• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018) : Đồng bào các dân tộc hướng về Bác

14/05/2018 14:28

 (Cinet) – Hòa chung không khí cả nước hướng về kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), những ngày này, các địa phương trong cả nước nói chung, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực…

(Cinet) – Hòa chung không khí cả nước hướng về kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), những ngày này, các địa phương trong cả nước nói chung, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực…

Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt. Sự kiện lịch sử đầu tiên ghi nhận mối quan tâm và tình cảm của Bác đối với Tây Nguyên là bức thư của Người gửi Hội nghị Các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19/4/1946. Người Tây Nguyên mãi mãi không quên lời dạy của Bác: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Lời dạy của Người như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên thân yêu.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, hai tiếng Bác Hồ thật thiêng liêng và gần gũi. Trong tâm trí của đồng bào, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là già làng kính yêu nhất của tất cả buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ. Tin tưởng, hướng về Bác, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tấm lòng và sự quan tâm của Người đối với Tây Nguyên và ngược lại, tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào Tây nguyên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn sâu đậm mãi.

Các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới luôn tự hào khi được mang họ Bác Hồ. Ảnh: bienphong.com.vn

Đã trở thành truyền thống, cứ đến tháng 5 hàng năm tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng hay từ các địa phương về đều có một cảm xúc chung hướng về Bác.

Về tham gia các hoạt động tháng 5 tại Làng, chúng tôi vô cùng may mắn khi được gặp già làng Hồ Văn Hạnh người dân tộc Pa Cô (dân tộc mang họ Bác Hồ). Già làng Hồ Văn Hạnh hiện đang sinh sống tại xã Hồng Trung, huyện A lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chia sẻ với chúng tôi, già làng Hồ Văn Hạnh cho biết: “Về tham gia các hoạt động tại Ngôi nhà chung nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy rất vui và vinh dự. Đối với bản thân tôi, dù chưa một lần gặp Bác, nhưng trong tim tôi luôn lưu giữ hình ảnh về Người cha già kính yêu- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”.

Già làng Hồ Văn Hạnh cũng cho biết, năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào các dân tộc Pa Cô, huyện A lưới đã đồng loạt lấy họ Hồ làm họ cho chính mình. Và sau này, bao lớp thế hệ con cháu dân tộc Pa Cô sinh ra cũng đều mang họ Hồ. “Hàng năm hướng về kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng tôi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, xum họp làng bản… Bà con cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về Bác với đồng bào dân tộc, tấm lòng của đồng bào dân tộc đối với Bác”, già làng hào hứng chia sẻ.

Trong câu chuyện kể, già làng Hồ Văn Hạnh tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ khi nói với chúng tôi: "Được sống trong hoà bình, ấm no, bà con đồng bào dân tộc Pa Cô mang họ Bác Hồ càng bồi hồi xúc động khi nghĩ về Người. Từ trong sâu thẳm ký ức, người Pa Cô luôn tự dặn lòng mình, được mang họ Bác Hồ thì phải sống, chiến đấu, lao động và học tập thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…".

Già làng Hồ Văn Hạnh người dân tộc Pa Cô.

 Nhiều hoạt động hướng về Bác tại “Ngôi nhà chung”

Hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2018), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) diễn ra các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”.

Hoạt động có sự tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer thuộc các địa phương như: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng...; cùng sự tham gia của sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội; các nghệ nhân, tiểu thương của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam...

Chia sẻ về ý nghĩa của chủ đề tháng 5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu các Làng dân tộc, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Năm nay, chúng tôi cùng đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng thống nhất chọn chủ đề tháng 5 là “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” như những tình cảm giản dị mà chân thành, mộc mạc mà sâu lắng của Bác đã dành cho đồng bào và đồng bào hướng về Bác bằng trái tim của mình nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh nhật Người. Đây cùng là hoạt động góp phần thực hiện đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng việc làm, hoạt động cụ thể thiết thực của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại “Ngôi nhà chung”.

Nhiều hoạt động được tổ chức tại "Ngôi nhà chung" nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với chủ đề “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”, các hoạt động tháng 5 sẽ bao gồm: Trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc với điểm nhấn “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”; Triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”; Chương trình “Xúc cảm tháng 5 -Hoa sen nhớ Bác”. Cùng với việc tái hiện Lễ cưới của đồng bào RagLai tỉnh Ninh Thuận; Tái hiện Lễ cúng bến nước dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai; Tái hiện Lễ mừng nhà mới của dân tộc Chăm Bà La môn (tỉnh Ninh Thuận) và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ “Ngọn lửa cao nguyên” hay “Tình ca bến nước” do đồng bào 11 dân tộc đang sinh sống tại Làng, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và một số địa phương phối hợp thực hiện.

Trong số các hoạt động trên, điểm nhấn là hoạt động trưng bày, triển lãm hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc tại làng dân tộc Ê Đê. Tại đây, sẽ trưng bày, giới thiệu tư liệu, hiện vật, hình ảnh vật dụng sinh hoạt, những sáng tác văn học - nghệ thuật, câu chuyện, bài báo... về Bác Hồ. Đặc biệt, hình ảnh, câu chuyện Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khi chúng tôi triển khai việc sưu tầm để trưng bày, triển lãm tại Làng gặp được sự giúp đỡ, phối hợp của đồng bào và các địa phương, những tình cảm đó chúng tôi rất trân trọng, vì mọi người đều hướng về Bác và mong muốn những di sản, giá trị tinh thần của Người được tiếp nối, lan tỏa. Ngay tại Làng, 100% các làng có đồng bào dân tộc đang sinh sống đều có hình ảnh của Bác, nhiều làng thường xuyên giới thiệu các bài hát về Người và những câu chuyện về Người, đây thực sự là những tình cảm gần gũi nhất dâng lên Người. “Chúng tôi mong muốn sự lan tỏa, giao lưu giữa đồng bào và khách du lịch tại Làng sẽ là sinh động và thực tiễn hơn trong những ngày tháng 5 lịch sử này”, ông Sơn chia sẻ.

Tháng 5 nhớ Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Những ngày này hướng về Bác, các địa phương trong cả nước nói chung, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

 

 

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ