• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999"

Thời sự 18/11/2019 07:36

(Tổ Quốc) - Nói đến mưa lũ, người dân miền Trung không còn lấy gì làm lạ. Ở vùng đất này, người ta đã quá quen với việc năm nào cũng có một vài trận lũ lớn, nhỏ. Thế nhưng, có một trận lũ dị thường mà mãi về sau này khi nhắc đến nhiều người vẫn còn ghi nhớ và kinh sợ: "đại hồng thủy 1999".

LTS: 20 năm trước, tại miền Trung đã xảy ra một trận lũ lịch sử được đánh giá là chưa từng có trong 100 năm qua. Trận lũ mà sức tàn phá của nó được ví như cơn "đại hồng thủy" kéo dài ngày từ 1 – 7/11/1999 khiến nhiều tỉnh miền Trung chia cắt, chìm trong biển nước. Trong số các tỉnh, Thừa Thiên Huế là điểm nóng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Tròn 20 năm sau lũ lịch sử, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến tổ chức "Lễ Tưởng niệm lũ lớn miền Trung năm 1999" nhằm tưởng nhớ và tri ân những tổ chức, cá nhân đã hy sinh và có nhiều cống hiến trong công cuộc chống chọi với thiên tai; tưởng niệm các nạn nhân đã chết, đồng thời nhìn lại chặng đường hồi sinh và phát triển, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp chính quyền và nhân dân trong phòng chống, ứng phó với thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu loạt bài viết"Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999"để cùng nhìn lại về trận lũ lịc h sử này.

Kỳ 1: Trận lũ dị thường không có trong kịch bản phòng, chống

Những ngày cuối tháng 10/1999, Thừa Thiên Huế trời khá rét, đầy mây và có lác đác mưa. Mùa này, ở miền Trung, kiểu thời tiết đó chẳng có gì là lạ. Thế nhưng từ chiều 1/11, trời đã bắt đầu chuyển mưa to dần, kéo dài suốt cả đêm. Mưa xối xả trút xuống tưởng như bầu trời sắp đổ sập.

Trận lũ dị thường

Trước đó, chuồn chuồn từng đàn bay thấp sà sát xuống cả mặt đất. Trông về hướng đông, mây từng đám chồng lớp búp măng, đỉnh trời nhiều váng đỏ, ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cảm thấy có nhiều điều bất thường, dự cảm không lành về một trận lũ lớn sắp xảy ra.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999" - Ảnh 1.

Trận lũ lịch sử năm 1999 đã nhấn chìm tỉnh Thừa Thiên Huế trong biển nước.

Sáng 2/11, mưa càng lúc càng nặng hạt, ông Mễ gọi lái xe của UBND tỉnh đến nhà đón lên cơ quan sớm hơn thường ngày. Khi xe vừa đến sân UBND tỉnh thì dòng nước lũ đục ngầu từ thượng nguồn sông Hương cũng cuồn cuộn đổ về. Bước vào ủy ban, ông Mễ thấy nước lũ nhanh chóng nhảy lên bờ nhấn chìm cả con đường Lê Lợi rồi tràn vào sân ủy ban tỉnh, "nuốt chửng" luôn chiếc xe ô tô vừa đỗ. Trong chốc lát, tầng 1 trụ sở ủy ban tỉnh đã bị vô hiệu hóa. Thời điểm ấy, nhiều lãnh đạo, cán bộ, nhân viên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn chưa kịp đến công sở.

Thấy tình hình không ổn, ông Mễ vội leo lên tầng 2, bốc máy gọi ngay ra cho Văn phòng Chính phủ: "Anh Giao ơi, tình hình Thừa Thiên Huế quá nguy cấp rồi. Xung quanh tôi nước đã bủa vây tứ bề, cả tầng 1 ủy ban đã ngập. Đề nghị anh báo cáo với Chính phủ để có chi viện khẩn cấp". Người đầu dây nghe máy khi đó là ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Từ thành thị đến nông thôn Huế chìm trong nước lũ.

Sau cuộc gọi cầu cứu ra Trung ương, còn chưa kịp gọi hỏi han tình hình các địa phương ra sao thì chuông điện thoại đã liên tục reo. Mỗi cuộc gọi đến là một tin xấu từ các nơi dồn dập báo về: Nước đã tràn khắp nơi, nhiều nhà dân đã ngập đến nóc, có nơi ngập đến 6m. Đồi Long Thọ, phường Thủy Biều bị lũ chia cắt, cô lập. Giáo viên và 57 học sinh trường THCS Hương Thọ bị nước lũ bủa vây đang kêu cứu. Một sản phụ ở Quảng Điền sinh khó, mắc kẹt giữa lũ. Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đậu bên chợ Đông Ba bị đứt neo, nếu trôi dễ xô đổ cầu Gia Hội, cần ứng cứu. Các vùng nước đang lên cực nhanh, có nơi mỗi giờ đến một mét, số người chết và mất tích liên tục tăng…

Nước dâng nhanh khiến hệ thống điện toàn thành phố Huế hoàn toàn bị tê liệt, Bưu điện Thừa Thiên Huế cũng bị ngập tầng 1. Đến khoảng 11 giờ, mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt.

"Khi đó tình hình mưa lũ diễn biến cực kỳ nhanh và phức tạp. Trận lũ nằm ngoài mọi kịch bản phòng, chống lụt bão, không ai có thể hình dung được", ông Mễ nhớ lại.

Không kịp trở tay

Trưa 2/11, sau khi tạm kết nối được với lực lượng tại các địa phương xác minh tình hình mưa lũ ban đầu, công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ được triển khai khẩn trương. "Trụ sở chỉ huy dã chiến" được dời từ ủy ban tỉnh về tầng 2 tòa nhà bưu điện tỉnh (lúc này không bị ngập).

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999" - Ảnh 3.

Nhiều địa phương bị tàn phá nặng nề bởi trận lũ dị thường năm 1999.

Để kết nối lại liên lạc, một nhóm cán bộ viễn thông được giao nhiệm vụ đi thuyền tìm cách tiếp cận trạm thu phát sóng ở phường Thủy Xuân, tháo máy thu phát về lắp đặt tại bưu điện. Một nhóm khác cũng được giao nhiệm vụ lần theo đường sắt đi vào Đà Nẵng để mang điện thoại cầm tay ra Huế.

Sau cuộc điện thoại ra "cầu cứu" Trung ương của ông Nguyễn Văn Mễ, mọi liên lạc đều bị ngắt. Giao thông tại Huế bị nước lũ chia cắt nghiêm trọng. Trước tình hình cấp bách, Quân khu 5 cử người và trực thăng bay vào chi viện nhưng mưa mù trời, tầm nhìn hạn chế phải quay trở lại. Lực lượng công binh phải di chuyển từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) theo đường 13 của Lào qua Savannakhet, quay về Đường 9 (Quảng Trị) dò dẫm từng đoạn một. Mất đến vài ngày, đoàn mới vào tới được Huế.

Nước lũ cuốn trôi nền đường sắt đoạn Cống Bạc - cửa ngõ phía Nam thành phố Huế và làm sạt lở nghiêm trọng ở đèo Phước Tượng. Giao thông ở Huế dường như bị chia cắt, cô lập trong lũ.

Diễn biến của trận lũ dị thường năm đó khiến nhiều người không kịp trở tay. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập lút mái hoặc gần lút mái, hàng ngàn người dân phải leo lên nóc nhà để tránh lũ dữ. Lương thực không có, phần do bị trôi, phần thì ướt, thối. Nhiều người rơi vào tình cảnh vừa đói vừa khát chỉ còn biết chờ cứu. Ngồi trên nóc nhà nhìn dòng nước lũ tàn khốc đi qua cuốn trôi theo bao tài sản, vật nuôi mà đành ngậm ngùi nhìn nhau khóc. Thành quả cả đời người của nhiều gia đình gần như bị xóa sạch.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999" - Ảnh 5.

Trong vòng vây của nước lũ, người dân Thừa Thiên Huế đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đương đầu với thiên tai.

Khoảng thời gian nằm giữa vòng vây của nước lũ, người dân Thừa Thiên Huế phải tự đùm bọc, cưu mang, cứu giúp lẫn nhau. Người có ăn giúp cho người không có ăn, nhà ở cao cứu nhà ở thấp. Trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", nhiều người từng nghĩ đến việc lấy dây buộc vào nhau. Lỡ không may bị lũ cuốn trôi thì ít ra còn được tìm thấy.

Phải đến ngày 4/11, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên mới đến được với những vùng bị nước lũ cô lập. Trong cơn đói khát, người dân bì bõm lội nước, nhận từng gói mì tôm cứu trợ. Trước Bia Quốc Học, hàng chục chiếc quan tài quàn thành hàng cho những người chết vì lũ được vớt. Hình ảnh đó khiến cả nước xót xa, không cầm được nước mắt.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999" - Ảnh 6.

Hình ảnh người dân nhận mì tôm cứu trợ sau nhiều ngày nhịn đói và những quan tài gỗ thông quàn trước Bia Quốc Học cho những người chết vì lũ ngày 5/11/1999.

Mãi cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại những ngày vật lộn với trận lũ lịch sử 1999, nhiều người dân ở Huế vẫn còn thấy rùng mình.

Do ảnh hưởng kết hợp của bốn hình thế gây mưa: không khí lạnh mạnh với dải áp thấp xích đạo, áp thấp nhiệt đới gần bờ ở phía Nam và đới gió Đông trên cao nên liên tiếp từ ngày 1-6/11/1999 trên địa bàn miền Trung xảy ra mưa to, dồn dập nhiều ngày. Hình thế thời tiết này phải trăm năm mới có một lần đã gây nên trận lụt lịch sử chưa từng có.

Tại Thừa Thiên Huế, lượng mưa của hai ngày đêm lên tới 2.300 mm, cao nhất trong chuỗi số liệu trên toàn lãnh thổ nước ta từ 100 năm nay và gần bằng tổng lượng mưa trung bình của cả năm cộng lại.

Trận lũ lịch sử 1999 là tổng hợp của nhiều loại hình thiên tai xảy ra cùng một lúc (mưa lớn, lũ ống lũ quét ở miền núi, sạt lở đất, ngập lụt đồng bằng và đô thị, nước biển dâng, triều cường, xâm thực bờ biển,..) với tính chất và mức độ chưa từng được ghi nhận trong các tài liệu khí tượng – thủy văn thế kỷ 20.

Theo thống kê thiệt hại, trận lũ khiến toàn miền Trung 749 người chết, tổng thiệt hại khoảng 4.133 tỉ đồng. Riêng Thừa Thiên Huế có 373 người chết và mất tích, 200 người bị thương, thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng (thời giá năm 1999).

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế

Kỳ tới: Phút "giáp lá cà" sinh tử trong trận chiến với lũ dữ

Lê Chung (Ảnh: Tư liệu Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế)

NỔI BẬT TRANG CHỦ