• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế tư nhân mới đảm bảo được bền vững cho tương lai nền kinh tế

Kinh tế 08/05/2017 23:09

(Tổ Quốc) -Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết như vậy tại buổi họp báo về hội nghị “Thủ tướng với doanh nghiệp 2017”.

Đây là ví dụ mang tính cảnh báo đội ngũ công chức

Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư xảy ra mới đây tại TP HCM theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc là liên quan đến hệ thống hành chính, là hành vi hành vô cảm, thiếu trách nhiệm.

“Đây chỉ là vụ điển hình thôi, còn hành vi đó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nước ta với nhiều mức độ khác nhau, đôi khi các doanh nghiệp của chúng ta như ngồi trên đống lửa vì chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính, sự chậm trễ thời gian đôi khi dẫn đến sự thua lỗ, phá sản của doanh nghiệp, nhanh 1 ngày là doanh nghiệp sống được, mất 1 ngày là doanh nghiệp mất hợp đồng, mất đôi tác và bị phạt…”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Và ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, vụ lô thuốc này là “đỉnh cao của hành vi vô cảm”, gây tác động rất lớn.

“Đây sẽ là ví dụ mang tính cảnh báo lớn đối với đội ngũ công chức, làm sao làm việc có tinh thần trách nhiệm hơn vói người dân và doanh nghiệp”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

 Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

Liên quan tới vụ việc này, tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho hay, vụ việc tưởng nhỏ mà giải quyết hơn 1 năm trời ở các cơ quan rõ ràng là không bình thường.

“Từ sự không bình thường ấy chúng ta phải rút ra được bài học gì, giải quyết thế nào, không chỉ riêng trường hợp này. Các phía cần đánh giá lại, giải quyết trong khuôn khổ Nghị quyết 35 của Chính phủ” – ông Lê Mạnh Hà nói.

Những ngày qua dư luận xôn xao việc kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 còn tồn gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài giá 14 tỷ đồng đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015.

Bệnh viện này sau đó đã buộc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết date trong khi nhiều bệnh nhân thiếu thuốc điều trị.

Kinh tế tư nhân mới đảm bảo được bền vững cho tương lai nền kinh tế

Sau 1 năm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương; gần 30% đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế.

Tuy nhiên trong chính sách có những hạn chế do độ trễ, nhiều vấn đề phải sửa đổi ở tầm luật.

Chuẩn bị cho hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp lần 2 dự kiến diễn ra ngày 17/5 tới tại Hà Nội, ông Lộc cho biết, các doanh nghiệp đã gửi các kiến nghị như cần giảm chi phí cho các doanh nghiệp như: Giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic... Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng kiến nghị về vấn đề thủ tục phá sản doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra...

Trả lời câu hỏi về việc, cuộc gặp mặt doanh nghiệp lần này, Thủ tướng và Chính phủ truyền tải thông điệp gì, theo ông Vũ Tiến Lộc, quan điểm của Chính phủ là chỉ khu vực kinh tế tư nhân trong nước mới đảm bảo được bền vững cho tương lai nền kinh tế, là chìa khóa của sự phát triển. Mặc dù, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay tới 99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đây là những thông điệp cần thiết, tiếp tục được nhấn mạnh để trở thành nhận thức của xã hội.

Tại cuộc gặp gỡ tới, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, một số vấn đề đang nổi lên và sẽ kiến nghị với Thủ tướng là tập trung rà xét thể chế kinh tế vĩ mô, tránh cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường, sốt sắng phát triển kinh tế nhưng bằng chính sách chứ không phải can thiệp trực tiếp bằng hành chính, đôi khi gây ra hậu quả về mặt dài hạn.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh thoái vốn, nhà nước cần thoái sức ra khỏi các dịch vụ công, không 'ôm đồm' mà tập trung vào kiến tạo thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thị trường phát triển bền vững...” – ông Vũ Tiến Lộc nói.

Tại hội nghị lần thứ 2 này, dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016), trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu.

Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng, và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ