 |
Cây Bồ đề |
Hỏi chuyện một vài người từng đi Ấn, rồi vào mạng điện tử tra cứu tôi thấy ngại càng thêm ngại. Nào là bên ấy khí hậu khắc nghiệt, một ngày như có mấy mùa, áo phải bận nhiều lớp để lúc nóng cởi ra, lạnh lại mặc vào. Nào là đồ ăn thức uống rất khó dùng, lại mất vệ sinh. Mua bán nói thách lung tung, trộm cắp vặt khá nhiều ra đường chỉ nên mang đủ tiền cần tiêu… Cũng phải mất ngủ một hai đêm tôi mới quyết định đi. Tôi biết đây là dịp hiếm có cho một chuyến du lịch văn hóa. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ được đến khu lăng mộ Taj Mahan, kỳ quan thế giới, được đến sông Hằng kỳ bí, đến Gaya đất Phật nơi có cây Bồ đề phật Thích ca từng ngồi ngộ đạo. Mấy chị, mấy cô trong cơ quan nghe loáng thoáng tôi sắp đi đất Phật đã nhắm nhe nhờ xin mấy lá Bồ đề. Cô Thanh Thúy làm ở sứ quán Việt Nam bên Ấn Độ có thời cùng học ở Nga với tôi gửi thư điện tử về khích lệ: “Ôi mấy ông anh này già hết rồi! Cứ sang đi, có em ở bên này còn lo gì”.
Nếu có đường bay thẳng thì từ Hà Nội tới Niu Đêli chỉ mất hơn bốn giờ bay. Chắc một hai năm nữa sẽ có! Còn bây giờ chúng tôi phải vạ vật quá cảnh ở sân bay Băng Cốc bảy tiếng đồng hồ. Vậy là cả bay lẫn chờ mất mười hai tiếng. Đến Niu Đêli đã hơn 11 giờ đêm. Mệt mỏi, ngao ngán, chúng tôi nhìn hàng người dài, lâu lâu mới lại hơi nhúc nhích, tiến đến cửa nhập cảnh. Mọi thứ dịch vụ bên này đều chậm, điều này cô Thanh Thúy đã nói trước. Chậm nhưng không phải đã chu đáo. Một điều chắc là rất hi hữu đã xảy ra với chúng tôi. Không hiểu sao viên cảnh sát cửa khẩu lại quên đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của một người trong đoàn, một vị giáo sư khả kính mà chúng tôi tôn làm trưởng đoàn. Thành ra khi về gặp rắc rối (có nhập cảnh vào đâu mà xuất, hay ông nhập cảnh trái phép?) phải nhờ người của sứ quán giải thích, bảo đảm mới về được. Mà không hiểu sao mọi điều xui xẻo suốt chuyến đi lại cứ nhằm vào vị giáo sư này. Mọi người nửa đùa nửa thật bảo vì ông đến đất Phật mà chưa thành tin. Cả đến hôm về ông cũng suýt rớt lại Băng Cốc, vì mệt quá thiếp đi trên ghế phòng chờ, khách lên hết từ lâu, máy bay sắp cất cánh mới thấy ông nháo nhào chạy vào. Tối hôm trước khi về, tôi bảo sẽ viết về ông, kêu tên thật, ông cười ha ha bảo tay nào viết về tớ sẽ rách việc, mà báo nào đăng bài ấy cũng phiền hà. Ông là người có uy thế trong làng báo nên quả thật tôi, dù biết ông nói vui nhưng cũng hơi ngại, nên ở đây đành gọi ông là vị giáo sư hoặc “nhà duy vật”.
Chỉ đến khi xe chạy ra khỏi sân bay tôi mới bắt đầu thấy hào hứng. Tôi áp sát mặt vào cửa kính căng mắt nhìn ra ngoài xem phố xá Niu Đêli như thế nào. Không thấy một thủ đô hoành tráng của một đất nước hơn một tỉ dân với những tòa cao ốc đèn điện rực rỡ. Thành phố có vẻ hơi tối, hai bên đường có nhiều công trình dang dở, những đống đất đá bừa bộn. Có vẻ khá bụi bặm. Tôi nghĩ đến cảnh mùa hè ở đây nóng tới 45oC mà thấy ớn. Thực ra Niu Đêli nhiều cây xanh và ít bụi. Cây xanh nhiều nhưng là cây nhiệt đới, đa tạp rườm rà chứ không ngay hàng thẳng lối tăm tắp như ở châu Âu. Điều này thì sáng hôm sau khi dạo một tua trên các con phố chính tôi mới biết. Có cả một đại lộ trồng toàn cây hoa sữa, gần Đại sứ quán Trung Quốc. Khi xe chạy trên đại lộ này, tôi nghĩ đến đường hoa sữa Nguyễn Du ở Hà Nội, thấy ở nước mình trước đây cái gì cũng nhỏ bé xinh xinh: đền đài, phố xá, con người…
 |
Tác giả và thầy Trí Minh |
Ngay đầu giờ chiều chúng tôi bay đi Varanasi, thành phố thánh của đạo Hindu, tức là nơi thiêng liêng nhất đối với những người Ấn theo đạo này. Đây là thành phố thuộc loại cổ nhất thế giới, có cách đây trên bốn ngàn năm, nằm ngay bên sông Hằng thuộc bang Utta Pradesh, quê hương của nhiều nhà thơ, nhà thuyết giáo Ấn Độ. Chính Đức Phật cũng đọc bài kinh thuyết pháp đầu tiên ở đây. Trên con đường từ sân bay về trung tâm thành phố tôi cứ có cảm tưởng như đi trên một quốc lộ nào đó của Việt Nam. Cũng những cánh đồng rộng vàng rực hoa cải, làng xóm xa xa, dăm cây số lại gặp một dãy phố nhỏ, nhà chỉ một hai tầng, kiểu cách lộn xộn, thò ra thụt vào, vài xưởng gỗ, hiệu tạp hóa, quần áo khăn choàng đủ màu sặc sỡ treo đầy ngoài cửa. Rất may, dẫn đoàn đi là thầy Trí Minh, một người thông thổ bên này lại rất tận tâm, tiếng Anh rất giỏi. Về con đường vào Phật giới của vị sư này cũng rất thú vị. Trí Minh chừng gần 40 tuổi, một người vạm vỡ có khuôn mặt sáng láng, theo đạo Phật đã hơn mười năm, trước khi sang đây tu tập ở một ngôi chùa trên Lâm Đồng. Trước nữa đã từng học đến năm thứ tư đại học Y TP. Hồ Chí Minh. Cứ nghĩ rồi con đường sẽ như bao nhiêu sinh viên trường y: ra trường rồi thành bác sĩ tại một bệnh viện nào đó của thành phố. Nào ngờ có một ngày, người anh trai bị tai nạn chết. Vào cái đêm chay đàn bỗng ngộ ra điều rằng, cuộc đời chỉ là ảo mộng, hôm qua có hôm nay không. Thế là quyết định đi vào Phật giới. Trí Minh đã sang Ấn được tám năm, đang làm luận án tiến sĩ Phật học ở trường đại học Tổng hợp Niu Đêli. Anh Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống, cùng đi trong đoàn trước cũng học ở Đại học Y thành phố, chỉ trước Trí Minh vài khóa. Hai người trò chuyện rất tâm đắc, nhắc đến những người thầy, những người quen hồi học ở trường. Trí Minh mong muốn sau này có môt bệnh viện riêng của nhà phật, Trần Sĩ Tuấn hào hứng đứng phắt dậy nói rằng ý nguyện đó quá hay, nếu khi ấy có điều kiện thế nào cũng hỗ trợ một tay.
Chúng tôi giục nhau đi gấp để kịp dự buổi lễ chiều của đạo Hindu bên sông Hằng, thế nhưng vào đến thành phố thì biết là không kịp. Thành phố đông đúc chật chội như ở Việt Nam. Đủ các loại xe cộ chen chúc trên đường: xe đạp, xe máy, xe cút-tơ (như xe lam ở ta nhưng tươm tất hơn, chở được hai khách), ô tô, xe ngựa, xích lô… đủ loại. Tràn lên vỉa hè mà lách đi. Trước khi sang đây, tôi cứ nghĩ giao thông ở Việt Nam là tệ hại nhất, nào ngờ ở đây cũng chẳng khá hơn. Mọi phương tiện đều đổ dồn về phía sông Hằng, đường kẹt cứng, nhích từng phân. Người chạy xe cút-tơ chở tôi cho xe luồn qua các con hẻm ngoằn ngoèo để tránh đoạn đường tắc. Tôi như thấy xe đang chạy len lỏi trong các ngõ của Sài Gòn. Đèn các nhà đã bật sáng, cửa mở thông thống, trong nhà mọi người đang cầu nguyện, mùi hương ngào ngạt khắp nơi. Khác mùi hương ở ta thoang thoảng, mùi hương ở đây rất đậm. Lấp lánh đồ ren thêu, những hạt cườm trên quần áo treo la liệt. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được bờ sông Hằng dù buổi hành lễ đã xong. Sông Hằng là con sông Mẹ của đất nước Ấn Độ, dài hai ngàn năm trăm cây số bắt nguồn từ dãy Hymalaya. Theo truyền thuyết thì nó là mái tóc của nữ thần Gana ngự trên đỉnh Hymalaya. Giờ đây mái tóc ấy chảy dài trước mắt tôi sẫm đen, huyền hoặc. Suốt hai cây số bờ sông đèn đuốc mờ ảo có vẻ ma quái, chỗ đốt lửa, chỗ thắp nến, chỗ đèn điện nhập nhoạng, mùi hương ngào ngạt dù gió sông thổi khá mạnh. Tôi cảm thấy rờn rợn, lo ngại. Người đi lại khá đông nhưng toàn những hình nhân đáng ngờ. Trước khi đến đây người ta đã dặn chúng tôi phải cẩn thận, cất sâu ví tiền. Ở đây có nhiều phù thủy, những kẻ sử dụng bùa ngải. Nhớ không được bắt tay người lạ, dễ dính bùa mê. Có người dính bùa cứ đi theo kẻ lừa gạt như mộng du, bị dẫn vào những xó tối tăm, bị lột sạch tiền bạc, quên đường về. Không biết thực hư thế nào nhưng cũng có gì gần như thế, cứ đi mấy bước lại có vài người rách rưới trong bóng tối nhập nhoạng chìa tay ra bắt. Theo thói quen có khi tôi cũng như mấy người trong đoàn chìa tay bắt, rồi bỗng rụt lại kêu lên: “À quên, không bắt tay cơ mà!”. Mọi người lại cười ồ. Rồi một sự cố xảy ra làm chúng tôi hoảng hồn. Vị giáo sư khả kính, “nhà duy vật” tự nhiên mất tích. Chúng tôi cử hai người đi tìm. Một người chạy lên phía trước vì có thể “nhà duy vật” đã đi vượt lên, một người quay lại sau vì có thể ông rớt lại. Tìm hai tiếng, rồi gọi điện về khách sạn cũng không thấy. Mọi người đã nghĩ đến khả năng ông đã bị kẻ xấu lôi đi, đến thầy Trí Minh cũng đã bắt đầu toát mồ hôi. Còn tôi thì lo lắng thực sự, thế này thì gay quá, chỉ ngày mai là trong nước biết tin và sẽ đồn ầm lên. Thầy Trí Minh bắt đầu đi vào các hẻm tối xuống nhòm vào các hốc dưới sát mép sông. Chị Thúy vào đồn cảnh sát nhờ gọi loa tìm kiếm, gọi cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Bờ sông bắt đầu vắng người dần, gió thổi rất lạnh, đã 11 giờ đêm mà không ai dám bàn đến chuyện về. Ông này không biết tiếng Anh, có muốn tìm đường về cũng chả được. Thật tình chúng tôi chỉ mong người an toàn chứ tiền nong chẳng quan trọng nữa. Nhưng qủa là may, lúc đã hoàn toàn thất vọng thì khách sạn gọi điện tới nói là ông đã về. Cả đoàn reo hò nhảy nhót, réo gọi nhau ầm ĩ. Thật hú vía! Hóa ra “nhà duy vật” đã thủ sẵn địa chỉ khách sạn, cứ tưởng bị đoàn bỏ rơi nên sẵn có tiền bắt xe cút-tơ về. Cũng lạc lung tung rồi mới về đến nơi.
 |
Một buổi thuyết pháp ngoài trời |
Năm giờ sáng chúng tôi đã ra khỏi khách sạn để đón bình minh trên sông Hằng. Trời khá lạnh, khoảng 8 đến 10 độ, phải đi xuyên qua nhiều ngõ ngách, qua hành lang các ngôi nhà cũ kỹ mới ra được chỗ bến cho thuê thuyền. Đến đây mới thấy Ấn Độ còn rất nhiều người nghèo khổ. Đi vài bước lại phải tránh một người nằm co quắp, đắp sơ sài một tấm vải mỏng trên nền gạch, nền xi măng lạnh. Không biết ở các xóm gầm cầu Hà Nội thế nào, tôi chưa tới những chỗ đó, nhưng vẫn nghĩ cảnh như thế này ở ta cũng ít. Sông Hằng hiện ra lạnh lẽo, còn mờ tối, nhưng bên bờ sông, sát mép nước vẫn rất sôi động. Người ta đang tắm lễ buổi sáng, đàn ông có, đàn bà có, để trần nửa người dìm mình trong nước lạnh, rồi lên bờ xoay vòng làm lễ, rồi lại xuống tắm, cứ như thế mấy lần. Lửa của đèn nến lập lòe đây đó dọc bên sông, tiếng đập quần áo vang động, trẻ con bán hoa lễ xán lại chào mời khách khi họ xuống thuyền đi dọc sông đón mặt trời lên. Từ sông nhìn vào mới thấy hết cảnh quan suốt dãy phố bên bờ. Phần nhiều là đền miếu cũ, có nhiều điểm thiêu xác người. Từng đống củi gộc to, có chỗ nghi ngút khói cạnh đống tro, một xác người vừa được thiêu. Người Ấn quan niệm chết là hóa thân sang một kiếp khác, người ta thiêu xác người đã chết, vứt tro xuống sông Hằng, xác nhiều khi chưa thành tro hết, vẫn còn những phần di thể cũng đều ném xuống sông. Dễ hiểu là nước đoạn sông này ô nhiễm như thế nào, nghe nói ô nhiễm vượt bốn ngàn lần cho phép. Theo dự tính của một tổ chức Liên hiệp quốc thì phải chi vài tỉ đô la mới làm sạch được. Buổi trưa, trên đường rời thành phố Varanasi, tôi còn thấy mấy đoàn đưa xác chết đi thiêu. Nét mặt người đưa có vẻ buồn lo nhưng không có người khóc. Có khoảng hai mươi người, bốn người khiêng một chiếc cáng trên đó có một xác người đắp sơ qua một mảnh vải màu sặc sỡ, cả đoàn đi rất nhanh ra phía sông. Trên sông Hằng có rất nhiều chim hải âu (?). Tôi không thấy chúng đẹp như những con chim hải âu trắng trên sông Nêva ở Petecbua của nước Nga mà tôi thấy trước đây. Cổng trường đại học Tổng hợp nơi tôi theo học nhìn thẳng ra sông Nêva, những khi đợi xe buýt hay chờ gặp giáo viên, tôi thường đứng ngắm những con chim trắng bay là là trên mặt sông xanh biếc. Ở đây có lẽ cũng vẫn loài chim ấy, nhưng tôi cứ rờn rợn liên tưởng đến những di thể người còn dưới lòng sông, những con cá ăn những di thể ấy và những con cá lại làm mồi cho những con chim này. Từng đàn chim liên tục lao xuống mặt nước nơi du khách thả cá phóng sinh. Có những thuyền bán cá phóng sinh luôn cặp kè bên mạn thuyền du khách. Thấy Trí Minh khuyên mọi người không nên mua, ông nói làm thế sẽ khuyến khích phát triển nghề bắt cá bán để phóng sinh và như vậy là sát sinh. Quả thật, những con cá vừa được khách thả ra đang lơ ngơ chưa kịp bơi đi thì đã bị những con chim từ trên không lao xuống chộp lấy. Chúng chẳng hề được phóng sinh! Một chiếc thuyền chở hơn mười người trông có vẻ người Việt đi ngang qua, một vị sư mặc áo vàng đang đứng giảng giải gì đó. Thầy Trí Minh đứng lên cúi chào kiểu nhà Phật rồi gọi to: Việt Nam, Việt Nam? Hóa ra là một đoàn khách Đài Loan. Ở giữa sông có một bãi bồi rất rộng. Chúng tôi cập thuyền vào, lên đó chụp ảnh. Vài người trong đoàn xúc một ít cát cho vào túi ni lông để mang về mong sự may mắn: tiền của như cát sông Hằng. Vị giám đốc một xí nghiệp gỗ ở quận Tân Bình Sài Gòn làm một túi rõ lớn. Tôi không lấy, hơi ngài ngại vì nghĩ đến tro và di thể người. Xác một con bò rất to trôi trên sông ngay trước mặt chúng tôi. Mặt trời đã lên nhưng chỉ lấp ló trong sương mù, bóng tối vẫn còn vương vấn trên mặt sông lạnh. Một chiếc thuyền bán những đĩa nến ghé lại. Chúng tôi mua mỗi người một đĩa để thả xuống sông. Thầy Trí Minh nói con sông này rất thiêng, mỗi người nên thả một đĩa nến, cầu nguyện một điều. “Một điều thôi đấy!”, ông nhắc lại. Tôi biết cầu điều gì đây? Tôi nghĩ đến sức khỏe, công danh, đến gia đình, những đứa con của tôi, tương lai của chúng, điều mà bậc cha mẹ nào cũng mong mỏi nhất. Tự nhiên không hiểu sao lúc này tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi. Mẹ tôi mất rất lâu rồi, từ lúc tôi còn nhỏ. Bà mất khi chỉ mới 39 tuổi. Mọi người trong gia đình tôi vẫn có cảm giác là hồn bà vẫn còn đâu đó trên cõi đời này dõi theo lo giúp đỡ con cháu khi cần thiết. Giờ đây tôi muốn cầu mong cho bà được hoàn toàn thanh thản nơi cõi Phật. Khi tôi thả đĩa nến xuống sông, trong tâm tưởng, tôi thấy ở một nơi xa xôi, mẹ tôi đang tất tả hòa vào dòng người đang lặng lẽ đi về cõi Phật, trên tay bà cắp một chiếc nón. Không hiểu sao từ hôm đó trong lòng tôi cực kì thanh thản, mãn nguyện. Mấy người quen khi gặp lại đều nói ở tôi như có điều gì đó thay đổi.
Gần trưa chúng tôi rời Varanasi, thành phố bên sông Hằng để đi Gaya, nơi có tháp Bồ đề Đại tràng, có cây Bồ đề Phật từng ngồi giác ngộ. Về chuyện này thì tôi sẽ kể trong một dịp khác.
Hà Nội tháng 12 năm 2009
Trịnh Bá Đĩnh