• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh nghiệm một số quốc gia trong tổ chức lễ hội

Văn hoá 09/05/2019 08:20

(Tổ Quốc) - Trước thực trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự tại các lễ hội, các nước đã khẩn trương vào cuộc với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh lấy lại uy tín và nét đẹp cho lễ hội, tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội. Dưới đây là tổng hợp một số mô hình quản lý lễ hội tại một số nước:

Kinh nghiệm một số quốc gia trong tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội ánh sáng, âm nhạc và sáng tạo lớn nhất thế giới tại Sydney, Australia. Ảnh Australia.au

AUSTRALIA: CHÍNH QUYỀN BANG ÁP DỤNG QUY ĐỊNH MỚI ĐẢM BẢO AN TOÀN, HẠN CHẾ SỬ DỤNG THUỐC KÍCH THÍCH TẠI LỄ HỘI

Chính quyền New South Wales kỳ vọng chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc kích thích và không đảm bảo được an toàn cho người tham gia lễ hội.

Chính quyền bang New South Wales, Australia mới đây đã công bố sẽ áp dụng luật cấp phép mới cho các lễ hội âm nhạc kể từ ngày 1/3/2019. Trước mắt, đã có ít nhất hai lễ hội âm nhạc bị hủy bỏ vì e ngại không đáp ứng được các yêu cầu của quy định cấp phép mới.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thay đổi chính sách trên là do tại lễ hội âm nhạc Defqon.1 tại Sydney tháng 9/2018, hai khán giả đã bị thiệt mạng với nguyên nhân được cho là sử dụng thuốc kích thích quá liều. Ít nhất bảy người khác phải nhập viện vì nguyên nhân tương tự.

Thống đốc bang Gladys Berejiklian lúc đó tuyên bố, chính quyền New South Wales kiên quyết nói không với ma túy và chất kích thích, thậm chí nếu phải đóng cửa các lễ hội âm nhạc. Một ủy ban gồm các chuyên gia đã được thành lập để điều tra về vấn đề an toàn tại các sự kiện âm nhạc lớn.

Ủy ban này khuyến nghị thành lập một quy trình cấp phép mới đặc biệt dành cho các lễ hội âm nhạc; các mức phạt ngay tại chỗ cho sở hữu ma túy và chất kích thích; một án phạt mới cho những người cung cấp chất kích thích khiến người sử dụng bị thiệt mạng sau đó… cùng loạt những biện pháp khác nhằm giảm các nguy cơ liên quan.

Tranh cãi áp dụng xét nghiệm thuốc kích thích

Sau sự kiện tháng 9, chính quyền bà Berejiklian đã từ chối cân nhắc việc đưa vào hoạt động các cơ sở xét nghiệm tại các lễ hội, sự kiện âm nhạc - giúp người sở hữu thuốc kích thích biết được các thành phần của hợp chất mà họ sắp sử dụng - là một thay thế cho chiến lược áp dụng các quy định cấp phép mới.

Các cơ sở xét nghiệm thuốc kích thích là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ việc áp dụng các cơ sở này cho rằng, điều quan trọng là phải thông báo về tác hại tiềm tàng của việc sử dụng thuốc kích thích cho người sở hữu trong một bối cảnh y tế thích hợp. Tuy nhiên, chính quyền New South Wales nhận định, các cơ sở xét nghiệm sẽ "bật đèn xanh cho việc sử dụng thuốc kích thích".

Chính quyền các bang khác tại Australia cũng tỏ ra khá miễn cưỡng với việc các cơ sở xét nghiệm vào hoạt động. Tuy nhiên, tháng 4 năm ngoái, hoạt động xét nghiệm như vậy đã được tiến hành tại lễ hội âm nhạc Grooving the Moo. Nó nhận được lời đánh giá là thành công từ quan chức y tế, cảnh sát, tư vấn chính sách… của địa phương nơi diễn ra lễ hội.

Quy định cấp phép chặt chẽ hơn

Các điều luật mới của bang New South Wales bao gồm những đòi hỏi về sức khỏe và an toàn. Theo đó, nó sẽ đánh giá các nguy cơ khác nhau tại một sự kiện, như là số lượng người tham dự, địa điểm, kinh nghiệm của nhà tổ chức - thậm chí là cả thời tiết; tuy nhiên các chi tiết cụ thể hơn vẫn chưa được công bố rõ.

Adelle Robinson từ Hiệp hội lễ hội Australia cảnh báo, sự "không chắc chắn" là vấn đề chính, cũng như việc thực thi "một cách vội vàng" các quy định mới, thiếu đánh giá các ảnh hưởng và chưa có đủ tư vấn của những người trong ngành.

Năm 2014, New South Wales cũng đã áp dụng các quy định cấm vào quán bar, câu lạc bộ, quán rượu sau 1h30 sáng. Năm 2017, bang này thành lập một ủy ban để đánh giá tình hình ngành công nghiệp âm nhạc và nghệ thuật của New South Wales. Một báo cáo công bố tháng 11/2018 chỉ ra, đang có một "cuộc khủng hoảng" trình diễn nhạc trực tiếp tại đây, và có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế văn hóa của bang. Trong đó, Ủy ban cũng khuyến nghị thay đổi các quy định như cấp phép sử dụng đồ uống có cồn dẫn tới "các hạn chế không cần thiết" tại các địa điểm biểu diễn.

Tháng 1/2019, chính quyền New South Wales thông báo khoản ngân sách bổ sung 1,5 triệu USD nhằm "thúc đẩy nền kinh tế ban đêm của Sydney và New South Wales".

Cuối năm ngoái, Đảng Lao động Australia cũng công bố một chính sách âm nhạc, trong đó cam kết chi 28 triệu đôla Australia cho lĩnh vực này trên toàn quốc. Đầu năm 2018, chính quyền New South Wales cũng hứa sẽ đưa các quy định cấp phép mới đặc biệt dành riêng cho các địa điểm giải trí trực tiếp và giảm bớt các quy định về tiếng ồn.

CAMPUCHIA: QUYẾT LIỆT CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN NINH VÀ GÌN GIỮ MÔI TRƯỜNG TRONG LỄ HỘI BON OM TOUK 2018

Kinh nghiệm một số quốc gia trong tổ chức lễ hội - Ảnh 2.

Lễ hội té nước Bon Om Touk, Campuchia. Ảnh mulberry.com

Là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại Campuchia, thu hút hàng triệu người tham dự mỗi năm, lễ hội Bon Om Touk đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh, trật tự và môi trường.

Diễn ra vào tháng 11 hàng năm, lễ hội đua ghe Bon Om Touk (hay còn gọi là Lễ hội nước) là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại Campuchia. Tuy nhiên, do số lượng người tham dự lên tới hàng triệu người, nên vấn đề an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hạn chế các ảnh hưởng tới môi trường trong dịp lễ hội… luôn là một bài toán khó cho chính quyền địa phương. Lễ hội năm 2010 đã trở thành tai họa khi thảm cảnh giẫm đạp lên nhau đã khiến gần 1.000 người thiệt mạng hoặc bị thương.

Năm 2018, nhằm đảm bảo cho một kỳ lễ hội Bon Om Touk thành công, chính quyền và các nhà tổ chức đã thực thi nhiều biện pháp quyết liệt.

Theo Bộ Môi trường Campuchia, nhiều mức phạt tiền mới đã được áp dụng cho những người vứt rác tại lễ hội. Cùng với đó, hơn 300 nhân viên và tình nguyện viên đã được triển khai để xử lý các vấn đề liên quan tới rác thải.

"Những người tham dự lễ hội cần phải gói bọc và vứt rác thải của họ tại đúng nơi quy định. Đầu tiên chúng tôi sẽ nói giáo dục họ và nếu chúng tôi thấy tình hình ô nhiễm quá nghiêm trọng, các mức phạt sẽ được áp dụng", phát ngôn viên của Bộ Môi trường Neth Pheaktra cho biết.

Theo Khieu Vuthy, từ Cintri - công ty xử lý rác thải chịu trách nhiệm cho vệ sinh thủ đô Phnom penh, để phục vụ cho lễ hội năm 2018, họ đã chuẩn bị 45 xe tải, 100 xe rác, 1.020 thùng rác và 474 người thu gom rác. "Chúng tôi đã đẩy nhanh việc thu gom. Tại các kỳ lễ hội trước, chúng tôi thu gom rác sau mỗi 6 - 7 tiếng, nhưng giờ đây, chúng tôi thu gom sau 2 - 3 tiếng", ông Vuthy nói.  

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng cũng cho hay, gần 70 xe cứu thương và 800 nhân viên y tế luôn trong tình trạng sẵn sàng 24h trong suốt 7 ngày trong tuần tại 12 địa điểm trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội.

Về công tác an ninh, chính quyền Phnom Penh tiết lộ, có hơn 12.000 cảnh sát và quân nhân được triển khai trong thời gian diễn ra lễ hội, nhằm đảm bảo an toàn cho khán giả và các vận động viên tham gia tranh tài.

TRUNG QUỐC

Những năm gần đây, các hoạt động đón Tết Nguyên đán của người dân Trung Quốc ngày càng thân thiện với môi trường hơn khi số lượng người có ý thức sinh thái ngày một nhiều hơn.

Kinh nghiệm một số quốc gia trong tổ chức lễ hội - Ảnh 3.

Tết cổ truyền Trung Quốc. Ảnh xihuanet.com

Nói không với các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã, trân trọng thức ăn, ít lãng phí và chọn các gói tour không khuyến khích các hành động tàn ác với động vật đang trở thành lựa chọn phổ biến trong lễ hội mùa xuân (Tết Nguyên đán) của người dân Trung Quốc.

Thực phẩm ngày Tết

Vào đêm giao thừa, các gia đình Trung Quốc thường ngồi quanh bàn để thưởng thức một bữa ăn lớn, nhưng Song Keming, đến từ huyện nông thôn Trường Nguyên, tỉnh Hà Nam, có kế hoạch tuần tra vùng đất ngập nước rộng lớn ở đây từ đêm cho đến khi mặt trời buổi sáng mọc lên - giống như mọi ngày khác trong 20 năm qua.

Song và nhóm 300 tình nguyện viên của anh đã bảo vệ các loài chim và động vật hoang dã tại khu bảo tồn đất ngập nước này chống lại nạn săn trộm bất hợp pháp. Khi dịp Tết đến gần, những kẻ săn trộm trở nên liều lĩnh hơn, áp dụng mồi độc, lưới và bẫy nhằm săn được bất cứ thứ gì để bán.

"Tôi tin rằng mỗi một người trong chúng ta đều có thể đóng góp lớn cho việc bảo vệ các loài và sinh quyển bằng cách đơn giản như từ chối tiêu thụ thịt thú rừng, mặc áo lông thú hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ động vật hoang dã", Song nói.

"Let Birds Fly", một nhóm tình nguyện viên tham gia chống nạn săn bắt chim di cư cho biết, trước thềm kỳ nghỉ lễ, nhóm này đã đưa ra một loạt áp phích có hình ảnh các loài chim đang bị đe dọa của Trung Quốc, kêu gọi công chúng hiểu rõ hơn về vai trò và giá trị sinh thái, cảnh báo về nguy cơ vệ sinh khi ăn các loài chim cũng như hậu quả pháp lý nghiêm trọng của nạn săn trộm.

Những áp phích dưới khẩu hiệu "Đừng ăn tôi!" đã nhận được nhiều lượt "Thích" trên truyền thông xã hội Trung Quốc.

Ăn ngon cũng có nghĩa là trân trọng thức ăn và không lãng phí nó, một chiến dịch mới của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho biết.

Thông qua chương trình có tên "Tiết kiệm 1/3", WWF kêu gọi mọi người suy nghĩ lại về cách thức chế biến món ăn và cách tiết kiệm một phần ba thực phẩm bị lãng phí trong quá trình tiêu thụ.

Ở Trung Quốc, sự hoang phí trong các bữa ăn tập thể đã giảm đi và việc người tiêu dùng ăn sạch mọi thứ trên đĩa của họ hoặc mang về phần còn lại đang trở nên phổ biến hơn, Jin Zhonghao, một quan chức của WWF Trung Quốc cho biết.

"Đón Tết không chất thải, thực phẩm đắt đỏ và có một kì nghỉ lễ thân thiện với môi trường là mong muốn được chia sẻ bởi tất cả chúng ta," ông nói.

Hoạt động trong dịp Tết

Nhiều gia đình Trung Quốc đang chọn làm điều gì đó "có ý nghĩa" để bắt đầu năm mới.

Tại Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, hơn 150 gia đình trong Cộng đồng đường Trịnh Châu đã học cách làm phân bón hữu cơ từ rác thải nhà bếp.

Phân bón này sẽ được sử dụng trong các khu vườn của họ để giảm lượng rác thải đổ ra bãi rác hoặc đại dương, theo Xu Jin, Giám đốc "Trung tâm từ thiện sáng tạo của bạn và tôi", một tổ chức xã hội địa phương khuyến khích hạn chế rác thải, tái chế chúng và có lối sống bền vững.

Vào ngày 1/2, Trung tâm này đã tổ chức một chợ đồ cũ ở địa phương, nơi mọi người trao đổi, bán hoặc mua các mặt hàng đã qua sử dụng còn trong tình trạng tốt.

"Thay vì vứt bỏ những thứ không còn sử dụng, tìm một nơi khác để chúng trở nên hữu ích một lần nữa cũng là một cách tích cực để giảm lãng phí", Xu nói.

Đối với nhiều gia đình hoặc cá nhân Trung Quốc có kế hoạch đi du lịch nước ngoài, xu hướng mới nhất là trở thành một nhà thám hiểm có ý thức sinh thái, nói "Không" với các hoạt động ngược đãi động vật hoặc động vật hoang dã.

Vào cuối tháng 1, 54 traveler, một công ty du lịch có trụ sở tại Thượng Hải, đã trở thành thành viên mới nhất của công ước "Du lịch thân thiện với động vật hoang dã" do Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (Wap) đề xuất. Hiện nay, Công ước trên đã có 300 bên tham gia ký kết từ khắp nơi trên thế giới, cam kết sẽ không cung cấp bất kỳ hoạt động hoặc dịch vụ nào dựa trên các màn biểu diễn của động vật hoặc gây hại cho động vật hoang dã và môi trường.

Các hoạt động ngược đãi động vật như cưỡi voi, chụp ảnh bên cạnh những con hổ đã thuần hóa, hổ không còn răng hoặc xem cá heo biểu diễn đã bị loại trừ khỏi tour của công ty du lịch này.

"Better Blue", một nhóm thợ lặn Trung Quốc, cũng đã đề xuất ra các nguyên tắc về ý thức sinh thái cho khách du lịch nước ngoài, trong đó có việc không chạm vào hoặc cho bất kỳ sinh vật nào dưới đáy biển ăn, không sử dụng đồ vệ sinh có chứa các hạt nhựa hoặc hóa chất có hại cho san hô và sinh vật biển. Các thợ lặn cũng được khuyến khích tham gia vào các nỗ lực làm sạch đại dương.

"Trong số những người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang có một xu hướng truyền cảm hứng là ngày càng nhiều người - thường là những người có trình độ học vấn cao hơn và mức thu nhập tốt hơn - đang chọn du lịch thân thiện với môi trường và động vật hoang dã", Yuan Xi, thuộc Liên minh bảo vệ động vật biển Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã.

(Theo SCMP, Bangkok Post, xinhuanet.com)

Phương Quý (Theo SCMP, Bangkok Post, xinhuanet.com)

NỔI BẬT TRANG CHỦ