(Tổ Quốc) - Trang phân tích East Asia Forum đã có một bài viết đánh giá kinh tế Việt Nam đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Vào năm 2022, căng thẳng địa chính trị do xung đột Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và giá năng lượng và lương thực tăng mạnh đã dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao hơn đáng kể trên toàn cầu. Tất cả những yếu tố này đã gia tăng rủi ro cho Việt Nam trong quá trình hồi phục sau dịch Covid-19.
Những con số tăng trưởng tích cực
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại này, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và thành công chuyển đổi từ phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt sang sống chung với Covid-19. GDP của Việt Nam được ghi nhận là đã tăng trưởng ở mức cao đáng ngạc nhiên là 8,03% vào năm 2022 – vượt trên mức tăng trưởng bình thường của giai đoạn 10 năm trước khi diễn ra Covid-19.
Trong nước, các doanh nghiệp và thị trường lao động đã phục hồi trong khi khu vực bên ngoài cũng cho thấy nhiều tín hiệu cải thiện. Tình hình việc làm tổng thể được báo cáo là đã trở lại mức trước COVID-19 và thu nhập hộ gia đình tăng trở lại 5,8% vào giữa năm 2022. Dù vậy, cú sốc Covid-19 vẫn còn để lại một số dư âm khi tính đến tháng 4 năm 2022, ước tính gần một phần tư hộ gia đình ở thành thị có thu nhập thấp hơn so với tháng 4 năm 2021.
Về mặt đối ngoại, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch quốc tế và kiều hối đã có tín hiệu tăng dần mặc dù cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Vốn FDI giải ngân đã tăng lên 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 — mức tăng cao nhất trong 5 năm. Đầu tư nước ngoài vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, tiếp tục tăng nhanh vào năm 2022. Nhiều công ty quốc tế như Samsung đã mở rộng đáng kể các nhà máy hiện có của họ tại Việt Nam hoặc chuyển địa điểm sang Việt Nam.
Chính sách tiền tệ cũng được nới lỏng trong 9 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm vào tháng 9 năm 2022 để chống lại áp lực lạm phát do giá năng lượng, chi phí đầu vào nhập khẩu và tiền lương tăng cao. Đến cuối năm 2022, lạm phát được ước tính vào khoảng 3,5% - vẫn nằm trong mục tiêu 4% mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam đặt ra.
Phát huy dư địa một số lĩnh vực
Dù vậy, lĩnh vực tài chính của Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro. Theo định nghĩa quốc tế về nợ xấu (NPL), ước tính có khoảng 5,76% tổng khoản cho vay tại các ngân hàng Việt Nam có thể gặp rủi ro. Việc tái cấp vốn hoặc bán một số ngân hàng là cần thiết để giúp các tổ chức này chuyển vốn một cách hiệu quả từ người cho vay sang người đi vay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm khoảng 30% vào năm 2022 và buộc Ngân hàng nhà nước phải áp dụng các quy định kiểm soát để cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa vào năm 2022 cũng phần nào đã bị thu hẹp. Trong thời gian tới, việc triển khai chương trình này nhanh hơn có thể thúc đẩy quá trình phục hồi trong ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Một cách tiếp cận có mục tiêu là giúp đỡ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì giảm thuế bảo vệ môi trường, cắt giảm thuế VAT hay thuế nhập khẩu đại trà. Cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao hiệu quả của mạng lưới an sinh xã hội và cũng có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước thay vì phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng.
Nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên vào năm 2022. Nhưng khả năng xảy ra suy thoái và suy giảm kinh tế ở ba đối tác thương mại lớn của Việt Nam — Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc - cũng đang đặt ra một câu hỏi lớn cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.
Có một số dư địa tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn khi nợ công ước tính đã giảm xuống mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 65%.
Vào tháng 12 năm 2022, nhóm G7 cũng đã đồng ý cung cấp 15,5 tỷ USD để giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Theo kế hoạch này, Việt Nam sẽ có thể cung cấp 47% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Do phần lớn nguồn vốn được cung cấp sẽ là các khoản vay nên cần có một tình hình tài chính lành mạnh để duy trì niềm tin của các bên cho vay.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần tăng gấp đôi con số học đại học của người dân trong độ tuổi này (hiện chỉ có gần 2 triệu trong số 6,9 triệu người ở độ tuổi đại học ở Việt Nam đang theo học một trường đại học) để ngang bằng với các quốc gia có thu nhập trung bình cao khác trong vòng 15–20 năm. Các nguồn lực đáng kể cần được chi cho việc nâng cao kỹ năng cho người dân.
Dịch Covid-19 đã gây ra sự phân tâm lớn cho quá trình phát triển kinh tế trong ba năm qua. Theo tờ phân tích này, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tập trung vào ổn định tài chính trong ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.