• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Đông Nam Á ra khỏi khủng hoảng toàn cầu

Kinh tế 22/02/2013 07:38

(Toquoc)-Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu Đông Nam Á vượt qua khỏi tác động của khủng hoảng toàn cầu, được kích thích bởi tiêu dùng nội địa

(Toquoc)-Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu Đông Nam Á vượt qua khỏi tác động của  khủng hoảng toàn cầu, được kích thích bởi tiêu dùng nội địa

Năm 2012 đánh dấu sự tăng trưởng khả quan của một số nền kinh tế chủ yếu ở Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Các số liệu tăng trưởng GDP tại các nước này cho thấy tăng trưởng kinh tế đã vượt xa dự báo và hoạt động của các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Đông Nam Á đã vượt qua khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu và đang được kích thích bởi việc tăng cưởng tiêu thụ nội địa và đầu tư.



Chợ nổi rau muống ở Phnom Penh, Campuchia

1. Indonesia - “con rồng kinh tế” mới nổi, đạt mức tăng trưởng 6,1% năm 2012. Tiêu dùng nội địa và đầu tư tăng mạnh bù đắp vào việc giảm xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế của Indonesia sẽ tiếp tục giữ đà phát triển tích cực trong năm 2013, với mức̣ tăng trưởng dự tính đạt 6,3%. Tiêu thụ nội địa chiếm gần 60% kinh tế Indonesia. FDI chiếm khoảng 71% tổng vốn đầu tư tại Indonesia.

Tầng lớp trung lưu Indonesia hiện chiếm hơn 60% trong tổng số 240 triệu dân tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư và đảm bảo sức tiêu thụ nội địa lớn.

Vào lúc có sự chuyển động kinh tế tại khu vực, Indonesia được xem là nơi an toàn và hấp dẫn luồng vốn đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia đang chuyển khỏi Trung Quốc.

2. Philippines đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6% trong năm 2012  cao nhất châu Á, sau Trung Quốc, nhờ lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh đồng thời tiêu dùng và chi tiêu của chính phủ tăng cao.

Lĩnh vực dịch vụ, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng 7,4% trong năm 2012, chiếm 3,8% trong tổng GDP. Chi tiêu tiêu dùng cũng tăng 6,1% và chi tiêu chính phủ tăng 11,8%. Kiều hối cũng đóng góp có ý nghĩa vào nền kinh tế: Năm 2011: 23 tỷ USD, đứng thứ tư thế giới sau Ấn Độ (64 tỷ USD), Trung Quốc (62 tỷ USD) và Mexico (24 tỷ USD); dự kiến lượng kiều hối các năm tiếp theo tiếp tục tăng.

Thành công kinh tế Philippines thể hiện lòng tin của giới đầu tư đối với các nỗ lực chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo của chính quyền Aquino.

3. Thái Lan: GDP tăng  trưởng cao vượt dự kiến trong quý IV/2013, cho thấy nền kinh tế đã vượt qua khỏi tác động nghiêm trọng của đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 2011 và kinh tế có thể tăng trưởng trong tình trạng kinh tế toàn cầu phát triển chậm. Mức tăng trưởng Quý IV là cao nhất kể từ năm 1993 khi Thái Lan bắt đầu tiến hành thống kê kinh tế.

Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDB) ngày 18/2 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2012 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 3,1% so với quý III/2012.

Tăng trưởng cao trong của quý IV làm cho tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,4%, cao hơn so với dự báo 5,5%.

Năm 2013, GDP dự định tăng 4,5-5,5%. Giá trị xuất khẩu dự  báo tăng 11% năm 2013 so với 3,2% năm 2012, trong khi tiêu dùng của các hộ gia đình tăng 3,5% và đầu tư tăng 8,9%, trong đó đầu tư chính phủ tăng 12% và tư nhân là 8%. Lạm phát duy trì ở mức 2,5-3,5%, mức thặng dư ngân sách đạt o,9% của GDP.

Một yếu tố thuận lợi đối với tăng trưởng kinh tế Thái Lan là các cam kết của Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thái, đặc biệt là gạo, mở rộng đầu tư với tốc độ 15%/năm.  Thủ tướng Yingluck đã đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỷ USD cho khu công nghiệp cảng nước sâu mà Thái Lan cùng phát triển với chính phủ Myanmar tại Dawei, miền nam Myanmar, cũng như các dự án đường sắt và phòng chống lũ lụt khác. Thái Lan cũng quan tâm đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô và ngành cao su của Trung Quốc.

Động lực của nền kinh tế là sự tăng trưởng của ngành cơ khí chế tạo, khách sạn, du lịch, xây dựng, bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân và đầu tư tư nhân tăng 2 chữ số và chi tiêu chính phủ và đầu tư công tăng.

Tiêu dùng tăng một phần nhờ việc sản xuất ôtô tăng cao và khá nhiều người Thái quyết định mua xe ô tô mới. Đầu tư tư nhân tiếp tục tăng, trong khi lãi suất thấp và đồng baht mạnh (tăng giá 2% so với USD) cũng giúp hỗ trợ đầu tư trong nước.

4. Malaysia: Nền kinh tế trong quý 4-2012 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm, với 6,4% so với cùng thời gian năm ngoái, vượt xa mức dự báo 5,5%.

Trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/2013, được xem là sít sao, trong đó phe đối lập có nhiều cơ hội giành đa số phiếu, chính quyền đảng Tổ chức Quốc gia Đoàn kết (UMNO) của Thủ tướng Najib Razak đã thực hiện chính sách dân túy, kích thích tiêu thụ nội địa. Các dự án đầu tư lớn cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Negara Malaysia cho thấy tăng trưởng quý IV được thúc đẩy bới các ngành dịch vụ - đặc biệt lĩnh vực tài chính và bảo hiểm - cũng như cơ khí chế tạo và xây dựng. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục nhờ sự mở rộng khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, việc tăng lương và tiền thưởng cuối năm, cũng như việc chính phủ cung cấp tiền mặt cho hàng ngàn hộ gia đình có thu nhập thấp trước cuộc bầu cử, đã tăng sức mua nội địa. Đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng theo Chương trình chuyển đổi kinh tế của chính phủ thúc đẩy đầu tư công tăng 11,1% so với một năm trước.

5. Việt Nam: Theo báo The Nation (Thái Lan), ngày 20/2, các công ty nước ngoài vẫn đang đầu tư vào Việt Nam, nhưng danh tiếng của quốc gia này đang bị hoen ố vì các vụ tham nhũng cấp cao, các công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, và sự liên hệ mật thiết giữa các ngân hàng với nhà nước.

Dưới nhân đề “Tham nhũng làm ô danh môi trường đầu tư Việt Nam”, tờ báo viết: Cách đây 5 năm, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, thu hút giới đầu tư nước ngoài như một trung tâm sản xuất giá rẻ trong khu vực. Nhưng giờ đây, Việt Nam đang dần thua các nước như Inđônêxia về mặt hiệu quả đầu tư và giá trị tiền tệ. Bài viết trích dẫn một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 50% các doanh nghiệp thừa nhận có hối lộ cho quan chức nhà nước để giành được các hợp đồng kinh doanh.

Phúc trình của Ngân hàng Thế giới về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam công bố hồi cuối năm 2012, nói rằng đã tới lúc Việt Nam cần xét lại bản chất và nguyên nhân của tham nhũng, đưa ra thống kê cập nhật về tình trạng này, và quyết liệt chống tham nhũng./.

Hải My (Theo các báo nước ngoài)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ