(Tổ Quốc) -Những thành công ngoài sức tưởng tượng của đổi tuyển bóng bàn trẻ ở sân chơi Đông Nam Á đang mở ra một cánh cửa mới để bóng bàn Việt Nam bước ra châu lục.
Bóng bàn Việt Nam đang khiến người hâm mộ cả nước và Đông Nam Á sững sờ ! Điều đó là đúng với liên tiếp 3 chức vô địch gồm đơn nam, đôi nam, đôi nữ của các tuyển thủ bóng bàn trẻ tại sân chơi cao nhất Đông Nam Á. Đây là sự thành công ngoài mong đợi và cột mốc ấn tượng trong lịch sử của bóng bàn Việt Nam tại sân chơi Quốc tế. Có thể coi tấm HCV thứ 3 đơn nam của VĐV Nguyễn Anh Tú là sự giải tỏa cơn khát vàng suốt gần một thập kỷ của bóng bàn Việt Nam.
Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á lần thứ 10 – 2016 diễn ra tại Makassar (Indonesia) đã chứng kiến chiến thắng lịch sử của đoàn Việt Nam. Trong ngày thi đấu thứ 3, 4 tay vợt nam Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú, Đoàn Bá Tuấn Anh, Nguyễn Đức Tuân đã giành chiến thắng 3-2 trước Singapore, tổng cộng có được 3 trận thắng và đoạt chức vô địch nội dung đồng đội nam sớm 1 vòng đấu. Ngay sau đó 1 ngày, 4 tay vợt nữ Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Việt Linh, Nguyễn Thị Nga, Phan Hoàng Tường Giang cũng thi đấu đầy quả cảm, đánh bại chính đội tuyển Singapore để giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3-2. Cuối cùng là chức vô địch đơn nam xuất sắc của VĐV Nguyễn Anh Tú, đây là lần lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành liên tiếp 3 chức vô địch tại giải Đông Nam Á.
Đoàn Kiến Quốc - Một trong những danh thủ thuộc thế hệ vàng của bóng bàn Việt nam |
Sân chơi bóng bàn Đông Nam Á những năm trở lại đây, đặc biệt là SEA Games chứng kiến ưu thế của những VĐV nhập tịch. Đặc biệt là Singapore với chính sách sử dụng các VĐV nhập tịch của Trung Quốc nên luôn thống trị và giành hầu hết các HCV. Ngay trong trận chung kết nội dung đơn nam, đối thủ người Singapore của Nguyễn Anh Tú – tay vợt Poh Shao Feng Ethan cũng là người nhập tịch gốc Hoa. Điều này đã cho thấy việc lạm dụng cầu thủ bóng bàn nhập tịch để “kiếm vàng” của đất nước này.
Bóng bàn Việt Nam đã từng có một lịch sử đầy thăng trầm với đầy đủ các cung bậc cảm xúc: Đã từng đạt lên đỉnh cao nhất của Thế giới tại Asiad 1958 và cũng đã từng khủng khoảng toàn diện trong một thời gian dài. Năm 1993, sau một thời gian dài chậm chân trên đấu trường khu vực, tuyển Việt Nam trở lại SEA Games 17 với mục tiêu học hỏi và đã giành được chiếc huy chương vàng đồng đội nữ (Trần Thu Hà và Nhan Vị Quân). Năm 1995, 1997, 1999, 2001 và 2003, bóng bàn Việt Nam giữ chức vô địch đơn nam Đông Nam Á tại các kì SEA Games, với lứa vận động viên Vũ Mạnh Cường, Trần Tuấn Quỳnh. Năm 2004, khi Liên đoàn Bóng bàn Thế giới quyết định cấp cho vùng Đông Nam Á một suất tham dự Thế vận hội 2004 tại Athena, Đoàn Kiến Quốc đã xuất sắc vượt qua vòng loại khu vực để đặt chân lên đấu trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên đây là sân chơi quá tầm, Quốc đã thua ngay trận đầu tiên trước Yang Min (của Ý) 1-4.
Sau thế hệ năm 2004-2010 gồm những tay vợt “vàng” như Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải… với 4 kỳ vô địch liên tiếp vào các năm 2004, 2006, 2008, 2010, và chức vô địch đồng đội nữ vào năm 2010. Bóng bàn Việt Nam đã trải qua một thời kỳ dài khủng hoảng nội bộ và thiếu thốn tài năng. Chính vì vậy những thành công vang dội của đoàn bóng bàn trẻ Việt Nam tại Indonesia như khẳng định sự trở lại của bóng bàn Việt Nam tại sân chơi khu vực.
Với 3 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, đội tuyển bóng bàn Việt Nam xếp thứ 2 chung cuộc tại giải vô địch Đông Nam Á. Những thành tích này chắc chắn sẽ giúp các tay vợt Việt Nam có được sự tự tin cũng như sự chuẩn bị kĩ càng hơn cho SEA Games 29 diễn ra vào năm sau tại Malaysia, cũng như các Giải bóng bàn lớn trong khu vực và trên thế giới.
Đỗ Bảo – Đăng Huy