(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm liên tiếp, bóng đá Việt Nam luôn nằm ở cửa dưới mỗi khi đối đầu với bóng đá Thái Lan.
LTS: Tại khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Thái Lan vẫn luôn được xem là "đại kình địch" với đội tuyển Việt Nam trong các giải đấu khu vực. Không hề quá khi nói, Thái Lan chính là đội tuyển mà cả cầu thủ lẫn người hâm mộ (NHM) Việt Nam đều muốn đánh bại. Những trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan luôn thu hút được sự chú ý và kỳ vọng lớn từ phía NHM Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, đội tuyển Việt Nam luôn bị đối thủ này vượt mặt và đánh bại nhiều lần.
Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải (Cựu cầu thủ CLB Thể Công) nhận định, việc chúng ta (cả NHM lẫn cầu thủ) đều có một nỗi sợ đối với đôi tuyển Thái Lan là sự thực bởi mỗi lần thi đấu với bóng đá Thái Lan, Việt Nam đều có kết quả thua nhiều hơn thắng.
Việt Nam luôn có tâm lý thiếu tự tin khi gặp các đội bóng Thái Lan (Ảnh: Nam Nguyễn)
"Nhìn chung đá với Thái Lan chúng ta hầu như đều thua nên khao khát đánh bại họ là điều thường trực của cả cầu thủ lẫn NHM. Do thường thua nên chúng ta đã hình thành một tư duy gặp Thái Lan là khó khăn gây ảnh hưởng đến tâm lý cả cầu thủ lẫn HLV"- Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho biết.
Thật vậy, trong quá trình lịch sử đối đầu giữa hai đội bóng kể từ năm 1995, số lần giành chiến thắng của đội tuyển Việt Nam so với đối thủ rất khiêm tốn. Trong lần đầu tiên đối đầu tại SEA Games 1995, đội tuyển Việt Nam phải nhận hai thất bại trước Thái Lan ở vòng bảng với tỷ số 1-3 và 0-4 ở trận chung kết. Đây cũng là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam trở lại đấu trường khu vực.
Một năm sau đó tại Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Cup), bóng đá Việt Nam tiếp tục phải nhận thất bại 0-2 ở bán kết. Bước sang kỳ SEA Games thứ 2 của bóng đá Việt Nam năm 1997, một lần nữa, bóng đá Việt Nam tiếp tục thất bại khi phải dừng bước ở bán kết sau khi thua 1-2 trước đội bóng xứ Chùa Vàng.
Chỉ đến năm 1998, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội trở mình khi đánh bại đối thủ 3-0 ở trận bán kết trên sân Hàng Đẫy dưới sự dẫn dắt của HLV HLV Riedl. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông cùng các học trò đã không thể lên ngôi vô địch khi để thua 0-1 trước Singapore trong trận chung kết.
Bóng đá Việt Nam đã phải nhận nhiều thất bại cay đắng trước đối thủ (Ảnh: Nam Nguyễn)
Trong hai giải đấu khu vực những năm tiếp theo là SEA Games 1999 và Tiger Cup 2002, bóng đá Việt Nam tiếp tục nhận 3 thất bại nữa (0-0 ở vòng bảng, 0-2 ở trận chung kết SEA Games 1999 và 0-4 ở trận bán kết Tiger Cup 2002).
Đến SEA Games 2003, với đội hình gồm những cầu thủ chất lượng như Văn Quyến, Minh Phương, Quốc Vượng,... HLV Riedl cùng học trò đã cầm hòa Thái 1-1 trên thế thắng ở vòng bảng. Tuy nhiên, khi trở về sân Mỹ Đình chơi trận chung kết, đội tuyển Việt Nam đã phải nhận thất bại 1-2 trước đối thủ.
Cho đến trước trận đấu lịch sử tại AFF Cup 2008, Việt Nam còn phải nhận thêm 2 thất bại gồm trận thua 0-3 ở chung kết SEA Games 2005 và hai trận thua 0-2 ở bán kết AFF Cup 2006 (Việt Nam thua 0-2 ở lượt đi và hòa 1-1 ở lượt về)
Tại AFF Cup 2008, sau khi để thất bại 0-2 tại vòng bảng trước Thái Lan, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đã thể hiện một lối chơi xuất thần, vượt qua các đối thủ còn lại để tiến vào trận chung kết gặp Thái Lan. Ở chung kết lượt đi trên sân khách, Việt Nam đã thắng 2-1. Trở về chơi trên sân Mỹ Đình, chúng ta đã xuất sắc cầm hòa 1-1 đối thủ để lên ngôi vô địch Đông Nam Á .
Sau chiến thắng lịch sử này, tính đến năm 2017, Việt Nam chỉ có vỏn vẹn duy nhất 1 trận hòa trước Thái Lan với tỷ số 0-0 ở SEA Games 2009 và phải nhận 3 thất bại trước đối thủ cùng tỷ số 1-3 tại AFF Cup 2012, SEA Games 2015 và 0-3 tại SEA Games 2017.
Đã có lúc, tưởng chừng như nền bóng đá của Việt Nam mãi sẽ nằm ở cửa dưới (Ảnh: Nam Nguyễn)
Sau đó, chúng ta còn phải nhận 2 trận thua với tổng tỷ số 0-4 trước đối thủ tại vòng loại Wold Cup 2018 trước Thái Lan.
Như vậy, trong lịch sử đối đầu, số trận thắng của Việt Nam trước đối thủ Thái Lan chỉ vỏn vẹn 2 trận, để hòa 5 trận và thua đến 15 trận.
Lí giải về vấn đề này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng, nếu xét về kĩ thuật, chiến thuật hay niềm đam mê, bóng đá Việt Nam hoàn toàn không thua bóng đá Thái Lan. Do chúng ta thua nhiều nên sinh ra tâm lý thiếu tự tin mỗi khi chạm trán đối thủ.
"Tiếp theo là HLV, từ khi HLV Park Hang-seo dẫn dắt, bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh. Điều này thể hiện vai trò của vị cầm quân rất quan trọng. Thứ nữa là cách làm bóng đá của chúng ta chưa hợp lý, chưa theo kịp được Thái Lan vào thời điểm đó. Việc làm bóng đá của chúng ta khi ấy tiếp cận bóng đá chuyên nghiệp chưa thực sự tốt. Trong khoảng thời gian từ 2016 trở về trước chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu này"- Chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích.
Về phần mình, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế lại cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới "bố cục" này là do nền bóng đá của Thái Lan dày và lớn hơn so với Việt Nam. Theo cựu danh thủ CLB Thể Công, Thái Lan có một nền tảng từ Ngoại hạng đến Hạng Nhất, Hạng Nhì rất mạnh, là nguồn cung dồi dào cho bóng đá nước này.
"Ở mõi mùa giải, cầu thủ Thái Lan thi đấu khoảng 50, 60 trận, nhiều hơn hẳn so với chúng ta. Bóng đá Việt Nam thì cả Hạng Nhất hay Ngoại hạng đều ít hơn nên nguồn cung ít hơn, ít sự lựa chọn hơn, còn họ thì quá nhiều để lựa chọn. Nền bóng đá họ có nhiều lựa chọn hơn nên trong quá khứ họ mạnh hơn chúng ta"- Chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích.
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, dù bóng đá Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều thành tích lớn nhưng việc đánh bại, vượt qua bóng đá Thái Lan luôn được xem là một thử thách lớn./.