• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Trung Quốc "gặp hạn" trong tháng 5

Kinh tế 08/06/2020 12:00

(Tổ Quốc) - Số liệu tháng 5 u ám sẽ gây áp lực lớn buộc các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ cho ngành xuất nhập khẩu – mảng tạo ra tới hơn 180 triệu việc làm và đóng góp tới 1/3 GDP.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã suy giảm mạnh trong tháng 5 do các lệnh phong tỏa vì virus trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến lực cầu. Trong khi đó hoạt động nhập khẩu cũng bất ngờ sụt giảm mạnh hơn dự báo, cho thấy những áp lực ngày càng gia tăng đối với các nhà sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần như "đóng băng".

Theo số liệu chính thức được Trung Quốc công bố hôm qua (7/6), kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm 3,3% so với 1 năm trước sau khi bất ngờ tăng 3,5% trong tháng 4. Kim ngạch nhập khẩu giảm 16,7% so với 1 năm trước, giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Tháng 5, Trung Quốc cũng ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, ở mức 62,93 tỷ USD – cao nhất kể từ khi Reuters bắt đầu theo dõi số liệu xuất nhập khẩu của nước này vào năm 1981. Mức của tháng 5 cao gấp rưỡi so với con số của tháng 4 và cao gấp đôi so với dự báo.

Trong đó thặng dư với Mỹ mở rộng lên mức 27,89 tỷ USD trong tháng 5.

Cả khảo sát chính thức và khảo sát trên các nhà máy tư nhân đều cho thấy trong tháng 5 các chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu vẫn chìm trong ngưỡng suy giảm. Bên cạnh đó lợi nhuận công nghiệp giảm gần 30% trong quý I.

Số liệu tháng 5 u ám sẽ gây áp lực lớn buộc các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ cho ngành xuất nhập khẩu – mảng tạo ra tới hơn 180 triệu việc làm và đóng góp tới 1/3 GDP.

Tuy nhiên giới phân tích cũng chỉ ra một số điểm sáng như hoạt động xuất khẩu thiết bị vật tư y tế. Đây là mảng mà Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng và được hưởng lợi khi dịch bệnh hoành hành trên khắp thế giới trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác bị mắc kẹt trong lượng hàng tồn kho khổng lồ và những đơn hàng của nước ngoài đồng loạt bị hủy.

Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, Trung Quốc đã xuất khẩu số thiết bị, vật tư y tế trị giá 63,2 tỷ nhân dân tệ, gần bằng con số của cả tháng trước đó.

Trước triển vọng thiếu chắc chắc, cuối tháng trước chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố lần đầu tiên kể từ năm 2002 sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm. Mặc dù lực cầu nội địa được dự đoán sẽ hồi phục phần nào nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, mảng xuất khẩu vẫn rất khó đoán.

Quý I, GDP Trung Quốc đã suy giảm 6,8% so với 1 năm trước. Theo Zhang Yi, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Zhonghai Shengrong, trong tương lai xuất khẩu sẽ tăng trưởng âm nhưng không quá bi quan, nằm trong khoảng 10%. Tuy nhiên hoạt động nhập khẩu sẽ khó đoán hơn, phụ thuộc nhiều nhất vào 2 yếu tố là đà hồi phục của lực cầu nội địa và quá trình triển khai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

An Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ