(Tổ Quốc) - Những lời dặn của Bác Hồ vẫn luôn được cựu VĐV bơi Vũ Thị Sen ghi nhớ cho đến ngày hôm nay.
Lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em tại một làng quê huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), bà Vũ Thị Sen đã nhanh chóng bộc lộ niềm đam mê với bơi lội ngay từ khi còn bé. Tài năng của bà nhanh chóng được hai HLV tài năng thời bấy giờ là HLV Tô Kim Đắc và Nguyễn Văn Lạng bồi dưỡng.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ trong tập luyện, bà Sen không mất quá lâu để gặt được trái ngọt đầu tay với giải nhất bảng B giải bơi lội cấp huyện, giải nhất bảng B cấp tỉnh năm 1961. Trong 3 năm liên tiếp 1962, 1963, 1964, bà đều đứng đầu giải bơi lội toàn miền Bắc (bảng B) và đến năm 1965 là chức vô địch bơi lội toàn miền Bắc (bảng A).
Sau đó, bà được gọi tập trung đội tuyển Quốc gia, trở thành một trong số những VĐV đại diện cho Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á – Ganefo được tổ chức tại Phnom Pênh (CamPuChia), năm 1966. Tại đại hội này, Thể thao Việt Nam đã gây tiếng vang lớn khi giành tới 4 tấm HCV của Vũ Thị Sen (Bơi), Trần Oanh, Nguyễn Văn Hùng (Bắn súng) và Trần Hữu Chỉ (Điền kinh). Trong đó, tấm HCV của bà Vũ Thị Sen ở nội dung 200m ếch đã phá kỷ lục Châu Á.
"Tôi đã rất hạnh phúc và phấn khởi lúc nhìn lên bảng điện tử sau khi chạm vạch đích. Lúc ấy các bạn trong đoàn hò reo, còn ban tổ chức và những lúc ấy tưởng mình là VĐV Trung Quốc hay nước khác chứ không phải là VĐV Việt Nam"- bà Vũ Thị Sen nhớ lại.
Hai lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhớ như in hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ, bà Vũ Thị Sen kể lại: "Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là vào tháng 11 năm 1965, khi ấy tôi mới 17 tuổi và được tham gia đoàn VĐV Bơi lội và Bóng bàn Trung Quốc nhân dịp đoàn sang thăm và du đấu tại Việt Nam. Nhưng lần đầu tôi chỉ được đứng xa quan sát Bác. Còn lần thứ 2 là sau khi tôi giành được HCV ở giải Ganefo".
Với thành tích giành HCV, phá kỷ lục châu Á, bà Vũ Thị Sen đã có cơ hội được báo cáo với Bác về thành tích của mình và cũng là lần thứ 2 có vinh dự được gặp Bác Hồ.
"Ngày 19/12/1966, chúng tôi được mời dự buổi tổng kết thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Ganefo 1966. Xe đón chúng tôi ở nơi sơ tán tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), khi lên xe chúng tôi mới biết là sẽ được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trên đường đi, mọi người phải 2 lần xuống hầm trú ẩn tránh máy bay Mỹ bắn phá, mãi đến chiều, xe mới đưa được chúng tôi tới trụ sở Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT)" – bà Sen nhớ lại.
Sau đó, các VĐV đoàn được đưa đến Phủ Chủ tịch. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn. Khi ấy, đối với bà Sen cùng các VĐV, được gặp Thủ tướng đã là một điều hết sức vinh hạnh mà ít có VĐV nào có được.
"Khi chúng tôi đang nghe Thủ tướng nói chuyện thì Bác đến. Khi ấy, tất cả mọi người đều rất bất ngờ và xúc động, có người đã bật khóc. Khi chúng tôi được trao Huy hiệu Bác Hồ, gần như ai nấy đều cố kìm nước mắt" – bà Sen tiếp lời.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chụp ảnh lưu niệm cùng các tuyển thủ Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hữu Chỉ, Vũ Thị Sen. Tấm ảnh kỉ niệm đầy quý giá này luôn được bà Sen treo trang trọng ở vị trí trung tâm phòng khách của ngôi nhà mà cả gia đình bà đang sinh sống hiện nay.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã có tuổi, nhưng kình ngư Vũ Thị Sen vẫn tích cực tham gia các hoạt động thể thao, theo dõi sự phát triển của thể thao Việt Nam. Những lời Bác Hồ dặn vẫn luôn được bà khắc ghi, học tập. Bác đã nói: "Hoạt động, phát triển thể thao cũng chính là một công tác cách mạng", các VĐV "Phải luôn mang tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản" vào trong thi đấu, học tập"./.