(Tổ Quốc) - Tại Phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội đối với lĩnh vực VHTTDL diễn ra từ chiều 5/6 đến sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại hạn chế cũng như phát triển hơn nữa lĩnh vực quản lý của ngành trong thời gian tới. Các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra nhận được nhiều sự ghi nhận, đánh giá cao từ các ĐBQH, chuyên gia và cử tri nhân dân.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một "Tư lệnh" ngành
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một "Tư lệnh" ngành khi phân tích rõ cả những thuận lợi và khó khăn của ngành trong các vấn đề có liên quan, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã giải trình rất toàn diện, thể hiện được tầm bao quát đối với vấn đề của ngành.
"Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn, cũng như đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng tại Phiên chất vấn lần này" - đại biểu nhấn mạnh.
Về kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới, nữ đại biểu cũng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao những nhận định và giải pháp cụ thể của Bộ VHTTDL, trong đó, tập trung thực hiện những nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư, định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch…
Bên cạnh các vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực VHTTDL đã được Bộ trưởng trả lời, và trước thực trạng, khó khăn của ngành du lịch hiện nay, nữ đại biểu quan tâm đến tiến độ, kết quả việc thực hiện mục tiêu “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” (được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ): “Đến năm 2025: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu kỳ vọng những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trong thời gian tới sẽ được thực hiện và phát huy hiệu quả.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu cũng bày tỏ hy vọng, thông qua các thiết chế văn hóa sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động.
"Tôi đồng tình cao với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Phiên chất vấn và trân trọng đề nghị Chính phủ, Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các bộ ngành, địa phương liên quan phải giải quyết bằng được bài toán khó về mặt cơ chế theo hướng đẩy mạnh rà soát lại tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, từ đó đảm bảo các thiết chế văn hóa thực sự hiệu quả đối với hoạt động cộng đồng, cũng như tránh lãng phí cho việc đầu tư và vận hành các thiết chế văn hóa" - đại biểu nêu quan điểm.
Nhiều thông tin, dữ kiện liên quan được cung cấp
Còn theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An), phát triển du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội, giải trí, sản phẩm truyền thống vừa góp phần quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo không gian độc đáo, ấn tượng thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Đồng thời góp phần vào phát triển kinh tế của những địa phương trọng điểm du lịch cũng như các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc có những nét văn hóa, sản phẩm bản địa độc đáo.
Tuy nhiên, thời gian qua, đại biểu nhận thấy, việc triển khai này còn gặp phải nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa đồng bộ, chính sách cho đầu tư về du lịch chưa thật sự thu hút doanh nghiệp, điều này dẫn đến các tồn tại, hạn chế như thiếu đầu tư tập trung, quy mô nhỏ lẻ, thiếu kết nối, hiệu quả thấp, khó duy trì bền vững… Vì vậy, bà cũng như nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm và chất vấn nội dung này.
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời lưu loát, rất trách nhiệm, tâm huyết; có nhiều thông tin, dữ kiện liên quan đã được cung cấp, giải trình thêm với Quốc hội.
"Qua đây, tôi kỳ vọng, tin tưởng trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đề ra, cùng với sự chủ động, tập trung đầu tư, sáng tạo khai thác lợi thế của các địa phương, những “hiến kế” của nhân dân thì việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm và văn hóa truyền thống, phát huy du lịch nội địa sẽ đạt được kết quả như mong muốn và có bước phát triển bền vững" - đại biểu bày tỏ.
Nữ đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan cần tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ về phát triển sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch, chú trọng phát triển khai thác phân khúc thị trường theo sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Những giải pháp Bộ trưởng đưa ra trúng với mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành
Chia sẻ với báo chí, bà Hồ Trang - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Du lịch Liên minh Việt Nam cho rằng, theo dõi phiên chất vấn có thể thấy không khí tranh luận rất sôi nổi, dân chủ và thẳng thắn. Các đại biểu đã nắm chắc tình hình, tập trung vào nội dung chất vấn, thẳng thắn chỉ ra các hạn chế. Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời rõ ràng, rõ trách nhiệm và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp.
Trong phiên chất vấn, các vấn đề của ngành du lịch một lần nữa được đề cập, cho thấy sự quan tâm của Quốc hội, của các đại biểu là rất lớn. Là người trong cuộc, bà Trang cho biết, công ty vô cùng thấm thía khó khăn của thị trường du lịch trong thời điểm hiện tại.
"Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL hoàn toàn đúng thực trạng và những giải pháp ông đưa ra cũng đúng với mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành; ví dụ giảm giá vé máy bay, tăng cường các chuyến bay là vô cùng cần thiết tại thời điểm hiện tại để kích cầu và hỗ trợ các đơn vị trong việc hạ giá tour phục vụ khách hàng" - bà Trang cho hay.
Cũng theo bà Hồ Trang, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến vô cùng lý tưởng cho du khách quốc tế. Doanh nghiệp đề xuất có biện pháp để quản lý mức chi phí ăn uống, cơ sở lưu trú, vui chơi tại các địa điểm một cách tối ưu nhất. Tránh tình trạng chặt chém, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch nước nhà. Ngoài ra, rất cần sự ủng hộ và đồng hành từ phía các khách sạn, khu nghỉ dưỡng về các mức giá tốt nhất để hỗ trợ khách hàng và hỗ trợ đơn vị lữ hành trong việc điều chỉnh giá tour được hợp lý nhất kích cầu phục hồi phát triển du lịch.
Liên quan đến phát triển du lịch đêm, hướng tiếp cận trong thời gian tới là Bộ VHTTDL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm.
"Doanh nghiệp cũng rất đồng tình và kỳ vọng Bộ tiếp tục nghiên cứu và có lộ trình để bảo đảm tính hiệu quả của du lịch đêm. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn những cam kết của Bộ trưởng Bộ VHTTDL sớm được đi vào thực tiễn một cách nhanh nhất" - bà Hồ Trang bày tỏ./.