• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Trung Quốc biến động lớn do chiến tranh thương mại

Kinh tế 24/07/2019 15:52

(Tổ Quốc)-Ngành công nghệ điêu đứng.

Sự kéo dài của cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung gây nên sức ép bên ngoài đối với kinh tế Trung Quốc. Quý I và II/2019, dưới tác động của rủi ro bên ngoài, chủ yếu từ phía Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua những biến động tương đối lớn, thể hiện rõ hơn sự phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng nội sinh trong 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, việc lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến mong muốn đầu tư vào ngành chế tạo sản xuất, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho động cơ đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện sự sa sút trong 6 tháng đầu năm. Vào lúc tình hình thế giới bên ngoài diễn biến phức tạp, nền kinh tế Trung Quốc đang tích cực chuyển sang phát triển hướng nội để tìm kiếm động lực tăng trưởng ở bên trong.

Việc áp đặt thuế quan làm giảm thu nhập của các công ty, đồng thời tác động đến người tiêu dùng Trung Quốc, tạo ra một chu kỳ suy giảm sức mua nội địa, làm cho nền kinh tế nước này phát triển chậm lại. Các chỉ số kinh tế cho thấy một sự suy giảm trong toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số bán lẻ ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua. Người tiêu dùng ở Trung Quốc bị động chuyển thành hành vi tiết kiệm tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2019.

GDP growth

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc những năm gần đây.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cuộc chiến thuế quan có thể cắt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1,6%. Dự báo là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2% năm nay.

Ngành công nghệ đình trệ

Trong thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài, các công ty công nghệ ngừng tuyển dụng hoặc tiến hành sa thải công nhân viên. Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc công nhân cổ xanh làm việc trong các ngành công nghệ tìm việc làm rất khó khăn. Thế mà hai năm trước, sự vươn lên của các ngành công nghệ, thường được gọi là "nền kinh tế mới", tưởng chừng không gì ngăn cản nổi. Từ 2014 đến 2017, người khổng lồ viễn thông Huawei tăng gấp đôi lợi nhuận. 34 công ty công nghệ Trung Quốc được thành lập với hơn 1 tỷ USD vốn. Theo số liệu ước tính, "nền kinh tế mới" hàng năm tạo ra hơn 1 triệu việc làm.

Hiện nay, đang diễn ra một tiến trình ngược lại: Trong quý IV/2018, lợi nhuận của Hãng WeChat Tencent bị giảm 1 phần 3; hãng khổng lồ buôn bán điện tử qua mạng JD.com thất thu 700 triệu USD. Alibaba dự tính, năm nay kinh doanh của hãng sẽ giảm 20%. Số liệu cho thấy, thu nhập của các công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) giảm 140% so với năm 2017 – mức giảm lớn hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Nguyên nhân chính của tình trạng sa sút nói trên là cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung. Chiến tranh thương mại, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ đã làm giảm lợi nhuận công ty, làm các nhà đầu tư xa lánh.

China import-export

Tình hình xuất nhập khẩu Trung Quốc tính theo tháng gần đây.

Những khó khăn gây ra cho Huawei chỉ là một phần của bức tranh chung, mà cái chính là làm tăng thêm các sức ép xã hội. Gần đây, Bắc Kinh áp dụng các chính sách mới gây khó dễ cho các công ty ngành công nghệ, như cắt trợ cấp, thắt chặt việc thực hiện các khoản vay rủi ro, đề ra các quy định mới.

Những biện pháp của Mỹ như bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, phạt ZTE 1 tỷ USD vì vi phạm các quy định cấm vận chống Iran đã gây bất ổn cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Trong tháng 5 vừa rồi, chính quyền Mỹ đã đưa Huawei và 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách cấm xuất khẩu (dù gần đây đã có nới lỏng các biện pháp này). Năm ngoái, lợi nhuận của ZTE đã bị giảm sút vì khoản phạt 1 tỷ USD. Nhưng kẻ thua thiệt lớn nhất là Huawei do sự phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Từ đó, đã cắt giảm kỳ vọng doanh thu của Huawei khoảng 30 tỷ USD trong 2 năm tới.

Tình hình trở nên xấu hơn vì các nhà đầu tư, trước hết là nước ngoài, rút đầu tư. Các công ty internet đang cạn vốn. Trái ngược với việc dồi dào vốn trước đây, năm ngoái, các thị trường vốn sử dụng đồng NDT đã giảm còn tương đương 11 tỷ USD từ 31 tỷ USD năm 2016.

Trung Quốc đã khuyến khích thúc đẩy sáng tạo công nghệ nội địa từ trước khi chính quyền Trump phát động chiến tranh thương mại hoặc bắt chẹt Huawei. Chiến lược "Made in China 2025" nhấn mạnh tự lực cánh sinh sáng tạo công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, sức ép xã hội trong nước và tham vọng địa chính trị bên ngoài đang đẩy Bắc Kinh đi trên con đường "Chiến tranh Lạnh về công nghệ" với Mỹ./.


Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ