảo tồn di sản trong nhiều năm qua.

Kiến trúc Pháp cùng với kiến trúc bản địa là hai yếu tố cấu thành nét độc đáo của kiến trúc Thủ đô. Việc nhận thức đúng giá trị của kiến trúc Pháp và có chiến lược bảo vệ di sản đô thị này cần được đặt ra.

Đây là ý kiến của KTS Hoàng Đạo Kính- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao đổi cùng phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc nhân Triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp kỷ niệm 63 năm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Nhận thức về các công trình kiến trúc Pháp đã được thay đổi (ảnh Hoàng Nguyên)

+ Thưa ông, các công trình kiến trúc Pháp có giá trị như thế nào đối với diện mạo của Thủ đô?

- Các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Hà Nội có quỹ tài sản đô thị hiện hữu, góp phần tạo diện mạo đặc trưng của Thủ đô chính là ở sự hội nhập giữa tài sản kiến trúc đô thị do người Việt tạo lập ra (không lớn, không đồ sộ) cộng với tài sản kiến trúc Pháp.

Phải nói, kiến trúc Pháp ở Hà Nội ngoài thẩm mỹ mới, sự kế thừa của những tinh hoa kiến trúc châu Âu truyền thống, người Pháp trong kiến trúc của mình ở Hà Nội thể hiện sự tinh tế đặc biệt. Không xây dựng các công trình quá lớn, có thẩm mỹ xa lạ. Nếu ở các nước khác, khu thuộc địa thường tương phản với bản địa thì ở Hà Nội bản địa và thuộc địa hòa nhập với nhau. Đây là một sự tinh tế. Cái đẹp của Kiến trúc Pháp ở Hà Nội không phải là độc đáo, mà là cái đẹp tinh tế, sự cảm thụ tinh tế của văn hóa Pháp.

+ Có một thời gian nhận thức về các công trình kiến trúc Pháp chưa đúng. Hiện nay, nhiều công trình kiến trúc Pháp đã được coi là di sản. Theo ông, chúng ta phải có cách đối xử như thế nào đối với những di sản này?

- Phải nói thêm rằng, văn hóa Pháp tinh tế và Việt Nam cũng dễ hấp thụ cái tinh tế. Vì vậy, chúng ta có khu phố cũ với phố Pháp hòa nhập, không tương phản nhau. Vì vậy chúng ta có một Hà Nội rất thanh. Chúng ta giờ mới ngộ ra được tài sản kiến trúc đô thị Pháp để lại không chỉ là tài sản mà là di sản và nếu không có kiến trúc Pháp, Hà Nội sẽ thế nào? Các dân tộc văn minh đều có sự “thỏa hiệp” cái gì ở nước người ta là của người ta. Bây giờ, chúng ta đã biết bảo vệ tài sản, di sản kiến trúc Pháp, là sự nhận ra muộn mằn nhưng cần thiết.

KTS Hoàng Đạo Kính: Bảo tồn là phải dùng, công trình nào có giá trị phải giữ lại, duy trì sau đó phải cải tạo, cải tạo trên cơ sở tôn trọng giá trị cũ, giữ lại nền tảng (ảnh Hoàng Nguyên)

Kiến trúc Pháp thể hiện ở sự tinh tế, nhiều công trình đã xuống cấp do thời gian, do không được trùng tu, do sử dụng  một cách hết sức “vắt chanh” như cầu Long Biên… Các công trình hầu như không được chăm sóc, chủ yếu bị khai thác, sử dụng kiểu “vắt chanh”. Nếu có sửa chữa thì chỉ theo kiểu hành chính quản trị chứ không như cách ứng xử với công trình văn hóa nghệ thuật. Nhiều công trình bị tàn tạ, xuống cấp vì chúng ta trong thời gian dài chưa đánh giá công bằng với tài sản kiến trúc đô thị. Đây là tài sản đã được sử dụng tự nhiên, dùng theo nhu cầu cuộc sống. Ví dụ, những biệt thự Pháp vốn dĩ là dùng cho một gia đình, nhưng do thiếu nhà cho công chức, chúng ta phân chia cho rất nhiều người. Giờ thành ra nhà không có chủ. Việc bảo tồn tiếp nối đang là một thách thức.

+ Vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp đang là bài toán đau đầu đối với nhà quản lý. Theo ông, với hàng nghìn công trình kiến trúc Pháp tại Thủ đô, chúng ta phải làm gì để có thể giữ gìn, chống xuống cấp?

- Giờ chúng ta phải đặt vấn đề lựa chọn tinh hoa, quý, có giá trị tiêu biểu hoặc ô phố, đoạn phố để giữ và tôn tạo. Như Viện Pasteur, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Và không nên gọi là di tích mà chỉ gọi là công trình tiêu biểu.

TP Hà Nội phải lập danh mục công trình có giá trị đối với thành phố. Và có cách ứng xử thực tế, khả thi. Không thể kêu gọi giữ tất cả những nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội. Chúng ta cứ phong trào thì không làm gì được. Phải tư duy chiến lược, lựa chọn, phân loại ra cái nào là tinh hoa, cốt yếu thì giữ. Chứ kêu gọi là bảo tồn kiến trúc Pháp với hàng nghìn nhà thì sẽ không thể làm xong.

Bảo tồn là phải dùng, công trình nào có giá trị phải giữ lại, duy trì sau đó phải cải tạo, cải tạo trên cơ sở tôn trọng giá trị cũ, giữ lại nền tảng. Phải có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ khu Nam Hồ Gươm, kiến trúc Pháp phải có khu phố như thế nào. Giữ bằng Luật, bằng quy chế chính sách chứ không phải là cứ tuyên bố là di sản rồi không có cơ chế sửa chữa, cải tạo.

+ Các công trình kiến trúc Pháp không chỉ có giá trị văn hóa mà sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn nếu chúng ta khai thác hiệu quả trong quảng bá văn hóa Hà Nội đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật thì mới đây, Nhà hát Lớn cũng được đưa vào khai thác du lịch. Theo ông, đây có nên là con đường để đem lại giá trị kinh tế từ di sản?

- Theo tôi, đây là việc nên làm! Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch.

Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thể kỉ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình - tuyến phố - khu vực di sản.

+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ