(Tổ Quốc) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của nhiều kiều bào Việt tại nước ngoài.
Trong không khí hân hoan đón chờ của người dân cả nước đối với Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã có cơ hội được trò chuyện cùng hai kiều bào Việt Nam có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nước nhà là bà Nguyễn Ngân Hà và nghệ sĩ trẻ Cao Thanh Lan.
Bà Nguyễn Ngân Hà là kiều bào Việt tại Pháp đã có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn hoá, nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Cùng với nhiều kiều bào yêu nước, bà Nguyễn Ngân Hà đã gây dựng dàn hợp xướng Hợp ca Quê hương (HCQH), đóng vai trò chỉ huy dàn nhạc và trở thành sức sống của dàn hợp xướng. Nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Cao Thanh Lan, hiện đang sống tại Áo, được đánh giá là một trong những tài năng trẻ hàng đầu của âm nhạc đương đại Việt Nam.
Tín hiệu tích cực từ sự kết nối văn hóa Việt Nam và quốc tế
Là một kiều bào có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài trong thời gian qua, bà Nguyễn Ngân Hà nhận thấy sự gắn kết, hòa trộn giữa văn hóa nghệ thuật Việt Nam và nước ngoài đang có nhiều tín hiệu tích cực. Số lượng chương trình hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài tăng lên đáng kể và nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam và nước ngoài cũng đã được dựng lại và biểu diễn cả trong và ngoài nước.
HCQH đã cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng đa quốc tịch của UNESCO thể hiện nhiều ca khúc nổi tiếng. HCQH cũng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Rouen (Pháp) trình diễn ca khúc "Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ" trong Hòa nhạc "Tổ quốc yêu thương" tại Nhà hát Espace Reuilly (Paris) năm 2016. Cũng vào năm 2016, một số thành viên của HCQH đã cùng dàn hợp xướng của thành phố Choisy le Roi, Pháp (thành phố Choisy le Roi kết nghĩa với quận Đống Đa từ năm 1973) về thành phố Hồ Chí Minh diễn cùng dàn nhạc giao hưởng thành phố tại Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh. HCQH cũng đã tham gia biểu diễn tác phẩm Linh Giác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi trong bối cảnh toàn cầu hoá, giao lưu kết nối đa phương được thực hiện, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam như cải lương, nhạc dân tộc… vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm để phát triển và thu hút giới trẻ. Bà mong muốn có thể xây dựng chương trình đào tạo chung về các loại hình này trên quy mô cả nước để giới trẻ trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận và làm quen với các loại hình này. Theo bà Nguyễn Ngân Hà, việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống là rất quan trọng để góp phần giữ gìn bản sắc Việt trong bối cảnh hội nhập hiện tại.
Nhìn nhận từ góc độ tiếp nhận văn hóa, nghệ sĩ Cao Thanh Lan nhận thấy văn hóa nước ngoài được du nhập và tiếp nhận rất nhanh tại Việt Nam, thậm chí nhanh tới mức lấn át phần nào văn hóa bản địa, đặc biệt là trong giới trẻ.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, nghệ sĩ Cao Thanh Lan bày tỏ rằng: "Có thể là do văn hóa nước ngoài được các bạn trẻ tiếp nhận chủ yếu từ Internet, nơi nguồn thông tin khó có thể được kiểm soát. Một yếu tố nữa là tư duy phản biện của ta cũng không mạnh như ở các bạn phương Tây. Ta ít đặt câu hỏi vì sao, và chính vì vậy ít sàng lọc hay ý thức được những gì đang ảnh hưởng lên ta".
Kỳ vọng sự quan tâm hơn tới hoạt động nghệ thuật của kiều bào
Khi được hỏi về suy nghĩ đối với Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bà Nguyễn Ngân Hà nhận thấy đây là một sự kiện rất quan trọng góp phần định hướng cho sự phát triển văn hóa nước nhà trong thời gian tới. Bà hi vọng rằng thông qua sự kiện lớn lần này, Đảng và Nhà nước có thể quan tâm hơn tới hoạt động văn hóa nghệ thuật của các kiều bào Việt tại nước ngoài, những "chiến binh" đang bền bỉ đóng góp vào quá trình quảng bá các giá trị văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.
Theo bà Nguyễn Ngân Hà, sự quan tâm không chỉ là về vấn đề kinh phí mà còn là sự quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan văn hóa Việt Nam và các tổ chức văn hóa nghệ thuật của kiều bào Việt tại nước ngoài và sự hỗ trợ về mặt chất liệu nghệ thuật, tăng cường số lượng các tác phẩm để kiều bào có thể tiếp cận và biểu diễn phục vụ bạn bè quốc tế. HCQH cũng luôn mong muốn nhận được sự giúp đỡ về các sáng tác hợp xướng cũng như một phần kinh phí để thực hiện thêm nhiều CD quảng bá các tác phẩm tới bạn bè nước ngoài.
Bên cạnh đó, bà cũng mong muốn các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam tới kiều bào Việt ở nước ngoài mỗi khi Tết đến, Xuân về có thể diễn ra thường xuyên hơn, có sự đầu tư hơn về nội dung chương trình và đội ngũ thực hiện. Bà rất tiếc khi trong thời gian dịch Covid-19 lan rộng vừa qua, các chương trình như vậy khó có thể diễn ra. Đồng thời, bà cũng đánh giá rằng nội dung các hoạt động lưu diễn văn hóa Việt tại nước ngoài, cụ thể là Pháp, chưa có nhiều sự đổi mới, chưa đa dạng về nội dung loại hình hay chưa có nhiều sáng tạo về kết cấu chương trình.
Là một kiều bào đam mê các loại hình nghệ thuật Việt và rất muốn được thường xuyên giao lưu, diễn tập nghệ thuật, bà rất vui với ý tưởng xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp phải đóng cửa trong thời gian dài để sửa chữa, bà hi vọng những cơ sở vật chất này có thể được khai thác tốt hơn, giới thiệu được đa dạng loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam hơn để phục vụ bà con người Việt và bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu giá trị Việt.
Về phần mình, nữ nghệ sĩ 33 tuổi Cao Thanh Lan cũng gửi gắm một mong muốn nhỏ tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc là trong tương lai sẽ có quỹ văn hóa với ngân quỹ dồi dào đủ để tài trợ cho các dự án văn hóa nghệ thuật của các nghệ sĩ, để các nghệ sĩ có cơ sở và yên tâm làm việc, sáng tạo, đóng góp cho nên nghệ thuật và văn hóa nước nhà. Nghệ sĩ Cao Thanh Lan cũng hi vọng các nghệ sĩ đang làm việc cho các đoàn nghệ thuật nhà nước sẽ có mức lương tương ứng với mức chi phí sinh hoạt hiện nay, để giúp họ có thể thực sự làm nghề và có thể đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.