Sau hơn 40 năm gìn giữ như là những kỷ vật của riêng mình, lần đầu tiên họa sĩ Phạm Ngọc Liệu cho công bố một gia tài đồ sộ làm choáng ngợp người xem với hơn 200 bức ký họa và nhiều sơn dầu, bột màu khác, với một đề tài: chiến tranh, và chủ yếu ở chiến trường Quảng Trị những năm khốc liệt nhất.
Sau hơn 40 năm gìn giữ như là những kỷ vật của riêng mình, lần đầu tiên họa sĩ Phạm Ngọc Liệu cho công bố một gia tài đồ sộ làm choáng ngợp người xem với hơn 200 bức ký họa và nhiều sơn dầu, bột màu khác, với một đề tài: chiến tranh, và chủ yếu ở chiến trường Quảng Trị những năm khốc liệt nhất.

Đây cũng là lần đầu tiên, một triển lãm cá nhân chuyên đề ký họa được tổ chức. Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự trong suốt những ngày tháng tư kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Những khoảnh khắc vô giá
Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu kể, gia tài quý giá mà ông có được ngày hôm nay là kết quả của hai đợt thực tế Vĩnh Linh, Quảng Trị vào năm 1971, 1972 - đúng lúc nơi đây là chiến trường ác liệt nhất. Khi đó, ông đang là sinh viên mỹ thuật. Cũng một ba lô trên vai như bất cứ người lính nào, chỉ khác thay vì súng trường, súng ngắn, lựu đạn… thì hành trang của chàng trai trẻ ngày ấy là bút sắt, mực nho và giấy vẽ. Ông đã có những năm tháng cùng ăn cùng ở, cùng cận kề bom đạn với những người lính nơi chiến trận và những người dân Quảng Trị kiên gan bền lòng.
Hàng trăm bức ký họa mà ông ghi lại được, là hàng trăm câu chuyện, hàng trăm khoảnh khắc, cùng với những con người đã đi vào lịch sử. Những khoảnh khắc không bao giờ trở lại, những con người đã vĩnh viễn ra đi…
Vào những năm 71, 72, ai cũng biết Quảng Trị đang là nơi nóng bỏng nhất của trận chiến. Những người già, trẻ con thì đã sơ tán ra Nghệ An. Người dân dỡ nhà, san bằng đường đi cho bộ đội, và cuộc sống chủ yếu diễn ra dưới mặt đất, nơi chằng chịt hầm hào. Những người còn bám trụ quê hương là để nuôi quân, để giữ đất giữ làng. Hàng ngày họ vẫn cuốc đất trồng cây, đan lưới kéo chài. Rất nhiều bức ký họa của ông ghi lại những cảnh vô cùng thanh bình ấy. Bình yên ở ngay nơi khói lửa ác liệt nhất. Nhìn những bức ký họa hôm nay, ai biết, đó chỉ là những khoảng lặng của chiến tranh. Phần lớn những nhân vật xuất hiện như chớp mắt trong ký họa của ông, đều đã trở thành người thiên cổ chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi tác phẩm hoàn thành.
Ông bồi hồi nhớ lại, có ngày buổi sáng vừa qua Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, phác họa cảnh người phụ nữ đang làm phân bón trên đồng, những người đàn ông đang ngồi vá lưới trên bờ biển Vĩnh Thái… thì đến buổi chiều quay về, đã không thể nào gặp lại họ nữa. Trúng pháo kích và đạn bắn tỉa, đó là chuyện thường ngày đối với bất kỳ ai. Nhiều nhân vật trong ký họa của ông, có tên tuổi rõ ràng như o Hiền, o Thuận, cũng có nhiều nhân vật không có tên, đơn giản, bởi trong bối cảnh chiến trường nước sôi lửa bỏng, bức ký họa vừa hòan thành chưa kịp hỏi tên thì “người mẫu” đã bị trúng bom.
Ông nhớ như in từng bối cảnh trong các bức ký họa của mình, đến nỗi như nó vừa mới được vẽ ngày hôm qua. Ám ảnh nhất với ông, là bức vẽ những người chiến sĩ đang họp giao ban trong một căn hầm chữ A trên trận địa chốt bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Hình ảnh và tư thế ngồi trao đổi tình hình chiến trận vội vã trong căn hầm dã chiến tạo nên một bố cục tự nhiên sinh động và chặt chẽ, đập vào mắt người họa sĩ. Ông ghi nhanh bối cảnh này. Bức ký họa hòan thành, ông rời căn hầm sang tiểu đội khác. Và khi ông vừa rời đi thì một lọat pháo kích từ sân bay Ái Tử dội tới, rót chính xác vào căn hầm. Tất cả những hình ảnh, dáng vóc, gương mặt chưa ráo mực trong tác phẩm của anh đã vĩnh viễn thành tro bụi…
Ông cũng nhớ như in gương mặt người chiến sĩ thông tin mà ông chưa kịp hỏi tên khi tới vẽ một đoạn chiến hào bị pháo kích. Trong giao thông hào, chỉ cần nhoi đầu lên là sẽ trúng phóc một quả đạn, ông ngồi đầu hầm vẽ, người lính trải dây ở bên trên. Một đợt pháo dội tới, người lính đẩy ông xuống hầm và lao xuống theo, bên ngoài pháo bắn dữ dội hất tung cặp vẽ cùng các bức ký họa, tranh vẽ và giấy mực của ông. Thấy vậy, người chiến sĩ thông tin quay ngược trở lại và ông thấy anh bất ngờ lao vọt lên nóc hầm ôm gọn mớ tài sản quý giá của ông rồi lộn một vòng lăn xuống. Ông hỏi người bạn cũng tầm tuổi mình: “Sao cậu liều thế?” “Đó là tài sản quý giá cả chuyến đi của anh” – người lính điềm nhiên trả lời.
Những gương mặt ấy, những con người ấy, cũng đều trạc tuổi ông thời đó. Trong khi ông là sinh viên mỹ thuật, thì họ cũng là sinh viên các trường đại học khác, Bách khoa, Tổng hợp, Mỏ địa chất… Những gương mặt sáng ngời thông minh trai trẻ, đã không bao giờ có thể nhìn lại mình trong những bức ký họa vội vàng của người bạn đồng hành…
Trong căn phòng triển lãm, bên cạnh những tác phẩm của mình, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu ghi dòng chữ: “Những con người này, vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại, nợ các anh tôi không thể trả. Thành tâm kính cẩn".
Và kỷ vật của một đời
Gia tài đồ sộ sau hai chuyến đi thực tế đó lên tới khoảng gần 400 bức vẽ. Vậy mà Phạm Ngọc Liệu cho biết, ông chưa bao giờ có ý định công bố. Hơn 40 năm nay, ông giữ chúng như những kỷ vật quý giá của đời mình. Khi trở về Hà Nội, nhìn lại những tác phẩm của mình, những gương mặt mình đã vẽ, ông cũng không hiểu vì sao mình sống sót. Cho rằng những người chiến sĩ, người dân nơi đây đã “phù hộ”, ông gìn giữ những bức ký họa của mình như những kỷ vật thiêng liêng.
Là trợ lý mỹ thuật ở Bộ Tư lệnh thông tin, nghỉ hưu đã hơn 20 năm, gia tài kỷ vật này theo ông từ ngôi nhà 9m2 dột và ẩm ở Kỳ Đồng, đến ngôi nhà tập thể ẩm thấp ở 58 Điện Biên Phủ, rồi bây giờ là Khu đô thị Văn Quán. Chỗ nào thì cặp đựng tranh của ông cũng được cất ở nơi cao ráo sạch sẽ nhất và thường xuyên được mang ra kiểm tra. Rất nhiều bức đã bị rách góc, ố vàng, nhòa mực.
Ý tưởng mang gia tài quý giá này ra công chúng sau hàng chục năm giữ cho riêng mình của ông được các họa sĩ trẻ ở một trại sáng tác vào năm 2008 “nghĩ ra” khi ông mang một số bức trong đó ra “khoe” với họ. Và sau đó, họa sĩ Trịnh Bá Quát đã đề nghị lên Tổng cục Chính trị, và khi Anh hùng quân đội - Thiếu tướng Lê Mã Lương được xem, ông đã rất xúc động nhận ra nhiều đoạn đường, nhiều cảnh huống ông đã từng trải qua. Không chỉ là những cảm xúc không thể nào quên, sưu tập ký họa của Phạm Ngọc Liệu còn là kho tư liệu vô cùng quý giá. Ký ức của một người sống sót từ chiến trường những năm tháng khốc liệt nhất, qua hàng trăm bức ký họa, trở thành một phần của lịch sử.
Theo ND