Kỳ công quá trình trùng tu điện Thái Hòa bên trong Đại Nội Huế
Thực hiện: Lê Chung | 26/04/2022
(Tổ Quốc) - Là di tích có giá trị quan trọng nên quá trình hạ giải, trùng tu điện Thái Hòa đang được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai dự án với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác trùng tu.
Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế. Qua hàng trăm năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng đến nay điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác). Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai dự án với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản. Vì là di tích có giá trị quan trọng nên quá trình hạ giải, trùng tu được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu.
Được biết, dự án sẽ tiến hành tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch với màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói hoàng lưu ly và ngói liệt men vàng, bờ mái và con giống khảm sành sứ và hệ thống trang trí pháp lam… Hệ thống sân lan can và bậc cấp cũng được tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên điện; tu bổ và gia cường hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh…
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về quy trình thực hiện công tác hạ giải điện Thái Hòa, công trình được đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái…
Trước khi tháo dỡ, đơn vị thi công cũng đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện gỗ, các con giống và ô hộc bờ nóc, bờ quyết trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Những ngày qua, đơn vị thi công đang tiến hành hạ giải phần mái ngói, tháo dỡ từng ô pháp lam trang trí trên bờ nóc, cổ diềm công trình; hạ giải các ô hộc bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, đầu hồi, các con giống trang trí xuống khỏi công trình; tháo dỡ hệ vách ván, liên ba, ngưỡng cửa. Sau khi lắp dựng nhà bao che mới tiến hành hạ giải kết cấu mái gỗ gồm cột kèo, xuyên, trến, đòn tay…
Để bảo vệ nền gạch di tích, đơn vị thi công đã đưa ra giải pháp làm sàn bảo vệ theo quy trình tẩy sạch nền gạch, quét lớp sơn chống thấm, trải một lớp nilon và lớp cao su, làm hệ khung gỗ, lát thép tấm lên trên. Đồng thời, bao bọc cột rồng, mái lưa bằng nilon xốp và khung gỗ, các con rồng bậc cấp được bọc bằng mút xốp và bảo vệ khung gỗ bên ngoài.
Sau khi hạ giải xong toàn bộ công trình, đơn vị thi công sẽ tiến hành phân loại, đánh giá sơ bộ chất lượng các cấu kiện, sau đó trình hội đồng đánh giá di tích xem xét và đưa ra giải pháp tu bổ.
Đối với các cấu kiện được đánh giá hư hỏng hoàn toàn thì phục hồi mới. Các cấu kiện hư hỏng ít sẽ xử lý vệ sinh nối vá, nối mộng thay cốt ốp mang, nối chân cột, đuôi kèo, đầu kèo. Đối với các cấu kiện còn tốt sẽ được vệ sinh tái sử dụng.
Sau khi hạ giải, các cấu kiện được tạm phân loại rồi đưa vào kho bảo quản
Những chi tiết trang trí khảm sành sứ trên các con giống sẽ được khôi phục.
Những chi tiết hư hỏng của các bảng trang trí pháp lam sẽ được sử dụng kỹ thuật pháp lam lạnh để phục hồi nguyên trạng các hoa văn họa tiết.
Quá trình trùng tu, mọi chi tiết đều được tiến hành scan 3D để lưu giữ toàn bộ dữ liệu thu thập được của công trình, sau đó số hóa toàn bộ hình ảnh 3D điện Thái Hòa bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa chính thức được thực hiện từ ngày 23/11/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 23/8/2025.