• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong 22,5 ngày

Thời sự 12/09/2018 06:16

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 11/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 22,5 ngày. Theo đó, xây dựng luật: 12 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 9 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10/2018 và dự kiến bế mạc vào 20/11/2018.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp xin được điều chỉnh theo hướng: Rút các nội dung là Dự án Luật Hành chính công; Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục hoàn thiện; Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do cơ quan trình không bảo đảm tiến độ chuẩn bị và Báo cáo kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội.

Bổ sung các báo cáo về Đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Tình hình thực hiện chính sách dân tộc năm 2018; việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; các dự án trọng điểm quốc gia (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu). Đồng thời, tiếp tục cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Về dự kiến chương trình chi tiết được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp. Trong đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 01 lần và tại hội trường 02 lần đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 01 ngày đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường về: các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ (trong đó kết hợp thảo luận các báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và các công trình trọng điểm quốc gia); công tác tư pháp; chất vấn và trả lời chất vấn

Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện nội dung kỳ họp, gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; chỉ đạo tiếp thu một số cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp như: giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường (tiến tới không trình bày); giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút xuống 5 phút; truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tổ về một số nội dung để nâng cao hiệu quả phiên họp này,...

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cân nhắc khi đề xuất rút ngắn thời gian trình bày văn bản, tiến tới không trình bày; giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường cũng như truyền hình trực tiếp các phiên họp tổ. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc trình bày báo cáo trước Quốc hội trong đó có trình bày báo cáo của các cơ quan của Quốc hội đã được luật định, đây là quy trình thủ tục cần thiết; việc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng không phù hợp, không bảo đảm chất lượng phát biểu của đại biểu Quốc hội, cùng với đó việc truyền hình trực tiếp phiên họp tổ cần nghiên cứu thêm có thực sự cần thiết và khả thi hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc cải tiến chất lượng hoạt động của Quốc hội lâu nay mới chỉ chú trọng đến việc cải tiến thời gian, trong khi đó còn có cải tiến để bảo đảm chất lượng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nhiều lần điểu chỉnh rút ngắn, trước đây là 20 phút rút xuống còn còn 10 phút và đến nay là 7 phút. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, nếu lại tiếp tục điều chỉnh rút ngắn còn 5 phút thì liệu có hợp lý trong khi các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết với bài phát biểu của mình, chuẩn bị kỹ lưỡng để phần phát biểu được đầy đủ lý giải hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sắp xếp nội dung về thảo luận tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thảo luận tại hội trường truyền hình trực tiếp; đồng thời làm việc với các cơ quan hữu quan trong việc đóng dấu mật vào văn bản, phải có danh mục nội dung mật và không thể hiện những nội dung mật trong tài liệu công khai để không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ được tiến hành vào chiều 22/10 và phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng mới vào ngày hôm sau../

Hà Giang        

NỔI BẬT TRANG CHỦ