• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật

Văn hoá 15/11/2021 15:13

(Tổ Quốc) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào 24/11 được rất nhiều các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ trong cả nước đặt nhiều kỳ vọng về việc “xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới”. Nhân dịp này báo Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

PV: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào ngày 24/11 tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra, theo ông, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh này có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Như thông lệ, việc triển khai các hoạt động ngay sau Đại hội Đảng luôn có ý nghĩa to lớn và nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân ta. Đặc biệt với Hội nghị Văn hóa quy mô toàn quốc về văn hóa, văn học, nghệ thuật không chỉ tổng kết, đánh giá thành tựu thời Đổi mới thời kỳ đã qua mà đặt trọng tâm vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay. Dư luận xã hội sẽ trông vào đây để nhận diện những tín hiệu mới, nhận thức mới, bước khởi đầu cho một chặng đường mới về văn hóa. Điều này càng có ý nghĩa với các văn nghệ sĩ, những người vừa góp phần tham gia hoạch định đường lối vừa là một trong những chủ nhân thực thi, triển khai, kiến tạo nền văn hóa dân tộc và hiện đại giai đoạn mới. Cần nhấn mạnh hơn nữa những thách thức của đời sống văn hóa hôm nay trước cơ chế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin và gia tốc của thời kỳ giao lưu, hội nhập, đa phương hóa, khu vực hóa và toàn cầu hóa…

Kỳ vọng nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn

PV: Nếu được góp một tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc tới đây, ông sẽ gửi gắm điều gì?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Trước hết, có thể thấy Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ba nhóm đại biểu chính: Các nhà lãnh đạo (gánh vác trách nhiệm tích hợp, tổng kết, đúc kết và xây dựng chủ trương, định hướng…); các trung tâm, hội đoàn, đơn vị, ban ngành (giúp việc tổ chức, triển khai, thu nhận, chọn lọc thông tin, báo cáo…); các nhà chuyên môn (thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, cơ quan nghiên cứu, trường học, địa phương…). Tôi thuộc nhóm các nhà chuyên môn, vừa làm nghiên cứu (Viện Văn học), nhà văn (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hà Nội) và nhà báo (Tạp chí Nghiên cứu Văn học), thế tất cần quan tâm, nhấn mạnh những vấn đề cụ thể của đời sống văn hóa, văn học, văn chương. Từ bài học kinh nghiệm và những quan sát thực tế, tôi nhấn mạnh ba vấn đề thời sự sau đây.

Thứ nhất, tiếp tục phát huy tinh thần Đổi mới, sức mạnh Đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, mở đường cho mọi tài năng phát triển để có được "những tác phẩm lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta". Đổi mới là thay đổi, vận động, chấn chỉnh và phát triển. Đương nhiên, với mọi cuộc cách mạng và thể chế xã hội, Đổi mới luôn kiên định với những giá trị lý tưởng nhân văn cốt lõi, không phải là chuyển hóa, diễn biến, tự diễn biến, lật ngược, thay thế, phủ nhận cực đoan… Có thể nói, chính nhờ công cuộc Đổi mới, "cởi trói" cho văn nghệ và đồng hành với công cuộc Đổi mới từ 1986 đến nay mà chúng ta có nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái…); nhiều hiện tượng tác giả, tác phẩm, trào lưu văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX và vùng đô thị miền Nam 1945-1975 được đánh giá lại, khôi phục và xuất bản trở lại. Hầu hết các tác phẩm xuất sắc của các tác giả Việt kiều và văn sĩ hải ngoại đã được xuất bản ngay trong nước. Hầu hết các bản nhạc vàng, nhạc bolero đã tái hiện trong nhiều chương trình văn nghệ, hội nhập vào gia tài âm nhạc dân tộc… Qua đây có thể khách quan đánh giá cao thành tựu của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam thời Đổi mới. Chúng ta nhận ra những hạn chế của tư duy văn học giai đoạn kháng chiến nhưng không dẫn đến phủ nhận cực đoan; chúng ta thực sự cầu thị đánh giá, tiếp nhận lại di sản văn nghệ quá khứ nhưng có điều kiện, có thời gian, quá trình; chúng ta chủ động mở rộng tiếp thu các giá trị tinh thần từ bên ngoài nhưng không làm mất bản sắc dân tộc. Nhìn chung, con đường Đổi mới đã là xu thế, quy luật, làm nên sức mạnh dân tộc và tiếp tục tạo nên sự khởi sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Kỳ vọng nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật - Ảnh 2.

Các văn nghệ sĩ là những người vừa góp phần tham gia hoạch định đường lối vừa là một trong những chủ nhân thực thi, triển khai, kiến tạo nền văn hóa dân tộc và hiện đại giai đoạn mới (ảnh minh họa/ Nam Nguyễn)

Thứ hai, trong vận hội mới, trong nguồn sáng Đổi mới của Đảng, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) thì các nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ cần phát huy bản lĩnh học thuật, năng lực sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp chung. Theo tôi, bên cạnh việc khai thác, phát huy các giá trị bản sắc truyền thống ngàn năm của dân tộc cần đặc biệt chú ý di sản văn hóa, văn nghệ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (vai trò chữ Quốc ngữ, xu thế hiện đại hóa và hội nhập Đông – Tây) và chọn lọc những công trình, tác phẩm tiến bộ vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1945-1975 (tinh thần khai phóng, nhân bản và tiếp nhận đồng đại tư tưởng phương Tây)… Khắc phục hoàn cảnh "bất bình thường" của thời kỳ chiến tranh, đất nước qua phân hai miền và nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân dân tộc, đến nay chúng ta đã hội đủ điều kiện, bản lĩnh chính trị và học thuật để khai thông, tiếp nhận trở lại di sản hóa, văn nghệ thời cận hiện đại. Dưới ánh sáng Đổi mới, trong những năm gần đây, một số hiện tượng tác giả, tác phẩm, trào lưu văn nghệ từng bị phê phán, đánh giá nặng nề đã được khôi phục và xuất bản, từng bước sửa sai, hòa giải với quá khứ, bù đắp những khoảng trống văn hóa sử, trả lại sự công bằng và góp phần làm giàu kho tàng văn hóa thời cận hiện đại. Như ông cha ta thường nói, "Có bột mới gột nên hồ". Công việc này trước hết đặt cược vào nhiệm vụ sưu tập văn bản hiện đang tản mát khắp trong Nam ngoài Bắc, trong và ngoài nước, thư viện công và tư gia. Cần nói thêm rằng loại di sản văn hóa, văn nghệ này đang ngày một lâm tình thế "tuyệt chủng", nguy cơ "một đi không trở lại". Rất tiếc công việc nặng nề này còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành chủ trương, đường lối, định hướng, chính sách chuẩn mực, sâu rộng của Đảng và Nhà nước, chí ít cũng có ý nghĩa thời sự, cấp bách, chiến lược trong khoảng mười, hai mươi năm tới.

Thứ ba, bên cạnh quy chế dân chủ, cần đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo kịp thời, sâu sát của tổ chức Đảng với công tác văn hóa, văn nghệ. Chẳng hạn, trên quan điểm lịch sử và hệ thống tư liệu, cần khôi phục, ghi nhận đúng mức đóng góp của các tác giả xa và gần từng bị đánh giá thiên lệch (Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trương Tửu, v.v…); cần nhấn mạnh vai trò, tinh thần chịu trách nhiệm và tính pháp quy của các hội đồng nghệ thuật (điện ảnh, sân khấu, văn học, ca nhạc, người đẹp…), cảnh báo tình trạng "trao nhầm, bỏ sót", trao giải thưởng rồi lại quay ra phê phán, trao giải thưởng rồi mà dư luận phân vân, không mấy ai chú ý… Thêm nữa, tổ chức Đảng càng cần tăng cường sự lãnh đạo hoạt động xuất bản tác phẩm văn hóa, văn nghệ, khắc phục thực trạng cấp phép tràn lan, in "thượng vàng hạ cám", thiếu sự trao đổi, đánh giá, phê bình cần thiết…

Kỳ vọng nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật - Ảnh 3.

Các nhà văn gặp gỡ trao đổi tại Đại hội Nhà văn (ảnh minh họa)

PV: Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Tôi kỳ vọng nguồn sáng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này và tin tưởng ba điều. Thứ nhất, các nhà hoạt động văn hóa, anh em văn nghệ sĩ, những đồng nghiệp cùng chiến tuyến, cùng trong đội ngũ "chúng ta" nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thẳng nói thật, tích cực trao đổi, góp ý kiến xây dựng… Thứ hai, các nhà tổ chức, các cấp lãnh đạo kịp thời tích hợp, tổng kết được các ý kiến chuẩn mực, từ đó xác lập dòng chủ lưu tinh thần "nhận đường" thời Đổi mới, góp phần xây dựng đường lối, định hướng nền văn hóa, văn nghệ phù hợp thời kỳ mới của đất nước… Thứ ba, hy vọng tinh thần "nhận đường" thời Đổi mới thế kỷ XXI sẽ tác động trở lại xã hội, mở đường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Nguyễn (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ