• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y của dân tộc

Sức khỏe 26/02/2018 16:44

(Tổ Quốc) - Nhắc đến bộ sách thuốc quí giá có một không hai của kho tàng y học cổ truyền của dân tộc không thể không nhắc đến bậc Đại danh y Lê Hữu Trác với bộ sách “ Y tông tâm lĩnh”.

Trong bầu trời y học Việt Nam trải mấy ngàn năm qua, bên cạnh Đại danh y Tuệ Tĩnh, còn có một ngôi sao sáng mà mỗi khi nhắc đến tên tuổi ông, chúng ta không thể nào quên bộ sách thuốc quí giá có một không hai của kho tàng y học cổ truyền của dân tộc: đó là bậc Đại danh y Lê Hữu Trác với bộ sách “ Y tông tâm lĩnh”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh, em của ông) đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều Vua Lê - Chúa Trịnh. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng có lẽ do 2 chữ đầu tiên của tên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) ghép lại?, nhưng cũng lại có thể do chữ Bầu Thượng là quê mẹ và là nơi ông ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi cho đến khi mất). Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn Ông, nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy với ông: lười ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ, cần mẫn đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791)

Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường. Năm 19 tuổi, cha ông mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ và theo nghiệp kiếm cung. Nhưng rồi nhận thấy đây là công việc không hợp với ý mình nên chỉ vài năm sau, nghe tin người anh cả mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng 2-3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc, thi đỗ Cử nhân rồi ở nhà làm thuốc rất được nhân dân trong vùng tín nhiệm. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi hẳn bệnh. Cũng phải nói thêm rằng trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc, phần lớn ông đều hiểu thấu. Thầy thuốc Trần Độc rất lấy làm lạ và đã có ý muốn truyền đạt nghề mình lại cho ông. Ở tuổi 30, khi sức khoẻ đã mạnh trở lại, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới vời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và sau đó ông mới quyết chí học nghề thuốc. Lê Hữu Trác viết: “... Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được.” Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Ông tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài tiếc từng giây, từng phút, từng tháng, từng năm.... Và cũng từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu cho mình là Hải Thượng Lãn Ông.

Vì nơi ở của Hải Thượng rất hẻo lánh, xa đất Kinh kỳ, trên không có thầy giỏi để theo học, dưới cũng chẵng có bạn hiền giúp cho, nên phần nhiều ông phải tự học là chính. Để việc học hành có kết quả hơn, Hải Thượng đã làm bạn với một thầy thuốc nữa cũng họ Trần ở làng Đỗ Xá gần làng Tĩnh Diệm để mà cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm, y lý cũng như kiến thức thu thập được trong khi đọc sách. Do kiến thức rộng, chẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp rất khó, mà nhiều thầy thuốc khác chữa mãi không khỏi, tên tuổi Hải Thượng vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, ra tới tận Kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra, ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học thuật và kinh nghiệm lẫn nhau.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách, vì ông nghĩ: “Tôi thấy y lý bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc. Bộ sách “Y tông tâm lĩnh” (nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước), được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong vòng gần 10 năm trời, bắt đầu vào lúc ông đã 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông tròn 50 tuổi (1770). Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập nữa như “ Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783), “Vận khí bí điển” (năm 1786). Toàn bộ sách Hải Thượng để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm: Lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v.. Một điểm đặc sắc đầu tiên nổi bật của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” là Hải Thượng Lãn Ông đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc  nhiều tinh hoa y học nước ngoài rồi vận dụng những kiến thức cơ bản ấy vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và cả cách suy nghĩ của con người Việt Nam. Trong đó có cả các lí luận cơ bản của nền y học Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh và học thuật của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động trong vùng, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt Nam ta.

Sách viết công phu như vậy nhưng cho đến khi Hải Thượng đã 61 tuổi, khi ông được mời lên Kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho Chúa Trịnh Cán (năm 1781), sách vẫn chỉ được ông dùng để dạy học là chính và được các học trò của mình chép lại, chứ chưa được in ra. Cho nên, mặc dù thấy việc phải lên Kinh đô chữa bệnh cho Chúa Trịnh lần này làm phiền phức, nhưng Hải Thượng muốn nhân dịp này tìm cách in bộ sách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cuốn sách chưa được in dịp này. Nhưng dù sao trong chuyến đi này, Hải Thượng cũng đã thực sự vui mừng vì biết rằng các sách thuốc mà ông viết ra không những đã được các học trò của ông sử dụng tại chỗ, mà còn được đưa đi khắp các nơi, kể cả Kinh thành Thăng Long, đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho tên tuổi của ông. 

 

Quần thể tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Phải hơn một thế kỷ sau, đến năm đầu tiên hiệu Hàm Nghi (1885) thì bộ sách thuốc “Y tông tâm Lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông lần đầu tiên mới được in ra. Từ đó đến nay, bộ sách thuốc có một không hai này luôn là “cẩm nang y lý và y thuật” cực kỳ quí giá, ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay tên tuổi và sự nghiệp y học - nhất là đạo đức, quan niệm chữa bệnh, cứu người - của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vẫn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ thầy thuốc chúng ta học tập và noi theo. Để ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của ông đối với nền y học nước nhà, ngày 31 tháng 10 năm 2003, Bộ Y Tế đã quyết định phê chuẩn Dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông (đã được Bộ Văn hoá, Thông tin xếp hạng từ năm 1990). Công trình này được khởi công ngày 21 tháng 11 năm 2004. Đến nay các hạng mục công trình đã được hoàn thành, xây dựng rất khang trang, đẹp đẽ và đưa vào sử dụng để đón các đoàn khách đến tham quan. Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (tại Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là nơi tham quan hấp dẫn, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi giáo dục truyền thống & đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời đây là nơi giao lưu các giá trị văn hoá của mảnh đất, con người Hương Sơn với bạn bè gần xa. Mảnh đất này là nơi ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình và cống hiến cho đời một kho tàng các trị y học cổ truyền rất có giá trị, mà muôn đời các thế hệ mai sau ngưỡng mộ. Ngày 21/2/2016, huyện Hương Sơn đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 225 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông) tại một vùng quê rất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng - vùng quê địa linh nhân kiệt Nghệ -Tĩnh./..

Ths. Nguyễn Hữu Giới

NỔI BẬT TRANG CHỦ