(Tổ Quốc) - Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh các bước chuyển mình của thành phố, gửi gắm những bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ xây dựng TP.HCM tốt đẹp hơn.
Tác phẩm Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Hữu Thái kể lại câu chuyện hình thành Sài Gòn chủ yếu từ khi vùng đất bị thực dân Pháp xâm chiếm và xây dựng thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, kể từ giữa thế kỷ XIX.
Bắt đầu với tham vọng của các Đô đốc hải quân Pháp mong muốn biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”, tiền đồn thịnh vượng của đế quốc Pháp ở châu Á. Kinh qua các bước thăng trầm của hai cuộc Thế chiến, các cuộc chiến tranh Đông Dương với Pháp và Mỹ, rồi trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất nước sau 1975. Bước vào kỷ nguyên mới và trong xu thế hình thành một vùng đại đô thị nằm tại ngã ba đường giao thương quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, phải chăng thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển mình thành một thành phố hiện đại khác?
|
Với tư thế một nhà nghiên cứu kiến trúc - đô thị, một nhân chứng sống về các sự kiện lịch sử diễn ra dồn dập tại thành phố này suốt trên nửa thế kỷ qua, kiến trúc sư - nhà quy hoạch Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964) sẽ giới thiệu di sản quy hoạch - kiến trúc Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn xã hội - nhân văn, nghiêng về lịch sử - văn hóa hơn là thuần kiến trúc - đô thị. Nội dung các bài viết do đó sẽ không dừng lại ở sự phát triển cơ sở vật chất của thành phố mà đồng thời ghi lại những bối cảnh, sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với các giai đoạn phát triển đó.
Những mốc lịch sử hình thành Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: 1698: Chúa Nguyễn cho lập phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn. 1772: Xây Lũy Bán Bích ngăn quân Xiêm ở mạn Tây, đào Kênh Ruột Ngựa nối liền Đồng bằng sông Cửu Long. 1790: Xây dựng Gia Định Thành theo kiểu phòng thủ Vauban. 1859: Quân Pháp hạ Thành Gia Định. 1862: Phương án quy hoạch Coffyn cho Thành phố Sài Gòn. 1868: Xây cất Dinh Thống soái Nam kỳ. 1923: Kiến trúc sư Hébrard chỉnh lý quy hoạch Sài Gòn. 1930: Sáp nhập Chợ Lớn vào Thành phố Sài Gòn. 1945: Nam bộ kháng chiến. 1954- 1975: Sài Gòn, thủ đô chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 1975: Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. 1976: Sài Gòn đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh, rộng trên 2.000 km2, bao gồm cả Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định cũ.
Với ba phần: (1) Sài Gòn - thời Hòn ngọc Viễn Đông, (2) Sài Gòn và cuộc bùng nổ đô thị lần thứ nhất và (3) Thành phố Hồ Chí Minh và xu thế hình thành một vùng đại đô thị, mong rằng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc ngoái nhìn lại quá khứ để từ đó vững tin hơn khi hướng bước về tương lai…
Hy vọng câu chuyện trong Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh các bước chuyển mình của thành phố, cũng như gửi gắm được những bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ trong ý hướng xây dựng một Thành phố Hồ Chí Minh tương lai bền vững và tốt đẹp hơn.
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
V.Vân