Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã xây dựng kế hoạch dự kiến tuyển sinh năm 2021 trong đó có việc sử dụng phương thức tổ chức thi đánh giá năng lực.
- 15.12.2020 Điều kiện để học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được cử tuyển học đại học, cao đẳng, trung cấp
- 13.12.2020 3 trường đại học đầu tiên công bố phương án tuyển sinh 2021, đặc biệt có trường gây chú ý khi dự kiến mở thêm các ngành học mới
- 12.12.2020 Cổng đăng ký thi và xét tuyển đại học sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia
Theo thông tin từ TS. Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức (VGU), năm 2021 trường sẽ tuyển 460 chỉ tiêu cho 7 ngành theo 3 phương thức là xét tuyển từ học bạ của 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 2 lớp 12 với các trường THPT do VGU quy định.
Năm 2021 nhà trường sẽ dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do VGU tổ chức vào khoảng tháng 5/2021. Bài thi gồm 2 phần là kiểm tra kiến thức cơ bản (thí sinh có thời gian làm bài là 110 phút) và kiến thức khối chuyên ngành đăng ký gồm:
Bài thi Khoa học Kỹ thuật dành cho thí sinh đăng kí ngành Kĩ thuật cơ khí, Kĩ thuật điện và Công nghệ thông tin;
Bài thi Khoa học máy tính và Khoa học Tự nhiên dành cho thí sinh đăng kí ngành Khoa học máy tính;
Bài thi Kinh tế học dành cho thí sinh đăng kí ngành Tài chính – Kế toán và Quản trị kinh doanh và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.
Còn tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh cho biết, mùa tuyển sinh năm 2021, trường tiếp tục thực hiện triển khai tổ chức bài thi đánh giá năng lực học sinh để nâng cao hơn chất lượng đầu vào.
“Năm 2021 bài thi đánh giá sẽ có những cải tiến cho phù hợp và tối ưu. Về phương án cụ thể, trường sẽ sớm thông tin tới thí sinh trong thời gian tới để các em có những chuẩn bị phù hợp và nhất định cho mình”, PGS.TS Trần Trung Kiên nói.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết, trường dự kiến sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực trở lại để tuyển sinh đầu vào năm 2021.
“Năm 2015, chúng tôi là trường đầu tiên trên cả nước tổ chức bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào. Kỳ thi được tổ chức hoàn toàn trên máy tính, thí sinh biết điểm ngay sau khi làm bài xong.
Đến năm 2017, khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia với cơ cấu đề thi có nhiều điểm tương đồng với bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo dừng tổ chức kỳ thi này và chỉ xét tuyển dựa trên điểm của kỳ thi THPT.
Dự kiến, năm 2021 chúng tôi sẽ khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực với mục tiêu phân loại tốt và nâng cao chất lượng nguồn tuyển của trường”, GS Nguyễn Đình Đức nói.
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho biết: “Năm 2021, các trường và khoa thành viên tiếp tục giữ ổn định và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực.
Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức 2 đợt vào năm 2021. Cụ thể, đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3 và đợt 2 khoảng sau từ 7 - 10 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7.
Việc tổ chức kỳ thi trên tinh thần giữ ổn định như các năm trước, kể cả cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này sẽ được thông báo cụ thể nên các thí sinh có thể yên tâm”.
Trước đó, kỳ tuyển sinh năm 2020 ĐH Quốc gia TP.HCM cũng tuyển sinh được gần 20% tổng chỉ tiêu các trường thành viên từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. So với năm 2019, tổng chỉ tiêu tuyển được từ phương thức này tăng thêm khoảng 6%.
Theo: Hoàng Thanh/Infonet