• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 3: Luật sư nói gì về vụ việc đưa bà Cao Thị Dậu sang Trung Quốc?

Thời sự 08/06/2019 14:08

(Tổ Quốc) - Tiếp theo loạt bài về gia đình bà Cao Thị Dậu, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố cáo ông Cao Văn H. (cùng xã) đưa bà Dậu sang Trung Quốc và nhận một khoản tiền vào năm 1989. Sau 30 năm, bà Dậu trở về Việt Nam "thân tàn, ma dại" và sống cuộc đời theo bà mô tả là như nô lệ.

Phải xác định được hành vi tội phạm thuộc loại nào?

Trả lời phỏng vấn báo Điện tử Tổ Quốc bên hành lang Quốc hội, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho hay, nếu hành vi đưa sang Trung Quốc được chấm dứt ngay thời điểm đó, theo quy định của pháp luật sẽ xác định loại tội phạm là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, tái phạm hay không…

"Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định có vụ án hình sự và người thực hiện tội phạm hay không. Nhất là giờ đây bà Cao Thị Dậu đã tố cáo rồi thì kết quả phụ thuộc vào cơ quan điều tra xác định xem đối tượng mà thực hiện hành vi ấy có nhân thân tốt hay xấu, có tiền án tiền sự hay không…"- Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết.

Kỳ 3: Luật sư nói gì về vụ việc đưa bà Cao Thị Dậu sang Trung Quốc? - Ảnh 1.

Bà Cao Thị Dậu trong ngày trở về bên gia đình sau 30 năm ở Trung Quốc. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngoài ra, theo vị Luật sư này, cơ quan điều tra còn xác định thời điểm đó, ông Cao Văn H. thực hiện hành vi một lần hay nhiều lần, một người hay nhiều người.

Khi xác định hành vi ấy thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để từ đó xác định thời hiệu của vụ việc, 10 năm hay 20 năm hay nhiều năm nữa.

"Với vụ việc này giờ là 30 năm, nếu như hành vi thuộc tội nghiêm trọng và xác định hành vi đã xảy ra, chấm dứt ở thời điểm 30 năm về trước thì theo quy định của Bộ luật Hình sự vụ việc này đã hết thời hiệu"- Luật sư Nguyễn Văn Chiến nói.

Tuy nhiên, Luật sư này nói, nếu thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn kéo dài trên 30 năm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm dân sự của ông Cao Văn H. trong trường hợp này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến nói, nguyên tắc là bồi thường ngoài hợp đồng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người bị thiệt hại xác định được người gây thiệt hại gây ra cho mình, chứng minh được là do lỗi của họ, mình có thiệt hại thực tế thì mình có quyền yêu cầu tòa án xác định về thiệt hại và yêu cầu người gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường.

Vẫn còn nhiều nạn nhân của tình trạng mua bán người

Liên quan tới tình trạng mua bán người, trong buổi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngày 4/5, ĐBQH đoàn Nam Định Đặng Thị Phương Thảo nêu, thời gian qua tình trạng mua bán người xảy ra ở cả 63 tỉnh, TP trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, thậm chí ở các thành phố lớn bị mua bán ra nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Công an đến cuối năm 2018 vẫn còn 519 người được xác định là nạn nhân của mua bán người chưa được giải cứu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến nay đã giải cứu số nạn nhân nói trên hay chưa. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm nếu không giải cứu được các nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, việc xác định nạn nhân mua bán người mà hiện nay chưa được giải cứu và trách nhiệm thuộc về ai. Năm 2018 và quý I năm 2019, Bộ Công an đã khởi tố 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người và tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận 577 trường hợp là nạn nhân mua, bán 100% nạn nhân được hỗ trợ ban đầu, tư vấn pháp lý, kiểm tra sức khỏe và trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

"Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định còn 385 nạn nhân cần phải tiếp tục được giải cứu. Số lượng nạn cần được giải cứu còn rất lớn. Hiện nay chúng tôi đang tích cực triển khai các giải pháp phối hợp, hợp tác quốc tế để giải cứu nạn nhân một cách sớm nhất để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về mua, bán người nói chung và tội phạm mua, bán người dưới hình thức lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, du lịch nước ngoài nói riêng"- Bộ trưởng Tô Lâm nêu.

Về giải pháp, Bộ trưởng Công an cho hay, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là ở những nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán phụ nữ trong độ tuổi lấy chồng, người dân tộc thiểu số tại những vùng hay bị mua, bán sát biên giới thì loại tội phạm này xảy ra rất nhiều.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài. Qua đó để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán người, thậm chí đưa người trái phép qua biên giới hoặc đưa người qua biên giới với mục đích khác nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm mua bán người.

Thứ ba là tăng cường công tác nghiệp vụ để phát hiện đấu tranh, xử lý các đường dây, các đối tượng môi giới tổ chức mua bán người dưới các hình thức. Hiện Bộ Công an đang tổ chức cao điểm tấn công trấn áp với những loại tội phạm này có sự hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật của các nước có chung biên giới với chúng ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Thứ tư là đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về tội phạm mua, bán người. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua, bán người với các nước giáp biên giới cũng như các nước châu Âu, thậm chí cả Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt và có những quan hệ với người Việt thì đã xuất hiện những tội phạm này, họ đều coi đây là một loại tội phạm quốc tế. Và cuối cùng là tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc mua bán người./.


Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ