(Tổ Quốc) - Chiều nay (1/10), Ủy ban Dân tộc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng chủ trì Hội nghị.
Thiết thực, hiệu quả các hoạt động VHTTDL và gia đình vùng dân tộc thiểu số
Trong 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 5299/CTPH-BVHTTDL-UBDT giữa Bộ VHTTDL và Ủy ban Dân tộc về "Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021", hai cơ quan đã phối hợp triển khai các hoạt động VHTTDL và gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cả hai bên đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực VHTTDL vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những định hướng quan trọng của Bộ Chính trị tại Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, Kết luận 76-KL/TW ngày 4/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Hai bên cũng đã tích cực phối hợp trong việc xây dựng dự án, đề án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc như: Đề án rà soát pháp luật về chính sách dân tộc, Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2021", Đề án "Tăng cường vai trò của người có uy tín".
Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các ban, bộ, ngành liên quan cùng các địa phương luân phiên tổ chức ngày hội, giao lưu văn VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung… Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức các sự kiện văn hóa thường xuyên nhằm tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động của các đồng bào dân tộc, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức các Hội nghị - Hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc thiểu số, qua đó đề xuất những giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh với những kết quả đạt được, cả hai cơ quan đều nhận thấy quá trình phối hợp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính gắn kết, hệ thống và tính tiếp nối; Hoạt động phối hợp chưa thực sự đi vào chiều sâu; Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa đẩy đủ dẫn đến chỉ đạo và điều hành thiếu thống nhất; Kinh phí dành cho công tác VHTTDL còn thấp…
"Trong dòng chảy của văn hóa không có văn hóa thấp cao, văn hóa nhỏ bé"
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2021 là năm mà các cấp, các ngành cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII bằng các chương trình hành động cụ thể. Theo đó, Bộ VHTTDL và Ủy ban Dân tộc đã chủ động rà soát, xây dựng chương trình hành động của ngành mình theo hướng phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp để nhân lên thế mạnh của mỗi bên nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn văn hóa.
Nhấn mạnh thông điệp "Nhìn lại để tiến xa hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc nhìn lại những kết quả trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua nhằm tìm ra giải pháp để thực hiện trong thời gian tới với một yêu cầu cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, trên tinh thần chủ động triển khai và có tính sáng tạo, lãnh đạo của hai ngành đã bám sát chương trình phối hợp để tổ chức các nhóm nhiệm vụ mà hai bên có thế mạnh. Theo đó, cả hai cơ quan đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện, bổ sung thiết chế, thể chế để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc và chăm lo phát triển văn hóa ở đồng bào dân tộc.
Khẳng định "Trong dòng chảy của văn hóa không có văn hóa thấp cao, văn hóa nhỏ bé", Bộ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn trân quý, giữa gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc anh em theo hướng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của 54 dân tộc. Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, cả hai ngành đã dày công, kiên nhẫn, bền bỉ và vượt khó để cụ thể hóa những quan điểm đó.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cả hai đơn vị đã góp phần sức lực của mình để cùng nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng đó là xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thành thị. "Nhân dân, đồng bào dân tộc chính là chủ thể để làm nên thắng lợi chương trình này, nếu không có chủ thể đó thì chương trình có hay đến mấy cũng chỉ tồn tại ở trụ sở của Ủy ban Dân tộc và Bộ VHTTDL" - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh về đặc điểm khó khăn của địa bàn triển khai các chương trình này đó là các vùng sâu vùng xa, vùng phên dậu của Tổ quốc, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, có những hoạt động chưa trở thành chiều sâu, có những mong muốn chưa trở thành hiện thực, hiệu quả mang lại chưa thực sự trở thành nền tảng, động lực.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, việc ký kết chương trình phối hợp ngày hôm nay chỉ là chương trình khung, còn nội dung cụ thể sẽ được giao kế hoạch hằng năm cho các cơ quan chuyên môn của hai bên. Cách làm này sẽ giúp cả hai bên luôn cập nhập, bổ sung các nội dung phối hợp sát với thực tiễn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bộ trưởng cũng đề nghị, ngay sau khi triển khai chương trình phối hợp, Bộ VHTTDL và Ủy ban Dân tộc sẽ gửi văn bản về các sở VHTTDL và ban Dân tộc của các địa phương để triển khai hội nghị như ở cấp Trung ương.
Đưa ra quan điểm trong năm đầu khi triển khai các hoạt động cần yêu cầu phải có sản phẩm, không quá tham những việc khi viết lên rất hay nhưng làm lại không có hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: "Cần tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, ví dụ, như vùng miền núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thì cần chọn địa phương nào để triển khai, chúng ta làm diện rộng nhưng cũng phải có điểm nhấn để tổng kết".
Về hướng tiếp cận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các cơ quan chuyên môn của hai bên tham mưu cho Lãnh đạo của Bộ mình theo nguyên tắc "Hỗ trợ cần câu chứ không phải xâu cá", cụ thể là trao cho đồng bào những kiến thức, kỹ năng để họ chủ động xây dựng phát triển và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Từ giá trị văn hóa đó gắn với phát triển du lịch cộng đồng, làm giàu ngay trên vùng đất quê hương của mình.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ cảm ơn những đóng góp quan trọng của Bộ VHTTDL và của ngành Văn hóa cả nước trong việc chăm lo đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Khẳng định, bên cạnh kinh tế, du lịch thì văn hóa đa dạng chính là yếu tố rất quan trọng với bạn bè 5 châu ấn tượng khi tới Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: "Ngành Văn hóa đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác dân tộc thời gian qua".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng thống nhất với các đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về việc ký chương trình khung sau đó sẽ có kế hoạch cụ thể hằng năm; ban hành văn bản để ngành văn hóa và cơ quan dân tộc tại địa phương có cơ sở để thực hiện hiệu quả hơn công tác này ở cơ sở.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025.
Theo nội dung ký kết, đối với nhiệm vụ thường xuyên, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện 7 nhiệm vụ; Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện 5 nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cả hai bên sẽ cùng phối hợp để xây dựng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; văn bản, đề án, dự án, chương trình về công tác dân tộc, VHTTDL và gia đình…
Đối với việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện 8 nhiệm vụ; Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện 7 nhiệm vụ./.