(Tổ Quốc) - Một người phụ nữ chân yếu tay mềm, tuổi cũng không còn trẻ, không biết lái ô tô… thế mà lại có ý định đầy táo bạo làm sao để có những chuyến xe cấp cứu miễn phí dành cho người nghèo
Hình thành ý tưởng từ câu chuyện đầy ám ảnh của những bệnh nhân nghèo
Dù năm nay đã 64 tuổi, lại mang trong mình không ít bệnh, nhưng cô Phan Thị Bính (Linh Đàm, Hà Nội) vẫn luôn bận rộn với những công việc làm từ thiện, lúc thì ở Hà Nội, khi lại tận An Giang hoặc khắp các tỉnh, thành khác. Hỏi cô, ngần này tuổi rồi mà vẫn di chuyển liên tục để làm từ thiện có mệt và muốn dừng lại để nghỉ ngơi không, cô cười và nói rằng việc đi làm từ thiện đã quen thuộc và gắn bó với mình hơn 20 năm nay rồi, chưa thể dừng được và cô sẽ còn làm đến hơi thở cuối cùng.
Khi hỏi về lý do vì sao một người phụ nữ chân yếu tay mềm, tuổi cũng không còn trẻ, không biết lái ô tô… thế mà lại có ý định đầy táo bạo làm sao để có những chuyến xe cấp cứu miễn phí dành cho người nghèo, cô Bính nhớ lại những câu chuyện buồn, đã muốn quên đi nhưng không thể…
Cô Phan Thị Bính (thứ 2 từ phải qua) cùng những người bạn trong nhóm thiện nguyện thực hiện những chuyến xe cấp cứu chở bệnh nhân nghèo
Đó là vào năm 2016, câu chuyện về bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu đang chở bệnh nhi về quê chỉ vì "luật ngầm" – không cho xe cấp cứu từ nơi khác đến đón bệnh nhân từ bệnh viện, để độc quyền "chặt chém" và chở bệnh nhân, đã gây rúng động dư luận và tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Điều đáng nói, vì sự ngăn cản của bảo vệ bệnh viên nên chuyến xe cấp cứu được người nhà thuê từ quê ra đón – với chi phí rẻ hơn so với việc nếu thuê ở bệnh viện Nhi, bệnh nhi đã mất giữa đường.
Chưa hết, sau đó vài tháng lại xuất hiện những hình ảnh người đã mất phải bó chiếu và được chở bằng xe máy vượt qua mấy chục cây số để về nhà lo hậu sự tại Sơn La. Chuyến xe cuối cùng của đời người cũng không thể tươm tất mà đầy thương tâm, ám ảnh đã khiến nhiều người không thể cầm được nước mắt.
Tại sao lại có những câu chuyện đau lòng như thế xảy ra, làm thế nào để không phải chứng kiến hình ảnh đầy ám ảnh và thương tâm này?... đây có lẽ là câu hỏi đầy trăn trở của nhiều người, trong đó có cô Phan Thị Bính. Và cô Bính cho rằng, có rất nhiều lý do dẫn đến những câu chuyện kể trên, nhưng có một điểm chung là các bệnh nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Để bỏ ra một số tiền dăm bảy triệu thuê một chuyến xe chở bệnh nhân về nhà không phải đơn giản và cần phải tính toán. Bởi rất có thể trước đó, cơn bạo bệnh nhiều ngày đã khiến cái sự nghèo thêm khánh kiệt, phải chạy vạy khắp nơi.
Từ những câu chuyện trên, cô Bính mong muốn sẽ có những chuyến xe cấp cứu dành cho các bệnh nhân nghèo. Và không chỉ dừng lại ở mong muốn, cô đã bắt tay vào thực hiện khi nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, mạnh thường quân.
Những hành trình gian nan…
Vì làm từ thiện đã nhiều năm, cô Bính biết ở Cần Thơ, An Giang và một số tỉnh có mô hình chuyến xe từ thiện hoạt động rất hiệu quả nên cô đã không ngần ngại đến học hỏi để mang về áp dụng tại Hà Nội.
Để một chiếc xe cấp cứu hoạt động thường xuyên không phải chuyện đơn giản. Ngoài chi phí mua xe hàng trăm triệu thì còn kèm theo người lái, đổ xăng, bảo hành sửa chữa, thay thế… Nhưng với quyết tâm phải có bằng được những chuyến xe cấp cứu dành cho người nghèo, cô Bính đã không ngần ngại bỏ ra 90% chi phí mua chiếc xe, số tiền còn lại do bạn bè nhóm thiện nguyện đóng góp.
Ngoài chở miễn phí bệnh nhân nghèo, nhóm thiện nguyện của cô Bính còn nấu cháo từ thiện cho một số bệnh viện
Mua một chiếc xe với kinh phí không hề nhỏ, nhiều người thắc mắc cô Bính lấy đâu ra tiền. Trước câu hỏi cô thường nhận được từ những người chưa quen biết, cô Bính cho biết: chồng mình mất đã vài năm nay, hai đứa con của cô cũng đã trưởng thành, tự ổn định được cuộc sống riêng. Bởi vậy đối với cô giờ đây không còn bị vướng bận hay ràng buộc. Với đồng lương hưu đủ sống, cô có thể dành toàn bộ thời gian cũng như tiền bạc để làm từ thiện, không phải bon chen với cuộc sống. Thậm chí để có tiền làm từ thiện cô cũng không ngần ngại bán một số tài sản vì cô nghĩ vật chất là thứ cô đã buông bỏ nên suy nghĩ đơn giản lắm. Rồi con người cũng trở về với cát bụi, không thể mang theo tài sản gì được nên đừng quá quan trọng vật chất. Vật chất có thêm hay bớt đi lúc này cũng không khiến cô vui hay buồn. Cô muốn được giúp đỡ những người thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn… và kỳ lạ, khi làm nhiều việc thiện cô thấy mình vui vẻ, thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Xe mua được rồi, nhưng trở ngại tiếp theo là làm sao tìm được tài xế cũng sẵn sàng góp công góp sức mà tình nguyện chở bệnh nhân miễn phí. Tiếp đến là chi phí vận hành chiếc xe hàng ngày sẽ lấy ở đâu để duy trì. Tuy nhiên điều kỳ diệu đã đến khi ở bên cô Bính luôn có những người đồng hành, sẵn sàng làm từ thiện mà không đòi hỏi được trả công. Chú Mai Văn Toàn ở tận An Giang đã cùng vợ ra Hà Nội để lái xe từ thiện. Cho đến bây giờ cô Bính cho biết đã có 10 lái xe tình nguyện thay phiên nhau được cầm vô lăng để chở miễn phí những người bệnh nghèo.
Xe cấp cứu miễn phí chở bệnh nhân nghèo
Nhớ lại những ngày đầu vất vả, làm sao để chiếc xe có được còi ưu tiên, không bị các bệnh viện làm khó dễ cô Bính vẫn không quên được và nói rằng, nếu không quyết tâm thì không thể làm được. Lúc mới mua được xe, cô đi xin đăng kí đầy đủ các quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ.... như các xe cấp cứu khác đã có một số nơi ngỏ ý để họ vận hành. Nhưng cô cho rằng, làm sao để đảm bảo đây là chuyến xe hoàn toàn miễn phí như tâm nguyện ban đầu khi cô và nhóm thiện nguyện xây dựng?. Hay biết đâu chỉ một vài tháng miễn phí rồi sau đó họ lại thu tiền thì cô không thể kiểm soát được. Đành rằng ôm tất cả những việc đó vào người sẽ khiến cô thêm bận rộn nhưng cô vẫn sẵn sàng.
Những ngày đầu chuyến xe miễn phí đi vào hoạt động cô cũng lo sợ sẽ bị một số nhân viên bệnh viện gây khó dễ nên lúc đấy chỉ dám nhận đưa bệnh nhân từ nhà đến viện. Sau đó, khi đã có mối quan hệ cùng sự tin tưởng với nhiều bệnh viện, cô không những trực tiếp xin thông tin các bệnh nhân khó khăn đang điều trị cần sự giúp đỡ mà còn đưa bệnh nhân từ viện về nhà.
Cô Phan Thị Bính cùng nhóm thiện nguyện trong một chuyến chở bệnh nhân về quê
Chưa hết, khi mới hoạt động, đường dây nóng của xe cấp cứu còn nhận được những cuộc gọi 3 giờ sáng hay 12 giờ đêm hăm dọa, xúc phạm cho rằng xe cấp cứu miễn phí là lừa đảo… Với các cuộc gọi như thế cô Bính không hề thấy tổn thương hay nản chí, cô nhẹ nhàng giải thích và cam đoan những gì mình làm là từ tâm, thiện nguyện, không trục lợi điều gì.
Về những người lái xe tình nguyện, cô Bính bảo ban đầu nghĩ khó khăn quá, cô còn ý định thuê người rồi trả lương nhưng không ngờ lại có nhiều người cũng muốn làm từ thiện. Có những lái xe chở bệnh nhân về tận nhà, người nhà cảm động quá nhất quyết xin được gửi ít kinh phí bồi dưỡng hay xin đỡ tiền xăng nhưng nhất quyết không ai nhận. Thậm chí có lái xe chứng kiến hoàn cảnh éo le quá còn bỏ tiền túi ra giúp một phần nhỏ bé. Có trường hợp lái xe đi hàng trăm cây số chuyển bệnh nhân từ bệnh viện về nhà, bụng đói nhưng họ không dám ở lại ăn bữa cơm gia đình mời vì sợ gia đình bệnh nhân lại thêm tốn kém. Họ lặng lẽ rời đi với lý do về kịp cho chuyến tiếp theo và ăn tạm dọc đường…