(Tổ Quốc)- Là một trong những tỉnh có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thừa Thiên Huế đã và đang phát huy tốt vai trò quản lý và quảng bá hình ảnh điểm đến di sản văn hóa trong nước và trên thế giới.
Bên lề Hội nghị Ngoại vụ 18 diễn ra vừa qua tại Hà Nội, phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về các chiến lược và chính sách để tỉnh có thể phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát huy những giá trị di sản văn hóa của tỉnh thời gian qua và chiến lược trong thời gian tới ?
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
Thừa Thiên Huế - một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam, với 5 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Từ kinh đô một thuở rồi trở thành Cố đô, Thừa Thiên Huế mang trong mình những truyền thống văn hóa, lịch sử và vị trí đặc thù, hội tụ các yếu tố và điều kiện cần thiết để xây dựng một thành phố văn hóa của Việt Nam.
Bản sắc Huế cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đa dạng, rất riêng đã tạo được sức hấp dẫn, thu hút và ngày càng thuyết phục đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời, với các giá trị văn hóa đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, Thành phố Huế vinh dự được trao danh hiệu "Thành phố Văn hóa của ASEAN", thành phố văn hóa của Đông Á - Mỹ La Tinh, "Giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường", danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia 2016-lần đầu tiên của Việt Nam do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công nhận thông qua bình chọn quốc tế".
Quần thể Di tích Cố đô Huế |
Với tiềm năng sẵn có, tỉnh đã có các chính sách và định hướng đúng đắn để phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua như ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời để bảo vệ các tài sản văn hóa quý giá của dân tộc. Hệ thống di sản văn hóa vật thể được tu bổ, tôn tạo đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, ngày càng hoàn chỉnh, từng bước trở về với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh mẽ.
Nhã nhạc Cung đình Huế |
Hoạt động nghiên cứu khoa học về di sản cũng đã được triển khai sâu rộng, quy tụ sự tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bảo tàng và các nhà khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước.
Xuất bản hàng chục tác phẩm có giá trị về di sản văn hóa Huế; công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá Huế trên các phương tiện truyền thông được chú trọng; mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho những người đạp xích lô vì chúng tôi quan niệm rằng họ chính là những người đầu tiên quảng bá điểm đến di sản văn hóa cho chúng tôi…
Festival Huế định kỳ 2 năm được tổ chức với chủ đề xuyên suốt "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" đã thu hút hàng chục quốc gia đến từ 5 châu lục tham gia đã khẳng định vị thế, thương hiệu, qua đó những tài nguyên di sản, những bản sắc vùng miền, những giá trị văn hóa cung đình và dân gian, văn hóa tâm linh hay ngành nghề truyền thống của Việt Nam được dịp giới thiệu cùng bè bạn gần xa một cách sống động nhất. Qua 9 lần Festival Huế làm giàu thêm những giá trị văn hóa chung của nhân loại bằng bản sắc riêng có. Quần thể di tích Cố đô Huế đã trở thành hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong việc tổ chức Festival.
Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng xong công tác tổng thể quản lý di tích dưới sự tham vấn các cơ quan đại diện của UNESCO để vừa đúng luật di sản nhưng bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đã trình các cấp. Và đề án trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô đã được Chính phủ phê duyệt là hai cơ sở chính để tiến hành thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới.
Tỉnh đang tập trung nguồn lực của nhà nước, bán vé vào các khu di tích, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, nguồn vốn xã hội hóa trong công tác bảo tồn và khai thác. Đấy là những nguồn lực đẩy nhanh tiến trình trùng tu di tích cố đô. Đặc biệt là giải phóng mặt bằng, di dời dân cư ra khỏi khu di tích.
Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ba Lan để chuyển giao công nghệ và những kỹ thuật trong sản xuất vật liệu, trong trùng tu, bảo tồn nhằm đảm bảo công tác bảo tồn có quy trình công nghệ chuẩn, qua đó nâng cao giá trị của di sản.
Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung tìm ra phương án đổi mới cơ chế quản lý các di tích nhằm đảm bảo công tác trùng tu nhưng song hành phát huy được các giá trị di tích trong việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội.
Tỉnh có những thuận tiện và khó khăn gì trong công tác bảo tồn di sản văn hóa?
Thuận tiện trong công tác bảo tồn
Được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp tích cực, ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời để bảo vệ các tài sản văn hóa quý giá của dân tộc. Hệ thống di sản văn hóa vật thể được tu bổ, tôn tạo đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, ngày càng hoàn chỉnh, từng bước trở về với diện mạo vốn có trong lịch sử.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật và các công ước bảo vệ di sản văn hóa của UNESCO; đồng thời, đã áp dụng đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp tích cực nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình di tích; triển khai các chương trình bảo tồn hệ thống sông, hồ trong các di tích; di chuyển các nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu vực Kinh Thành Huế; xây dựng các tuyến đường tránh để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến độ bền vững của các di tích; ban hành các quy chế, chính sách để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thừa Thiên Huế đã có quan hệ hợp tác với gần 30 quốc gia, tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên toàn thế giới trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản vật thể và phi vật thể cũng như cảnh quan môi trường, tiếp nhận tài trợ hơn 8 triệu USD.
Khó khăn trong công tác bảo tồn
Thiếu kinh phí trùng tu đồng loạt các công trình di tích và di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích để quản lý theo đúng luật di sản.
Hiện tại chúng tôi mong muốn di dời gần 3000 hộ dân ở Eo Bầu, Tĩnh Tâm và các khu vực nằm trong địa phận di tích. Để lâu thì rất khổ cho người dân vì không được xây dựng, sửa chữa và để lâu nữa thì di tích cũng bị ảnh hưởng.
Vấn đề kỹ thuật chưa đáp ứng được với thời đại nên chúng tôi phải sưu tầm sách, tài liệu và hợp tác với nhiều tổ chức trong nước cũng như quốc tế để ứng dụng công nghệ trùng tu, bảo tồn đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, có những công tác trùng tu không phải khi nào cũng có sẵn nguồn vật liệu và nhân công.
Qua Hội nghị Ngoại vụ 18, ông muốn gửi thông điệp gì đến các đại sứ, tùy viên văn hóa để quảng bá nét văn hóa, điểm đến di sản văn hóa?
Chúng tôi nghĩ rằng các vị đại sứ và các tùy viên văn hóa ở nước ngoài là kênh hết sức quan trọng để quảng bá các nét văn hóa và hình ảnh của Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung đến bạn bè thế giới.
Chúng tôi mong đây là kênh giới thiệu nhiều điểm đến, giới thiệu nhiều di sản, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các chính phủ, các viện nghiên cứu và các trường đại học danh tiếng thế giới trong việc hỗ trợ, tài trợ về nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm, công nghệ trong việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!