• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022-2026

Thời sự 24/03/2022 20:10

(Tổ Quốc) - Chiều (24/3), Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022- 2026.

Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022-2026 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhìn lại những kết quả Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Quốc phòng về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2017-2021.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trân trọng cảm ơn những định hướng, chỉ đạo, tình cảm và sự quan tâm đầy trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Quốc phòng dành cho ngành Thể thao thời gian qua.

Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022-2026 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chính lĩnh vực thể thao nghiệp vụ trong Quân đội đã đóng góp rất lớn cho thể thao thành tích cao.

Ghi nhận những đóng góp của Quân đội trong sự nghiệp phát triển thể thao nước nhà, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các vận động viên trong lực lượng Quân đội luôn nằm trong tốp đầu tại các giải đấu ở đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế. Qua đó, góp phần giúp thể thao nước nhà khẳng định được vị thế của mình.

Dẫn chứng từ thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016, Bộ trưởng cho rằng, chính lĩnh vực thể thao nghiệp vụ trong Quân đội đã đóng góp rất lớn cho thể thao thành tích cao. Đồng thời, từ thể thao thành tích cao, các đơn vị Quân đội cũng đã mở rộng ra phong trào thể thao quần chúng.

Về Chương trình phối hợp giữa hai Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là chương trình khung nhưng có các nhóm nhiệm vụ cụ thể và được giao trách nhiệm cho từng cơ quan.

"Khung là để chúng ta kịp thời điều chỉnh, còn nhiệm vụ cụ thể là để thực hiện. Sau khi hai Bộ ký kết, hàng năm, Tổng cục Thể dục thể thao và Cục Quân huấn cần phối hợp rà soát các nhiệm vụ để kịp thời điều chỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, Tổng cục Thể dục thể thao cần tích cực sử dụng nguồn lực để hỗ trợ phát triển thể thao trong lực lượng Quân đội, lấy cấp đại đội để tác nghiệp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, mục tiêu rất rộng của Chương trình này đó là phát triển tài năng thể thao trong lực lượng Quân đội, qua đó góp phần đưa thể thao Việt Nam từng bước đạt đỉnh cao trong khu vực, từng bước tiếp cận với châu lục và thế giới nhất là ở các bộ môn thế mạnh.

Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022-2026 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị.

"Mục tiêu đã có, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào?" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề, đồng thời mong muốn thông qua hệ thống điều hành của Quân đội, chế độ trong ngành, phong trào rèn luyện thể thao sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Về phía Bộ VHTTDL sẽ tích cực phối hợp, phát hiện, tuyển chọn những vận động viên tài năng trong Quân đội để đưa vào các đội tuyển bồi dưỡng, đào tạo và thi đấu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo hai Bộ, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2022-2026, phong trào thể dục thể thao trong Quân đội và Dân quân tự vệ sẽ đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện thể lực, hoạt động thể dục thể thao, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế về thể dục thể thao trong Quân đội và Dân quân tự vệ.

Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL quán triệt tốt các nội dung Chương trình phối hợp đã ký kết để triển khai thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục, thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ giai đoạn 2022-2026 - Ảnh 3.

Lãnh đạo hai Bộ chứng kiến Lễ ký kết Chương trình phối hợp.

Được biết, mục đích của Chương trình đó là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ VHTTDL để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp thể dục thể thao quốc gia.

Đồng thời, phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác thể dục, thể thao; đảm bảo chất lượng công tác thể dục, thể thao tại cơ sở; thống nhất nội dung, hình thức phối hợp từ Trung ương đến địa phương…

Có 7 nội dung phối hợp trong Chương trình gồm: Công tác tuyên truyền; Công tác huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao; Công tác thể thao thành tích cao; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thể dục, thể thao; Công tác nghiên cứu khoa học thể dục, thể thao; Cơ sở vật chất; Hợp tác quốc tế.

Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2024, hai Bộ sẽ phối hợp tổ chức sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm. Chương trình sẽ được tổng kết vào năm 2026./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ