(Tổ Quốc) -Vào mùa Đông Xuân, thời tiết thay đổi khiến cho nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ em càng gia tăng. Để phòng và điều trị trẻ bị bệnh sởi đúng cách, Tiến sỹ - Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương đã có những khuyến cáo đối với các phụ huynh.
Những quan niệm sai lầm khi trẻ bị sởi
Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm giao mùa sang Đông- Xuân chính là lúc nguy cơ bệnh sởi gia tăng. Trong khoảng hai tháng trở lại đây, số ca bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi tăng trung bình khoảng 15 - 20 ca.
Trẻ đang bị bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Riêng tuần vừa qua số ca bệnh phải nhập viện điều trị khoảng 13 ca. Theo đó, từ đầu năm đến nay có khoảng trên 70 ca bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh sởi đó là sốt, ho, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Sau khi ban mọc thường thì trẻ hết sốt. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ không hết sốt hoặc sau khi hết sốt vài ngày sốt lại thì có thể sởi có biến chứng hoặc gặp phải bội nhiễm như viêm phổi, viêm tai giữa … Đối với những trường hợp trẻ đang bị suy giảm miễn dịch, hoặc có bệnh mãn tính, viêm phổi kéo dài mà bị sởi thì bệnh có nguy cơ tăng nặng hơn.
Cũng theo bác sỹ Lâm: "Nguy hiểm nhất là đối với các bậc phụ huynh có quan niệm kiêng không đúng khi trẻ mắc bệnh sởi. Trước đây, có một số trường hợp phụ huynh khi con bị sởi thì kiêng nước, kiêng gió thậm chí kiêng cả ánh sáng nên suốt ngày để con trong nhà. Có trường hợp sau quá trình kiêng không đúng như vậy con bị viêm kết mạc, nặng hơn là loét giác mạc."
Phòng và điều trị sởi đúng cách
Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm cho biết, đối với bệnh sởi thì cách phòng bệnh duy nhất đó là tiêm chủng. Sởi là bệnh có vắc xin và thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch.
Đối với sởi thông thường thì chỉ cần khám và điều trị tại các tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, với sởi biến chứng nên cho trẻ vào nhập viện sớm để được các bác sỹ chăm sóc và điều trị kịp thời.
Bác sỹ Lâm khuyến cáo: "Không nhất thiết phải điều trị ở tuyến Trung ương, bởi nếu chỉ bị sởi thông thường mà đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trung ương thì nguy cơ quá tải dẫn đến lây nhiễm chéo, dịch lây lan và bùng phát như năm 2014 là rất dễ xảy ra."
Đối với những trường hợp đang điều trị sởi ngoại trú, các bậc phụ huynh cần chú trọng việc uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng, thân thể đúng cách cho trẻ. Đặc biệt là phải đưa trẻ đến bệnh viện khám để kê đơn, bổ sung vitamin A theo đúng phác đồ./.
Thế Công