(Tổ Quốc) - Kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng, nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm…
Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng năm 2022 thu ngân sách Nhà nước ước tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 10 tiếp tục phục hồi nhất là lĩnh vực dịch vụ được dự báo sôi động hơn vào những tháng cuối năm nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng cao. Trong tháng cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 34,3% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 49%.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 được các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 67,1% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%16. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng qua, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm hàng giảm giá.
Tính chung 10 tháng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải nguyên nhân tăng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt, trong đó có 12 đợt giảm giá, xăng A95 giảm 950 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 giảm 1.060 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 7.210 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7.150 đồng/lít. Tuy nhiên, tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 36,01%, tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm.
Đồng thời, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 10 tháng năm nay tăng 15,35% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm.
Nhà ở và vật liệu xây dựng 10 tháng năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 10 tháng tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng năm 2022 tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, giá dịch vụ giáo dục 10 tháng giảm 0,61% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu quan trọng. Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa, về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước được nâng cao. Nhiều di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh và tổ chức rộng khắp các địa phương, một số hoạt động nổi bật diễn ra trong tháng.