Thừa nhận “các công trình do vốn nước ngoài đầu tư, kiến trúc sư nước ngoài thực hiện có một khoảng cách với các công trình nội địa” GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói, kiến trúc sư Việt Nam chỉ được thực thi những công trình nhỏ do quá “non yếu và thiếu chuyên nghiệp”.
Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008 vừa được trao tại Hà Nội đã không tìm được giải nhất với nhận định của Hội đồng giải thưởng: Thiếu vắng công trình lớn, tầm cỡ, có giá trị nghệ thuật và tính tư tưởng cao. Nhân dịp này, chúng tôi đã cùng KTS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhìn nhận lại diện mạo kiến trúc Việt Nam qua chặng đường 15 năm Giải thưởng Kiến trúc.
- Ông nhận định thế nào về Giải thưởng Kiến trúc mang tầm quốc gia đã trải qua 15 năm tồn tại, cứ định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần - tức là có tới 8 lần trao giải?
KTS Hoàng Đạo Kính: Kiến trúc cũng giống như các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác, muốn phát triển, muốn thúc đẩy nó ngày càng đa dạng hóa, càng tinh hoa hơn, càng tiếp cận gần hơn với kiến trúc thế giới và khu vực thì không thể không có những bình phẩm, thẩm định, chọn lọc của dư luận xã hội và giới chuyên môn.
Giải thưởng Kiến trúc 2 năm một lần tạo điều kiện để dư luận xã hội và các nhà chuyên môn xem xét, đánh giá lại các công trình kiến trúc, các xu hướng sáng tạo, thúc đẩy các xu hướng tiến bộ và xác định được lực lượng các kiến trúc sư, các tác giả có tài năng và tâm huyết với kiến trúc nước nhà.
- Như vậy, thưa ông, có phải nhìn vào 8 lần Giải thưởng Kiến trúc quốc gia là hình dung ra diện mạo kiến trúc nước nhà thời gian qua?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không phải tất cả các tác phẩm kiến trúc gửi đến tham gia Giải thưởng đã là đại diện, là tiêu biểu, là đủ nói hết về những tìm tòi, nếu có, của các kiến trúc sư trong cả nước. Vì nhiều lý do, trong đó có thể vì việc bình chọn giải có thể mức độ nào đó chưa ổn chẳng hạn, nhiều kiến trúc sư còn chưa muốn gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng Kiến trúc. Nhưng nói chung, đánh giá ở mức độ nào đó thì Giải thưởng Kiến trúc sau 8 lần trao đã khẳng định nền kiến trúc Việt Nam đã vượt qua trình độ làng nhàng, thiếu khuynh hướng.
Việc bình chọn các tác phẩm để trao giải đã đề cao sự tìm tòi để chống lại biểu hiện của chủ nghĩa hình thức như phô trương, lãng phí, rườm rà, chống lại xu hướng kiến trúc nhại cổ... Nó cũng thể hiện rõ quan điểm, tìm ra hướng đi mà kiến trúc sư Việt Nam phải đi.
- Là người theo dõi gần như đủ cả 8 lần Giải thưởng Kiến trúc, tôi công nhận rằng lần nào Hội đồng Giải thưởng cũng đề cao sự tìm tòi, kiên quyết chống xu thế phô trương và nhại cổ. Nhưng thưa ông, tác phẩm được giải của các kiến trúc sư Việt Nam dù đã hình thành một xu hướng kiến trúc hiện đại thì cũng chỉ là các công trình nhỏ?
KTS Hoàng Đạo Kính: Những năm qua chúng ta xây dựng rất nhiều, nhưng những công trình xây dựng lớn lại thường được giao cho kiến trúc sư nước ngoài. Phải thừa nhận các công trình do vốn nước ngoài đầu tư, kiến trúc sư nước ngoài thực hiện có một khoảng cách với các công trình nội địa.
Kiến trúc Việt Nam đã có một bước tiến dài, đã tiệm cận với thế giới về phương tiện, về vật liệu, thủ pháp của kiến trúc hiện đại ở mức độ nào đó. Nhưng nhìn một cách khắt khe hơn, chúng ta không thể dừng lại thế này mà phải đẩy nhanh quá trình phát triển hơn. Sự non yếu và thiếu chuyên nghiệp của kiến trúc sư Việt Nam đã khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà: Kiến trúc sư Việt Nam chỉ được thực thi những công trình nhỏ.
- Nhìn lại Giải thưởng Kiến trúc những năm qua, chúng ta có một trung tâm hành chính quận 10 của KTS Nguyễn Văn Tất mà lần đầu tiên trụ sở một cơ quan công quyền được thiết kế trong một tổng thể hợp lý, vị trí trang trọng nhất của tòa nhà được dành để tiếp dân. Chúng ta có một quán cafe hay một quán bar "Gió và nước" của KTS Võ Trọng Nghĩa tiệm cận kiến trúc hiện đại bằng cách sử dụng vật liệu truyền thống và hướng tới kiến trúc sinh thái. Nhưng đó đều là những công trình nhỏ. Lần đầu tiên kiến trúc sư Việt Nam được thiết kế một công trình lớn là Nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài mặc dù cũng đã giành giải nhất năm 2002 nhưng lại không có sự đánh giá đồng thuận trong dư luận xã hội. Vì thế mà thưa ông, nếu bây giờ gọi tên một công trình kiến trúc tầm cỡ có thể được coi như biểu tượng của kiến trúc nước nhà thời kỳ đổi mới chắc là quá khó?
KTS Hoàng Đạo Kính: Cái này còn ở thế giằng co lâu dài. Chúng ta ít tác phẩm "lỗi lạc" còn do tình trạng chung của xã hội chưa có điều kiện hành nghề tốt cho kiến trúc sư. Người Việt Nam chỉ được thực thi những công trình nhỏ. Nhưng ngay cả trong những công trình tầm vừa anh em kiến trúc cũng đã vươn lên rất nhiều. Chỉ là những nhà hàng, quán ăn, rõ ràng KTS trẻ Võ Trọng Nghĩa đã tìm ra được một phong cách kiến trúc khá độc đáo. Đó là những đốm sáng le lói.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Công an nhân dân)