• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 1: Vì đâu bóng đá Việt Nam thua nhiều hơn thắng?

Thể thao 22/06/2017 17:44

(Tổ Quốc) -Chuyên gia cựu HLV SLNA Nguyễn Thành Vinh nhận định, trong vài năm qua ngoại trừ điểm sáng mang tên U20 Việt Nam thì các cấp độ ĐTQG lẫn các giải đấu quốc nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.

Trong những năm vừa qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến dài, dần khẳng định được vị thế của nền bóng đá nước nhà trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, các đội tuyển của chúng ta vẫn chưa đạt được nhiều thành công tại các giải đấu quốc tế. Trao đổi với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, cựu HLV CLB Sông Lam Nghệ An đã lý giải về điều này.

-Thưa ông, trong vài năm trở lại đây điều gì làm ông cảm thấy ấn tượng nhất về bóng đá Việt Nam?

 

Tất nhiên là sự kiện U20 Việt Nam được lần đầu tham dự sân chơi thế giới U20 World Cup 2017. Dù thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn bị loại ngay từ vòng bảng, chưa giành nổi một chiến thắng, không một lần chọc thủng lưới đối phương nhưng chứng kiến màn thi đấu ấn tượng của các cầu thủ U20 Việt Nam tôi cảm thấy rất mừng. Như các bạn đã thấy, các em không hề e sợ trước các đối thủ mạnh. Tôi thấy rất mừng vì những tương lai của bóng đá Việt Nam đã phần nào cải thiện được vấn đề tâm lý, chưa đá đã sợ thua. Rõ ràng, U20 Việt Nam đã đưa bóng đá Việt lên một nấc thang mới và sẽ là cú hích để phát triển hơn nữa công tác đào tạo trẻ ở các đội bóng và địa phương trên toàn quốc.

- Vậy còn những điều khiến ông tiếc nuối, thưa ông?

Tiếc nuối thì nhiều lắm. Từ chuyện U23 Việt Nam dừng bước ở bán kết Sea Games 2015 đầy tiếc nuối cho tới việc U23 Việt Nam có giải đấu đáng quên VCK U23 châu Á 2016 khi nhận 3 thất bại tại vòng bảng. Đó đều là những ký ức rất buồn đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Bên cạnh đó, tuyển Việt Nam thất bại ngay trên sân nhà ở lượt trận bán kết AFF Cup 2016 cũng khiến rất nhiều người rơi nước mắt. U20 Việt Nam cũng để lại  sự tiếc nuối và những điều giá như. Giá như các cầu thủ của chúng ta khỏe hơn, bình tĩnh hơn, bản lĩnh hơn thì có thể mọi chuyện đã khác…

Ở cấp độ các giải đấu trong nước thì còn nhiều nhược điểm. Công tác trọng tài bộc lộ nhiều yếu kém. Nạn bạo lực sân cỏ và lối hành xử của một số cầu thủ gây bức xúc cho dư luận…

-Theo ông, vậy đâu là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam vẫn phải nhận thất bại nhiều hơn là thành công?

Không thể phủ nhận, trong một vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và dần tiệm cận hơn so với với trình độ của châu lục. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói sự phát triển này vẫn chưa xứng tấm với sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Nguyên nhân khiến bóng đá Việt chưa thành công thì có nhiều lắm. Xem đá bóng thì nhiều người thấy cầu thủ mình còn thu thiệt nhiều so với các đội bóng ở sân chơi châu lục và không nói đâu xa, kỹ thuật, tư duy chiến thuật của cầu thủ Việt còn thua thiệt so với chính Thái Lan. Từ nhiều năm nay, những người làm chuyên môn đều đã thừa nhận, bóng đá Việt vẫn dưới tầm bóng đá Thái Lan một bậc.

 

Cá nhân tôi thì nhận thấy yếu tố thể hình và đặc biệt là thể lực chúng ta vẫn còn ở một khoảng cách lớn so với mặt bằng chung của thế giới. Nhiều người lầm tưởng rằng so sánh rằng, tại sao những CLB lớn trên thế giới họ cũng có nhiều cầu thủ nhỏ bé như Barcelona mà họ vẫn chơi hay và rất thành công.

Xin thưa, các bạn đã nhầm. Họ bé nhưng đâu có yếu thể lực đâu. Đó mới là vấn đề quan trọng. Nếu để ý, từ các cấp độ trẻ cho tới cấp độ đội tuyển Việt Nam, cầu thủ của ta chỉ có thể đủ thế lực đá tới phút 70, 80 của trận đấu mà thôi. Trong khi đó, bóng đá là cuộc chơi của cả 90 phút. Đây chính là điểm yếu bóng đá Việt Nam trong suốt những năm qua.

- Ngoài nguyên nhân các cầu thủ Việt thua thiệt về tầm vóc thì còn nguyên nhân nào khác không, thưa ông?

Tôi nghĩ muốn có đội tuyển mạnh thì chúng ta phải có những giải đấu mạnh và chuyên nghiệp. Tức là từ các giải đấu trẻ cho tới đấu trường hạng Nhất, V-League… phải tạo ra được môi trường để nuôi dường và thúc đẩy sự phát triển của các cầu thủ Việt Nam.

Thế nhưng, như các bạn đã thấy, ở giải U15 quốc gia mới đây vẫn còn tình trạng các đội bóng sử dụng cầu thủ gian lận tuổi. Đó là thực trạng rất đáng buốn. Nhìn ra các giải đấu lớn hơn như V-League 2017, những yếu tố hấp dẫn còn chưa nhiều thì nổi lên trọng tài bắt oan sai khiến các đội bóng và người hâm mộ bức xúc. Cầu thủ thi đấu hành xử thiếu văn hóa, như côn đồ trên sân thi đấu thì rất khó để các giải đấu này phát triển được.

Bên cạnh đó, các đội bóng còn quá phụ thuộc vào cầu thủ nhập tịch và ngoại binh. Đặc biệt là vấn đề nhập tịch cho các ngoại binh và có hay không chuyện nên trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch trên đội tuyển Việt Nam. Cá nhân tôi không đồng tình với ý kiến sử dụng cầu thủ nhập tịch sẽ giúp bóng đá Việt phát triển nhanh hơn. Theo tôi, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch sẽ là bước thụt lùi của bóng đá.

-Thưa ông, vậy muốn bóng đá Việt Nam phát triển đúng hướng và bền vững thì chúng ta cần phải làm gì?

Tôi nghĩ việc quan trọng và xuyên suốt để phát triển đúng đắn và bền vững chính là đầu tư vào đào tạo bóng đá trẻ. Những mầm non tương lai của bóng đá nước nhà có khỏe mạnh, có tốt thì mới có những đội bóng và đội tuyển tốt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đăng Huy-Trường Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ