(Tổ Quốc) -Ở kỳ trước, “bà mẹ Harvard” Hồ Thị Hải Âu đã chia sẻ cách giúp con tháo gỡ “bạo lực học đường” từ một câu chuyện cụ thể. Kỳ này là việc đi tìm và giải quyết vấn đề từ gốc rễ.
- Theo như chị nói thì việc tháo gỡ tình trạng “bạo lực học đường” một cách gốc rễ lại không phải chỉ nằm ở phía thầy cô?
Việc trẻ con sử dụng bạo lực do người lớn không hiểu cách giáo dục trẻ con thế nào cho đúng. Phải là trực quan sinh động và phải làm gương chứ không thể ra lệnh được, không thể nói nếu đứa nào đánh con thì con cứ lên thưa với thầy cô, vì như vậy chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn thôi, còn chưa giải quyết phần gốc. Dạy trẻ kỹ năng phân tích mâu thuẫn, thấy được trách nhiệm từng phần của các bên mẫu thuẫn, biết công bằng cho bạn và cho bản thân, để trẻ có cách tự giải quyết mâu thuẫn mới là điều gốc rễ. Tôi cho rằng, đôi khi, cha mẹ hay có thiên kiến, nghe con kể về mâu thuẫn là mắng át đi, hoặc bênh con một cách thiếu công bằng… đây cũng chính là cái cớ rất nhạy cảm để bạo lực xảy ra giữa con trẻ.
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu. Ảnh cung cấp. |
Nhưng dường như, cuộc sống hiện đại quá gấp gáp, bố mẹ lại hoặc không chịu làm bạn với con, nhất là khi trẻ vào tuổi vị thành niên (11 -17 tuổi); hoặc phần lớn chúng ta bị áp lực kiếm tiền, mải tìm quyền lực, thậm chí mải hưởng thụ… không hiểu cuộc sống của con ở trường như thế nào để kịp thời hỗ trợ. Đến khi sự việc xảy ra, phụ huynh lại có tâm lý để con cái tự nghĩ, tự giải quyết với nhau… hoặc đẩy tới việc yêu cầu xử lý hành chính như đuổi học, kỷ luật vân vân. Đó là cách xử lý thụ động và để lại di hại nhiều hơn là hiệu quả tích cực. Trẻ con thường bối rối giải quyết mâu thuẫn với nhau như thế nào là chuẩn mực nhất.
- Nhân đây xin kể cho chị nghe câu chuyện khá phổ biến hiện nay về tình trạng các em nhỏ học ở mẫu giáo, khi bị bạn đánh hay bắt nạt về mách với bố mẹ và thường được các ông bố bà mẹ nói rằng: Bạn đánh con thì con hãy đánh lại. Vậy theo chị cách dạy con như thế có đúng không và nếu là chị trong trường hợp này chị sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?
Tuổi mẫu giáo đang rất cần sự quan tâm, uốn nắn của người bảo trợ, giám thị, nên thầy cô quan trọng vô cùng.
Khi hai đứa trẻ xảy ra xung đột với nhau ở tuổi mẫu giáo và cấp 1 thì cô giáo bao giờ cũng là người trung tâm hòa giải và quan tòa tốt nhất.
Ở lứa tuổi mẫu giáo đến khoảng 10 tuổi, trẻ có tâm lý ở nhà rất kính nể bố mẹ nhưng khi đến trường thì thầy cô lại có uy tín hơn bố mẹ, giai đoạn này, trẻ có xu hướng đặt niềm tin với thầy cô rất lớn. Thầy cô luôn luôn là tấm gương. Vì thế, vai trò của thầy cô, bản lĩnh cũng như tâm hồn, lương tâm của thầy cô phải đặt ở vị trí trung tâm. Có những thầy cô không phải vì không có lương tâm mà là kém về tâm lý trẻ, năng lực sư phạm yếu.
Vì sao ở các nước văn minh và phát triển giáo viên mẫu giáo và giáo viên cấp 1 lại được đánh giá là nguồn nhân lực cực kỳ quan trọng và được chọn lọc, tuyển chọn kỹ lưỡng? Họ phải có hiểu biết tâm lý lứa tuổi để nếu hai đứa trẻ xảy ra xung đột thì sẽ tìm hiểu vì sao, vì sao học sinh này lại hay đánh bạn, liệu có phải ở nhà hay bị đánh, bị bạo hành gia đình hay không, đứa trẻ ấy có bị phát triển quá mức vùng não bò sát cổ xưa nhất kích thích những hành vi bạo lực? Và nếu não có vấn đề như trên thì đứa trẻ không có lỗi mà do cơ chế thể lý đặc thù và phải có phương pháp dạy dỗ phù hợp áp dụng cho những trường hợp này. Ví dụ: những trẻ này nên được khuyến khích hoạt động thể chất nhiều hơn, tham gia các trò chơi mang tính đối kháng hơn như đá bóng, võ thuật, bóng rổ v.v… giúp trẻ xả bỏ năng lượng dư thừa…
Cha mẹ hãy dành thời gian làm bạn với con. Ảnh internet. |
Khi con bị đánh không thể nói, bạn đánh con thì con hãy đánh lại vì đứa trẻ sẽ có cảm giác, ở trường lớp cũng là nơi không có giá trị về kỷ luật, và không phải là nơi nó có thể trông cậy vào một môi trường pháp lý, ở đó chính nghĩa được đảm bảo, chúng sẽ cảm thấy bất an. Với những đứa trẻ thường xuyên có vấn đề về bạn bè bố mẹ càng thường xuyên kết nối chặt chẽ, bàn bạc với cô giáo để làm sao đưa ra giải pháp tốt nhất để tìm nguyên nhất và tìm giải pháp êm thấm cho con.
Còn với đứa trẻ hay bị bạn đánh phải có sự hỗ trợ của cô giáo, đảm bảo một hành vi tự vệ nhưng không được làm cho trẻ hiểu rằng bạo lực sẽ giải quyết mọi thứ, vì tuổi thơ nó sẽ ghi dấu suốt cả cuộc đời và nếu như bạo lực được sử dụng ở mọi nơi thì sau này đứa trẻ sẽ bất an, chúng cảm thấy không tìm đâu nơi nào an toàn, và rất dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực là thu mình lại mất niềm tin, hoặc theo hướng ngược lại, chúng trở thành một người coi thường mọi thứ, và trở nên có xu hướng thích bạo lực (về tâm lý và thể lý). Lấy một cái sai để sửa một cái sai chúng ta sẽ dẫn trẻ đi “lệch lạc” rất xa so với điểm xuất phát ban đầu.
- Vậy theo chị cách tốt nhất để ngăn chặn được tình trạng “bạo lực học đường” nên bắt đầu ở đâu?
Cách tốt nhất là ngay từ gia đình, phải chọn trường chọn lớp cho con tử tế. Cha mẹ phải làm bạn với con hàng ngày để có thể nhận thấy mống ráng của những mâu thuẫn nảy sinh khi trẻ chơi với bạn bè và giúp con gỡ những mâu thuẫn của con với bạn bè bằng chính sự chân thành biết nhận đúng- sai về mình một cách công bằng. Chỉ với cách đó thì chúng ta sẽ dạy dỗ những đứa con lớn lên một cách hoan hỷ và góp phần tạo nên một xã hội biết cư xử thân thiện có tình có lý. Và điều này cha mẹ nào cũng làm được nếu dành thời gian cho con.
Cảm ơn chị!
Hiền Nguyễn (Thực hiện)