(Tổ Quốc) - Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng nợ nước ngoài thanh toán bằng đô la Mỹ.
Theo ý kiến của Patrick Artus, kinh tế trưởng và thành viên Hội đồng Điều hành Ngân hàng Tài chính Natixis của Pháp, đăng trên báo Les Echos , gần như chắc chắn kinh tế thế giới sẽ chững lại vào năm 2019. Có nhiều lý do. Trước tiên, nước Mỹ đã đạt tình trạng việc làm tốt nhất với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (dưới 4%). Khi người Mỹ đã có đầy đủ việc làm, thì việc tạo công ăn việc làm cũng như tăng trưởng giảm đi.
Kinh tế thế giới suy thoái, thậm chí khủng hoảng?
Trong khu vực đồng Euro, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao, nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tuyển người, điều này sẽ kìm hãm việc tạo việc làm cũng như hoạt động sản xuất. Hơn nữa, việc giá dầu có thể tiếp tục tăng tác động tiêu cực tới nhu cầu nội địa do sức mua của người làm công ăn lương giảm.
Các nước mới nổi từ đầu năm 2018 cũng gặp tình trạng vốn (tư bản) "đội nón ra đi" do các nhà đầu tư chuyển hướng sang Mỹ. Điều này làm suy yếu nền kinh tế các nước này với việc đồng tiền của họ mất giá và lạm phát tăng cao làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Cuối cùng, Trung Quốc đã bão hòa về nhu cầu hàng hóa có giá trị sử dụng lâu dài sau một thời gian tăng trưởng mạnh. Hiện nay, tại Trung Quốc, việc mua xe hơi, đầu tư của các doanh nghiệp, tiêu dùng cũng như xây dựng nhà ở đều đã ngừng trệ.
Khoản nợ nước ngoài thanh toán bằng USD ngày càng lớn của Trung Quốc đang bị đánh giá thấp có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Theo Patrick Artus, điều chưa chắc chắn, đó là tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chững lại, nhưng năm 2019 sẽ là sự chuyển tiếp từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng vừa nhưng ổn định ("hạ cánh mềm") hay sẽ là suy thoái, thậm chí khủng hoảng?
Trong quá khứ, chưa bao giờ có tình trạng hạ cánh mềm (soft landing). Khi tỷ lệ thất nghiệp trở về mức thấp thì ngay sau đó là suy thoái. Ngày nay, chúng ta có thể tránh được tình trạng này không?
Cần phải xem xét điều gì đã kéo theo suy thái và khủng hoảng trong quá khứ:
Trước tiên đó là lạm phát và tăng lãi suất. Nhưng hiện nay lạm phát tại Mỹ ở mức thấp, tại khu vực đồng Euro và NDT cũng ở mức tăng yếu. Thậm chí nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ muốn bình thường hóa chính sách tiền tệ với lạm phát thấp, thì lãi suất cũng sẽ không quá cao. Do vậy khó có khả năng lãi suất tăng dẫn đến khủng hoảng toàn cầu.
Tiếp đến là tình hình tại các nền kinh tế mới nổi: đối diện với tình trạng vốn "đội nón ra đi", các nước này ở trong tình trạng thâm hụt thương mại cao (Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia...), đang rất khó khăn. Nhưng nếu tính đến sức nặng kinh tế của những nước này, thì những điều phiền muộn của họ cũng khó có thể làm nổ ra khủng hoảng toàn cầu.
Cuối cùng là vấn đề nợ và giá cổ phiếu. Trong các nước OECD, nợ tư đã giảm từ 10 năm nay, nhưng nợ công đã tăng nhiều. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ công chỉ có thể xảy ra khi lãi suất tăng quá cao và các ngân hàng trung ương chấp nhận khủng hoảng. Đây là điều rất khó xảy ra.
Có thể thị trường chứng khoán thế giới sẽ sụt giảm mạnh xuất phát từ Mỹ như đã từng xảy ra thời kỳ suy thoái 2000 - 2001. Dường như sự mất cân bằng tài chính lớn nhất là liên quan tới thị trường chứng khoán ở Mỹ nơi mà chắc chắn cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ là bong bóng.
Trung Quốc đứng trước cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài bằng đô la Mỹ
Theo Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Á tại Ngân hàng và môi giới chứng khoán Daiwa Capital Markets của Nhật Bản, từ lâu, nợ nội bộ lớn trở thành nỗi đau đầu của Bắc Kinh, nhưng chính khoản nợ nước ngoài thanh toán bằng USD ngày càng lớn của Trung Quốc đang bị đánh giá thấp có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Khoản nợ 3 nghìn tỷ USD làm cho Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương, vì tính thanh khoản của USD bị siết chặt, NDT yếu và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.
Theo ông Lai, tổng nợ bằng đồng USD toàn cầu bên ngoài Mỹ từ 9 nghìn tỷ USD năm 2013, hiện tăng lên 12 nghìn tỷ USD. Trong đó, 25%, tương đương 3 nghìn tỷ USD, vay bởi công ty China Inc và các công ty con ở Hong Kong, Singapore, khu vực Caribbe.
"Cuộc chiến thương mại hiện nay có thể đẩy nợ bằng USD của thế giới lên 13 hoặc 14 nghìn tỷ USD không?" – Lai đặt câu hỏi và bổ sung rằng, quy mô khoản nợ bằng USD của toàn cầu có thể đạt đỉnh với việc USD bị thắt chặt, khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản để thu hồi USD và thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD. "Chúng ta đang nói đến một cuộc khủng hoảng tài chính lớn – khủng hoảng nợ bằng USD".
Số nợ của Trung Quốc bằng USD tăng lên ở những trung tâm tài chính hải ngoại (OFC) đã gia nhập hệ thống tài chính Trung Quốc, đáng lo ngại vì viễn cảnh tỷ giá NDT có thể tiếp tục xuống thấp.
Các thương gia, nhà đầu tư và khách hàng của họ từng tranh thủ khoản sinh lợi giữa lãi suất của Mỹ và Trung Quốc để vay các khoản USD với chi phí thấp, sau đó chuyển đổi thành tài sản thanh toán bằng NDT có giá trị cao hơn. Nhưng nay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng lãi suất nhằm ứng phó với việc FED tăng lãi suất. Điều này nhanh chóng thu hẹp sự khác biệt về tỷ lệ lãi suất giữa USD và NDT, do đó các khoản vay nợ bằng đô la trở nên khó thanh toán. Nếu NDT tiếp tục mất giá, với khoản nợ khổng lồ 3 ngàn tỷ USD, theo ông Lai, tại Trung Quốc sẽ gặp phải một cuộc khủng hoảng nợ vay nước ngoài bằng đồng đô la./.