(Tổ Quốc) - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, điều đó khẳng định Nghị quyết 13 là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Chủ trương đúng đắn
Ngày 18/3/2002, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Nghị quyết 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nghị quyết 13 được coi như một hướng đi mới cho kinh tế tập thể của lĩnh vực phi nông nghiệp trong thời kỳ mới - hội nhập và phát triển đất nước.
Khách tham quan, mua sắm tại ngày hội cam Bắc Sơn - Ảnh Vi Phong
Nhận thức và đánh giá cao vai trò quan trọng của các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của hợp tác xã, từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã đến những vấn đề đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp; Chính phủ đã sửa đổi và ban hành nhiều chính sách mới, cải thiện môi trường thể chế liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã như: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014); Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016)....
Trên cơ sở của Nghị quyết 13 cùng với những chính sách của Chính phủ, 15 năm qua, kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã có những bước phát triển rất tích cực. Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 23.280 HTX, tăng hơn 2.068 HTX so với cùng kỳ năm ngoái; với trên 7 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động (2,1 triệu lao động là thành viên HTX, trung bình 107 lao động/ HTX). Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cả nước có 8.777 hợp tác xã; 23 Liên hiệp hợp tác xã; trong đó có 2.323 công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (bao gồm 136 HTX điện), 1.996 thương mại, dịch vụ, 1.392 vận tải, 894 xây dựng, 1.180 QTDND, 521 môi trường và 471 lĩnh vực khác (nhà ở, y tế, giáo dục).
Tổng số HTX phi nông nghiệp đến cuối năm 2018 là 8.744 HTX, gấp hơn 02 lần năm 2003 và chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX cả nước. Số lượng HTX phi nông nghiệp vẫn có xu hướng tăng trong các lĩnh vực (bình quân mỗi năm tăng 646 HTX, tốc độ tăng HTX bình quân hàng năm đạt 4,9%).
Thực trạng và giải pháp
Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế tập thể trong khu vực phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả như: mô hình sản xuất tập trung, đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ, trang thiết bị hiện đại, mở rộng mặt hàng và hiện đại hóa sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và HTX (như HTX Song Long (Hà Nội), HTX Đoàn Kết (Thái Bình), HTX dệt xuất khẩu Phú Cát (Phú Thọ)).
Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp - Ảnh Vi Phong
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, chịu tác động của các nhân tố thuận lợi và khó khăn về kinh tế - xã hội trong nước, hội nhập quốc tế; kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt được kết quả phát triển về số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần tăng trưởng ngành công nghiệp và dịch vụ, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị cơ sở trên địa bàn cả nước, vùng kinh tế và các địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế xã hội định hướng xã hội chủ nghĩa. Một bộ phận các tổ hợp tác phi nông nghiệp chưa đăng ký hoạt động cho nên không được thống kê theo dõi đầy đủ, đồng thời các bộ, ngành chức năng cũng chưa theo dõi hoạt động của loại hình này; một bộ phận HTX tổ chức hoạt động chưa phù hợp với qui định của Luật HTX, mang hình thức doanh nghiệp gia đình hoặc gặp khó khăn trong chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp do liên quan đến các thủ tục pháp lý, tài sản; bộ phận HTX hoạt động kém hiệu quả.
Thời gian tới, để khắc phục những khó khăn và hạn chế và đạt được các mục tiêu đặt ra, kinh tế tập thể nói chung và lĩnh vực phi nông nghiệp nói chung, sẽ cần phải tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể, HTX theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. đảm bảo thực hiện triệt để, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp của các bộ, ngành. Rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động; tuyên truyền, tư vấn thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp HTX phi nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể khu vực phi nông nghiệp. Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo các quy định tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020 và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
Tại hội Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá HTX đã thoát khỏi được tình trạng yếu kém kéo dài. Nhưng rõ ràng, chủ thể kinh tế tập thể, HTX vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế và vai trò vốn có của mình đối với nền kinh tế quốc dân. Thời gian tới, kinh tế tập thể và HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển xứng tầm với tiềm năng, cũng như vị thế trong nền kinh tế quốc dân hiện nay./.