Kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam
Thực hiện: Nam Nguyễn | 15/03/2023
(Tổ Quốc) - Sáng 15/3, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023)
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023), sáng 15/3, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023).
Tới dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đại diện Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam...
Tham dự buổi lễ còn có các nhà điện ảnh lão thành, NSND, diễn viên, đạo diễn gạo cội và đại diện các thế hệ người làm công tác điện ảnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc buổi lễ.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: "Kể từ dấu mốc lịch sử - ngày 15.3.1953 ấy, ngành Điện ảnh Việt Nam sinh ra từ Cách mạng, phụng sự lý tưởng của Đảng và gắn bó mật thiết với Nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn trên thế giới, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người".
Có thể nói, lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian chiến tranh, bám sát mũi nhọn của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, điện ảnh tài liệu đã thực hiện hàng nghìn bộ phim thời sự, phóng sự và tài liệu có giá trị hiện thực sâu sắc về cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta, thức tỉnh nhân dân thế giới xuống đường ủng hộ Việt Nam kháng chiến.
"Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, trong đó có điện ảnh. Với mục tiêu xây dựng Điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, để góp phần tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên tinh thần quán triệt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng." - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ôn lại những thành tựu điện ảnh cách mạng Việt Nam 70 năm qua.
Tại buổi lễ, các nghệ sĩ, nhà hoạt động nghệ thuật đã ôn lại những kỷ niệm ngày đầu của ngành điện ảnh non trẻ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tặng hoa cho NSND Trà Giang. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang đã bày tỏ cảm xúc khi nhớ lại thời kỳ điện ảnh Việt Nam còn non trẻ nhưng đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Các thế hệ diễn viên, đạo diễn đã cống hiến hết mình cho nền điện ảnh nước nhà, mang đến cho khán giả những thước phim mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc.
Bà Lý Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh tặng hoa Đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng.
Chương trình biểu diễn văn nghệ trình diễn các bài hát nổi tiếng được sử dụng trong các bộ phim như “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Đất phương Nam”…
Ngày 15-3-1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyễn ATK chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Trước đó, từ năm 1947, trong hoàn cảnh giặc Pháp vây hãm, truy lùng, các nhà điện ảnh đã có những hoạt động tác nghiệp tại khu 8 Bưng Biền - Nam Bộ và sang năm 1948 cho ra đời bộ phim tài liệu đầu tiên “Trận Mộc Hóa" do nhà diện ảnh Mai Lộc đạo diễn. Năm 1951, đạo diễn Mai Lộc và một nhóm các nhà quay phim đã từ Nam Bộ ra Việt Bắc để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng điện ảnh mà Sắc lệnh 147/SL của Bác Hồ ký 2 năm sau (1953) đã hiện thực hóa khát vọng của các nhà điện ảnh cách mạng.
Từ sau mốc thời gian lịch sử đó, đến nay Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua chặng đường dài 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã hết lòng phụng sự lý tưởng của Đảng và lợi ích của dân tộc, góp phần tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ điện ảnh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để lại hình ảnh sáng ngời về người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng.
Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng và có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà; từng bước xác lập được vị thế trong đời sống văn học - nghệ thuật đất nước và tạo nên vị thế của Điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế về một nền điện ảnh tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Ngành Điện ảnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý cho Ngành và cho rất nhiều các đơn vị điện ảnh trên cả nước như: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất; Huân chương Chiến công; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba; Danh hiệu Anh hùng lao động; Cờ Thi đua của Chính phủ… Các danh hiệu NSND, NSƯT, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được Nhà nước trao tặng nhiều nghệ sĩ điện ảnh, nhiều tác phẩm điện ảnh, từ thế hệ các nghệ sĩ lão thành cách mạng thuộc Điện ảnh Bưng Biền-Nam Bộ, Điện ảnh Đồi Cọ Việt Bắc, đến thế hệ các nghệ sĩ điện ảnh trên chiến trường chống Mỹ cứu nước, tới thế hệ nhiều nghệ sĩ trong thời kỳ xây dựng đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.