• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong lòng Kiến trúc cung đình Huế

20/02/2018 08:00

Gần 100 bản lễ nhạc và vũ khúc cung đình của Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, được phục dựng và đưa vào trình diễn kể từ khi loại hình âm nhạc này được UNESCO vinh danh không chỉ là món quà tinh thần vô giá để Nhà nước nghênh tiếp các đoàn quốc khách, giao lưu tinh hoa văn hóa khắp nơi, mà còn giúp du khách bốn phương thưởng thức và am hiểu hơn về vẻ đẹp “kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” trong lòng Di sản vật thể kiến trúc cung đình Huế.

Gần 100 bản lễ nhạc và vũ khúc cung đình của Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, được phục dựng và đưa vào trình diễn kể từ khi loại hình âm nhạc này được UNESCO vinh danh không chỉ là món quà tinh thần vô giá để Nhà nước nghênh tiếp các đoàn quốc khách, giao lưu tinh hoa văn hóa khắp nơi, mà còn giúp du khách bốn phương thưởng thức và am hiểu hơn về vẻ đẹp “kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” trong lòng Di sản vật thể kiến trúc cung đình Huế.
 

Nhã nhạc Cung đình Huế.



Chiêu đãi quốc khách bằng Nhã nhạc



Chúng tôi đến di tích Duyệt Thị Đường - một không gian diễn xướng được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam mà triều Nguyễn xây dựng trong Tử cấm thành cách đây gần 200 năm, để xem chương trình Nhã nhạc do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế biểu diễn. Ngoài một số tiết mục chính: Đại nhạc, múa “Lân mẫu xuất lân nhi”, múa “Lục cúng hoa đăng”, buổi biểu diễn còn có thêm nhiều trích đoạn tuồng cổ được dàn dựng công phu như: Hữu biến vô hình, Châu Sáng qua sông, Mạnh Lương bắt ngựa…



Ông Jean Pierre Lartigue (quốc tịch Pháp) đã trầm trồ, chia sẻ với người bạn đi cùng rằng, không chỉ có lăng tẩm, đền đài hay những món ăn đầy lôi cuốn, mà cố đô Huế còn có Nhã nhạc làm đắm say lòng người bởi giai điệu ngọt ngào.



Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, cùng với việc biểu diễn phục vụ khách du lịch hàng ngày, di tích Duyệt Thị Đường còn được Nhà nước chọn làm nơi nghênh tiếp nhiều đoàn quốc khách đến tham quan và thưởng thức Nhã nhạc. Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 3-2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến Duyệt Thị Đường thưởng thức Nhã nhạc.
 

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tiến vào Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế) thưởng thức

Nhã nhạc trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2017
.



“Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cố đô Huế, nhất là Nhã nhạc trước lúc tới thăm. Nguyên cớ, Nhã nhạc cung đình Việt Nam đã có sự giao lưu ảnh hưởng đến Nhã nhạc cung đình Nhật Bản (Gagaku). Từ thế kỷ thứ 8, một nhà sư ở vùng miền Trung Việt Nam đã mang Nhã nhạc qua truyền bá tại Nhật Bản. Đặc biệt vào năm 2007, tháp tùng theo đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Nhật Bản, các nhạc công Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã từng vào Hoàng cung Kyoto biểu diễn Nhã nhạc cung đình Việt Nam cho Nhật hoàng Akihito thưởng thức. Song vì lý do sức khỏe của Nhật hoàng và Hoàng hậu nên chúng tôi phải giản lược các bản. Thế nhưng, khi chương trình biểu diễn kết thúc, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko thay vì từ biệt đã nán lại hỏi han thân mật các nghệ sĩ hơn 5 phút, trong khi thời lượng chương trình phải bố trí chính xác đến từng giây...”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết thêm.



Lưu giữ cho muôn đời sau



Là loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như tế giao, tế miếu, lễ đại triều, thường triều... Đó còn là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam, được cô đọng lại dưới triều Nguyễn (1802-1945).



Biểu diễn Nhã nhạc tại Festival Huế.



Nhưng đã có một thời gian dài, không chỉ giới nghiên cứu mà ngay cả người dân bình thường cũng phải thốt lên rằng: “Sự gặm nhấm của thời gian có thể khiến cho cả cung đình Huế sụp đổ”. Trong đó, Nhã nhạc cung đình mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần; các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít...



Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, ngày 7-11-2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Năm 2008, Nhã nhạc lại được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Song để “cứu” di sản Nhã nhạc, ngoài sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và bạn bè quốc tế, còn phải kể đến sự nỗ lực không mệt mỏi từ phía các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế trong việc sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi được gần 100 bài, cả lễ nhạc lẫn vũ khúc cung đình của Nhã nhạc; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc công, diễn viên ca múa cung đình; lưu diễn và giới thiệu Nhã nhạc tại nhiều quốc gia trên thế giới…



Giờ đây, Nhã nhạc không chỉ là vốn quý của dân tộc, mà còn là tài sản vô giá của nhân loại. Song việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà quản lý và của tất cả mọi người. Một trong những vấn đề then chốt là phải tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan. Qua đó, cần tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn, đồng thời nhân bản tư liệu về Nhã nhạc để lưu giữ, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế.



Theo SGGP

NỔI BẬT TRANG CHỦ