• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu (1957-2022): Kịch nói những năm đầu kháng chiến chống Pháp và việc thành lập tổ chức tiền thân của Hội

Văn hoá 07/05/2022 10:06

(Tổ Quốc) - Tài liệu lưu trữ cho ta biết, trước khi những Nhà văn Việt Nam viết kịch và dựng kịch, thì trong các Nhà thờ, và cả trường học của Pháp, kịch nói tiếng Pháp và cả tiếng Việt đã từng được dựng và diễn. Sau khi khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội 1911, những vở diễn đầu tiên là của Pháp, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch: Người bệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang.

Chén thuốc độc của Vũ Đình Long là vở kịch của người Việt được diễn đầu tiên trong nhà hát Tây này.100 năm qua, như được cắm vào một mảnh đất màu mỡ về lịch sử và văn hóa, kịch nói thành một thể loại nghệ thuật chuyên chở được nhiều nhất hình bóng các sự kiện và con người Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử. Khó tìm thấy những thời kỳ lịch sử nào, những nhân vật lịch sử lớn nào chưa được đưa lên sàn diễn kịch nói. Còn bao nhiêu cảnh ngộ, con người thuộc mọi đẳng cấp trong từng thời kỳ dựng và giữ nước cũng từng làm mê say nhiều thế hệ người xem.Chính đặc điểm lợi hại này, mà trong chiến tranh và cách mạng, kịch nói, cùng một số loại hình văn học nghệ thuật khác đã trở thành và trưởng thành nhanh chóng để phục vụ những đòi hỏi của cuộc sống và xã hội mỗi thời kỳ.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu (7/5/1957 - 2022): Kịch nói những năm đầu kháng chiến chống Pháp và việc thành lập tổ chức tiền thân của Hội - Ảnh 1.

Tác giả Vũ Đình Long (đeo kính, ngoài cùng bên trái). (Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp/vtv.vn)

Hồi ký Những chặng đường sân khấu ( Nxb Sân Khấu – 1995 ) của Nghệ sĩ nhân dân Song Kim, con chim đầu đàn của nền sân khấu Việt Nam hiện đại, đã ghi lại những bước đầu của sân khấu kịch nói Việt Nam. Sau những buổi diễn đầu tiên, ở nhiều thành phố đã xuất hiện nhiều nhóm kịch, với kịch bản của các tác giả Việt Nam. Buổi đầu, lý do tổ chức các buổi kịch thường xuất phát từ các hoạt động từ thiện, nhằm quyên góp cứu trợ những đối tượng khó khăn, khi bão lụt hay tai nạn. Các buổi tập cũng không đơn giản, khi tác giả và người dàn cảnh ( chưa có khái niệm Đạo diễn ), và các diễn viên không dễ tìm được tiếng nói chung. Vở kịch đầu tiên bà tham gia là Con hoang của thời đại của Vũ Trọng Can, của một nhóm kịch, khi dàn dựng đã gặp sự bất đồng gay gắt giữa tác giả với Nhóm trưởng kiêm dàn cảnh, nên tan rã. Mãi tới khi nhóm kịch Tinh hoa ra đời cùng với tờ báo cùng tên, thì việc dựng và tổ chức diễn kịch mới có một bước chuyển mới. Giã từ thời kỳ làm kịch vì việc nghĩa, đồng thời với việc xin sự chiếu cố của người xem khi nghệ thuật viết kịch cũng như diễn viên còn nghiệp dư. Cũng trên những banderol chăng ngang các phố, địa điểm diễn Nhà hát Tây đã được thay bằng tên Nhà hát Lớn.

Các vở Sau cuộc khiêu vũ, Ghen, kịch bản của Đoàn Phú Tứ, do Thế Lữ đạo diễn, cả hai cũng có vai diễn trong kịch, đã để lại ấn tượng sâu đậm về nghệ thuật kịch nói. NSND Song Kim viết : Một điều nữa tôi nhận được là kịch nói trong nó có cái hay cái đẹp về nhiều mặt, chẳng thua kém gì tuồng, chèo, cải lương. Trước kia tuy cũng thấy kịch là một cái gì tiến bộ và có tiền đồ trong ngành sân khấu, nhưng chỉ mới thấy giá trị của nó ở lối diễn tả chân thực "lột tinh thần",đó là một yêu cầu dễ đạt, cứ thông minh, hoạt bát là đạt được, nên dù có ham chuộng người ta cũng không bị nó làm cho say mê. Tới kịch Tinh hoa đã cho tôi một nhận thức mới. Kịch nói chỉ nói chứ không hát, nhưng lời kịch không hẳn là lời nói thông thường ngoài đời, cách nói lời kịch có sự nhịp nhàng, uyển chuyển với những cung bậc khác nhau. Diễn viên kịch nói không múa, cử chỉ không uốn theo nhạc điệu, nhưng dáng điệu đi đứng cùng với mọi hành động cần đạt tới những đường nét, màu sắc hài hòa. Tất cả không phải tùy tiện, ngẫu nhiên, mà phải do một chủ ý cấu tạo, có cân nhắc. "Người diễn viên kịch nói phải có khiếu thẩm âm chẳng kém gì nhạc sĩ, phải có khiếu thẩm mỹ chẳng kém gì họa sĩ, nhà điêu khắc". Câu nói ấy tôi có nghe nhà đạo diễn (Thế Lữ ) nhắc đến nhiều lần, trang trọng như những câu ngạn ngữ… ngày ấy đối với tôi còn huyền bí, xa vời, nhưng càng về sau, tôi càng thấy đầy đủ ý nghĩa. Nhưng ban kịch Tinh hoa tan rã, Vị chủ tướng trẻ của Thơ mới, vẫn say sưa với kịch, chọn Hải Phòng một nơi năng động làm cơ sở tiếp tục niềm đam mê sân khấu. Ông lại tiếp tục chiêu mộ bạn bè, dựng và đưa nhóm 4 vở kịch Những bức thư tình, Mơ hoa, Gái không chồng, Kiều Liên lên diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội để hồi sinh nhóm Tinh hoa.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu (7/5/1957 - 2022): Kịch nói những năm đầu kháng chiến chống Pháp và việc thành lập tổ chức tiền thân của Hội - Ảnh 2.

Chén thuốc độc - vở kịch thoại đầu tiên của Việt Nam (ảnh vtv.vn)

Năm 1938, Mặt trận Bình dân thắng thế ở Pháp. Báo Tin tức của những người Cộng sản ra công khai. Để tập dượt việc tổ chức vận động quần chúng, đã tìm tới nhóm kịch khi đang dựng vở Ông ký cóp của Vi Huyền Đắc. Người đại diện của báo là Đào Duy Kỳ, với sự gợi ý của Như Phong, Nguyên Hồng. Sau thành công của sự kết hợp này, Nhà cách mạng Đào Duy Kỳ còn tiếp tục đề nghị phối hợp tổ chức diễn vở Lọ vàng ( Mai Phương phóng tác ). Nhưng sang những năm 1940, khi Đại chiến thứ 2 bùng nổ, Mặt trận Bình dân Pháp thoái trào, ở thuộc địa, thực dân thẳng tay đàn áp, mọi quyền tự do được nới lỏng một thời bị xóa bỏ. Mạng lưới kiểm duyệt với hoạt động báo chí- văn nghệ xiết chặt. Mọi hình thức tổ chức bị theo dõi, cấm đoán. Ban kịch Thế Lữ tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều ngành nghệ thuật, với một dàn kịch mục đặc sắc: Kim tiền, Ông Ký cóp, Tục lụy, Kinh Kha, Lệ Chi viên, Ghen, Khóc lên tiếng cười, Đồng bệnh của các tác giả Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Mai Phương, Khái Hưng, Bùi Huy Phồn…Dàn diễn viên gồm những người có thể đảm nhận nhiều vai: Lê Đại Thanh, Huyền Kiêu, Linh Tâm, Mai Lâm, Tú Mỡ, Huyền Cân, Giáng Kiều, Kỳ Ngung, Phương Khanh, Kim Bình, Văn Chung, Việt Hồng, Nguyễn Tuân, Phạm Hồng, và dĩ nhiên có cả Song Kim và Thế Lữ. Có hẳn một Ban gây quỹ gồm Phạm Văn Đôn, Trịnh Như Lương, Phạm Văn Khoa, Trần Đình Thọ, Thế Lữ. Nhưng trước sự o ép ngặt nghèo của hệ thống kiểm duyệt, hơn thế họ còn bắt diễn những vở có nội dung ca ngợi bọn thực dân, Ban kịch Thế Lữ lặng lẽ giải tán.

Cuối 1943, kiến trúc sư Võ Đức Diên, một người có tài kinh doanh, đã mời Thế Lữ về lập một ban kịch. Về kinh tế, Võ Đức Diên lo. Thế Lữ hoàn toàn chủ động về mặt nghệ thuật, kể cả nhân sự. Thế là hầu hết nhân sự Ban kịch Thế Lữ họp mặt dưới một tên mới: Ban kịch Anh Vũ. Chính là trong quá trình hoạt động, Ban kịch đã có dịp dựng những vở kịch nói, nhưng có sự tham gia của các nghệ sĩ Cải lương ( Sĩ Tiến, Khánh Hợi, các diễn viên Ban Đồng Ấu, và sau này còn diễn với các nghệ sĩ Tuồng gạo cội (Nguyễn Nho Túy- Đội Tảo, Ngô Thị Liễu, Minh Đức… ) như một bước tìm sự hòa hợp của kịch nói với sân khấu truyền thống dân tộc. Và đã có những vở diễn thành công.

Sang đầu 1945, để tránh sự theo dõi và khủng bố của bọn Nhật, Đoàn đi diễn ở các tỉnh. Đoàn từng dừng lại ở Phủ Lý, Thái Bình, Nam Định. Chuyến đi này, với các nghệ sĩ như Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Văn Đôn, Bùi Công kỳ, Sỹ Tiến… còn là dịp giải thoát khỏi nỗi buồn u uất, tù túng, tìm cho tâm hồn và tác phẩm những âm thanh, màu sắc mới. Đoàn gặp Cách mạng tháng 8-1945, khi đang diễn ở Thanh Hóa. Hòa vào niềm vui lớn của dân tộc, nhiều tiết mục ứng tác được kịp thời sáng tác và dàn dựng.. Đây là cơ hội được mở lòng ngợi ca những anh hùng dân tộc, chống ngoại xâm qua nhiều triều đại: Những trang oanh liệt, Đề Thám….. Đoàn tiếp tục đi diễn ở Vinh, Huế, Quảng Ngãi, rồi tới Quy Nhơn thì phải quay về, vì Nam Bộ đã bắt đầu nổ ra chiến sự. Trên đường trở ra, đoàn tiếp tục diễn lại những tiết mục mới ở những địa điểm cũ. Trên đường về Hà Nội, khi không khí kháng chiến đã sôi động, đoàn Anh Vũ tự động giải tán.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu (7/5/1957 - 2022): Kịch nói những năm đầu kháng chiến chống Pháp và việc thành lập tổ chức tiền thân của Hội - Ảnh 3.

Trích đoạn vở kịch Vũ Như Tô tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam

Chúng ta đều biết, tháng 4 năm 1943, Hội Văn hóa Cứu quốc do Đảng ta lập ra, với sự có mặt của một số Nhà văn hóa còn trẻ lúc bấy giờ: Học Phi ( Chủ tịch ), các thành viên: Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới,… với sự chỉ đạo của các cán bộ Đảng : Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Uy…Trước đó, tháng 2-1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã công bố Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, phác thảo những nét chính của nền văn hóa Việt Nam tương lai, với 3 định hướng Dân tộc hóa- Khoa học hóa- Đại chúng hóa. Ngay từ những buổi đầu đó, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu: Văn hóa khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng có tác động như một sức mạnh vật chất.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tháng 11-1946, Người nhấn mạnh : Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi…. Tôi mong chúng ta đem Văn hóa lãnh đạo Quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ ( Theo báo Cứu Quốc số 416 ngày 25-11-1946 ).

Những lời đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức động viên và soi đường cho Văn nghệ sĩ trí thức nước ta. Những ngày đầu Cách mạng, đặc biệt trước và sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, một số ban kịch đã diễn, không chỉ ở Nhà hát Lớn :Ban kịch tháng Tám của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ban kịch dựng Kiều Loan của Hoàng Cầm…Toàn quốc kháng chiến, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ đã lên các chiến khu, tham gia chống giặc. Điều đặc biệt là các nhóm kịch lại là nơi tập hợp nhiều văn nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật cùng đi biểu diễn để phục vụ kháng chiến.

Non một năm sau, ngày 3-10-1947, một số văn nghệ sĩ đã họp ở Đại Từ- Thái Nguyên bàn việc thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam, có bầu một Ban chấp hành lâm thời để xúc tiến các công việc.

Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tại xá Đào Giã- Thanh Ba- Phú Thọ họp trong 5 ngày từ 16-20/7/1948. Chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Đại hội nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Hội trưởng: Đặng Thai Mai. Tổng thư ký: Hoài Thanh. Đại biểu nghệ thuật kịch: Thế Lữ.

Trong 3 ngày, từ 23-25 /7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc họp, chính thức thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam. BCH có đại biểu các ngành VHNT, Ngành sân khấu là Thế Lữ. Tổng thư ký Hội là nhà văn Nguyễn Tuân.

Cũng trong Hội nghị này, Đoàn Sân khấu Việt Nam được thành lập (cùng Đoàn Nhạc sĩ, Đoàn Kiến trúc sư) với Thường vụ gồm: Thế Lữ- Đoàn Phú Tứ-Phạm Văn Khoa.

Trong Văn nghệ số 6 tháng 10-1948, Đoàn Phú Tứ có bài Sân khấu mới, với những ý tưởng gợi mở : "Sân khấu Việt Nam đương trải qua cuộc thử lửa của kháng chiến. Nó đã rũ hết nước sơn hào nhoáng, và đồng thời phủi sạch bụi mốc, nó đang dằn lòng chịu thô kệch một thời gian, để rồi tự nó sẽ "lên nước" dần dần, dưới sự vuốt ve trau chuốt của những bàn tay âu yếm".

Sân khấu giản dị theo nhà thơ, chỉ là nơi kể câu chuyện về CON NGƯỜI & CUỘC ĐỜI: "Mọi lễ nghi hủ bại đã bị xóa bỏ, chỉ còn có một bên là sự chân thành của tác giả, và một bên là lòng khẩn thiết của công chúng. Khi đôi bên đã tới chỗ chí thành, chí thiết thì, bất chấp cả sự nghèo nàn của phương tiện, nghệ thuật tới được chỗ tận mỹ, tận thiện…

Những người Việt Nam yêu kịch, và có ý thức về tình trạng đó thường mơ tưởng dựng nên một SÂN KHẤU NHỎ, một RẠP KỊCH THÍ NGHIỆM, một RẠP KỊCH BỎ TÚI để nắn lại cái quan niệm sân khấu nghiêng lệch kia, để cho kịch có thể bắt nguồn vào sự sống thực. ( Đoàn Phú Tứ )

Chính hoàn cảnh kháng chiến đã đưa kịch về gần với công chúng rộng rãi. Ở đó có rất nhiều công sức, tâm huyết của những con người tài hoa đa dạng đã giành cho bộ môn nghệ thuật mà hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm du nhập vào nước ta.

Vẫn trong Hồi ký của NSND Song Kim, bà dành hẳn một chương để kể về Một màn kịch diễn ngoài trời: Đề Thám xuất quân. Năm 1948, Đoàn Sân khấu Việt Nam được thành lập với sự bảo trợ của Hội Văn nghệ Việt Nam. Mùa hè năm đó, nhân Quân khu 10 mở Đại hội tập nhằm điểm duyệt và biểu dương lực lượng vũ trang của ta, cũng là dịp cổ vũ tinh thần cho nhân dân, Thế Lữ được giao nhiệm vụ tổ chức một tối kịch trong dịp này. Mừng lớn, nhưng lo thật nhiều. Khi nhà thơ chưa tìm ra nội dung, thì nhà thơ Thanh Tịnh vừa đi công tác Hoàng Su Phì về, nghe tin đã có ngay gợi ý: Chẳng là nhiều năm diễn Đề Thám, kịch 5 màn của Thế Lữ- Lưu Quang Thuận- Phùng Hàng, ông từng mơ có ngày mang về diễn ngay ngoài trời, trên đất Yên Thế, trong một đại hội mừng công, với hàng trăm nhân vật. Vấn đề còn lại là Thế Lữ phải viết gọn lại một màn. Thuyết phục được cả đơn vị quân đội tham gia đóng kịch và tổ chức buổi diễn. Sân khấu là một sườn đồi ở Vĩnh Trân, giống vùng đồi Yên Thế.

Cuối cùng vở kịch diễn ra khá suôn sẻ, khán giả đông đúc, bộ đội và đồng bào thuộc nhiều dân tộc đã có hơn một tiếng đồng hồ như sống thật trong một buổi lễ xuất quân. Sau buổi đó, vở còn được diễn hai dịp nữa, nhưng quy mô, bề thế không thể sánh với đêm diễn huyền thoại khó quên. Có lẽ đây là tác phẩm nghệ thuật Thực diễn - như từ ngày nay vẫn gọi- đầu tiên ở nước ta.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu (7/5/1957 - 2022): Kịch nói những năm đầu kháng chiến chống Pháp và việc thành lập tổ chức tiền thân của Hội - Ảnh 4.

Trích đoạn vở kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Điều đáng lưu ý, Nhà thơ Thế Lữ, vốn là một người kỹ tính, thận trọng và cầu toàn trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Nhưng hoàn cảnh thực tế, trước cách mạng cũng như trong kháng chiến, vô cùng thiếu thốn về nhiều phương diện, lại do nhu cầu đáp ứng kịp thời nhiều yêu cầu cấp bách, nên trong rất nhiều hoàn cảnh và thời điểm, ông đã phải chấp nhận những sản phẩm không hoàn thiện. Công chúng tiếp nhận luôn hiểu và đồng cảm với các nghệ sĩ đã đồng hành cùng nhân dân trong mấy cuộc kháng chiến lâu dài.Những tác phẩm không toàn bích đó có niềm vinh dự vô song đã trực tiếp góp phần động viên tinh thần quân dân làm nên chiến thắng.

Một sự kiện đáng chú ý, là đoàn kịch lưu động do các nghệ sĩ tên tuổi lưu diễn khắp các vùng quê kháng chiến, đến hồi gần như cạn nguồn kinh phí, theo gợi ý của Đồng chí Trần Độ, cả Đoàn được gia nhập Quân đội với tên Đoàn kịch Chiến thắng. Từ đó, Đoàn đã có dịp đem nhiều vở kịch của mình đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở nhiều chiến dịch, nhiều vùng căn cứ kháng chiến.

Trong những tác giả kịch kháng chiến, có một nhà văn đặc biệt là Nam Cao. Ông là nhà văn hiện thực với nhiều truyện và tiểu thuyết nổi tiếng. Nhà văn từng tham gia lập Hội Văn hóa Cứu quốc. Vở kịch Đóng góp là tác phẩm cuối cùng nhà văn gửi lại cho đời. Hàng trăm văn nghệ sĩ đã hy sinh trong mấy cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc cũng đã nêu cho chúng ta những bài học làm người.

Ngước nhìn lại lịch sử 100 của kịch nói, nhớ đến những vở kịch thành công, chúng ta đều thấy đó là sản phẩm sáng tạo của những con người tài hoa; Bằng tâm huyết, sự trải nghiệm, họ đã cho ra cho đời biết bao nhiêu con người có số phận đáng thương, đáng quý, đáng ước mơ. Đến lượt, hàng trăm, hàng ngàn nghệ sĩ tài hoa nhiều thế hệ, nhờ hóa thân thành công các nhân vật ấy, mà làm cho cuộc đời mình có hương, có sắc, có ý nghĩa. Sân khấu kịch nói được tôn trọng, được yêu thích, vì trong một quầng ánh sáng và không gian giới hạn , nó đã cho công chúng được tiếp cận rất gần nhiều những số phận, những nhân vật mà người xem Ao ước được trở thành, được làm quen, được chung sống. Những vở kịch nói nhiều đời nay nằm trong mơ ước của nhiều người tài hoa đa dạng muốn thể hiện hết những xung lực sáng tạo tiềm ẩn của mình : Văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc…trong một vở diễn. Cứ nhớ đến những Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thâm Tâm, Hoàng Cầm,Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Lộng Chương, Lưu Quang Vũ, Tất Đạt, Xuân Trình, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Phục, Xuân Đức, Chu Lai v.v…là ta thấy những con người đa tài ấy đã dành cho kịch nói một sự tôn quý và trân trọng như thế nào.

Đến lượt những tác phẩm xuất sắc ấy cũng đã biến họ thành những mẫu hình mà những người đến sau, cả văn nghệ sĩ ,và công chúng Ao ước trở thành.

4-2022

Nhà văn Ngô Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ