• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng vào cái “bắt tay” của điện ảnh ASEAN

Văn hoá 03/11/2016 08:30

(Tổ Quốc) - Hợp tác kinh tế, xã hội đã chặt chẽ, song trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, thế mạnh của cộng đồng ASEAN chưa được phát huy.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV, các nhà làm điện ảnh của khối ASEAN đã đặt ra vấn đề hợp tác trong sản xuất, phát hành phim. Tọa đàm diễn ra chiều 2/11 tại Hà Nội.

ASEAN cần cái "bắt tay" trong điện ảnh

ASEAN là một cộng đồng đã có quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị, song trong hợp tác phát triển văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, mối quan hệ hợp tác chưa được như tiềm năng.

Theo ông Ngô Duy Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết: “Hợp tác sản xuất và phát hành phim giữa các nước ASEAN vẫn còn hạn chế. Tại Việt Nam, không có phim của các nước trong khối ASEAN chiếu tại rạp, chỉ có số ít phim truyền hình. Hợp tác sản xuất giữa các nước cũng không có. Đó là nhược điểm”.

Sẽ có các Liên hoan phim ASEAN được tổ chức 

Ông Ngô Duy Anh cũng cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước làm sao để tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong sản xuất, phát hành phim.

Ông Vongthep Arthakaivalvatee- Phó Tổng thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa- Xã hội thì nhận định: “Điện ảnh giúp các nhân dân các nước trong khu vực đến gần nhau hơn, con đường ngắn nhất là thông qua các bộ phim để nắm bắt về văn hóa, con người các quốc gia”.

Theo ông Vongthep: “Vài năm qua, trong khu vực, điện ảnh Thái Lan, Philippines đã giành được một số giải thưởng tại các festival điện ảnh lớn của thế giới như: Cannes, Berlin, Venice… đem đến niềm tự hào chung cho cả khu vực. Các nhà làm phim Thái Lan, Philippines cần nói thông điệp chung về ASEAN mà chúng ta cần quảng bá trên trường quốc tế”.

Để có được thông điệp chung này, ông Vongthep cho rằng: “Chúng ta phải cùng nhau quảng bá niềm tự hào chung là người ASEAN thúc đẩy cho thế hệ những nhà làm phim trẻ”.

Đặc biệt, đánh giá cao Việt Nam trong việc tổ chức LHPQTHN, Phó Tổng thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa- Xã hội cho rằng: “Vấn đề hợp tác sản xuất, đồng sản xuất phim sẽ thúc đẩy sự tương tác của các quốc gia ASEAN. Các sự kiện như LHPQTHN (HANIFF) sẽ là điều tốt để phát triển hợp tác. Việt Nam đã nắm bắt được tinh thần của vấn đề phát triển điện ảnh. Điện ảnh đưa mọi người đến gần nhau hơn”.

Bà Wei Xuan Sim, đại diện Ủy ban Điện ảnh Singapore thì cho biết: “Liên hoan phim quốc tế Singapore được tổ chức tháng từ ngày 7-9/12 tới trong khuôn khổ Liên hoan truyền thông Singapore, mong sẽ có nhiều phim của các nước ASEAN. Bà Wei cũng cho biết, Liên hoan có thị trường dự án tài chính cho ngành phim Đông Nam Á,  tìm nguồn tài chính hỗ trợ các nhà làm phim, hỗ trợ các dự án làm phim trở thành hiện thực. Năm 2015 tại Liên hoan này có 148 ý tưởng làm phim tham gia, 15 dự án được lựa chọn đầu tư kinh phí sản xuất theo quyết định của ban giám khảo quốc tế”. Bà Wei cũng chia sẻ, các nhà làm phim trong khối các nước ASEAN có thể gửi dự án tham gia Liên hoan ngay hôm nay.

Hướng tới một Liên hoan phim ASEAN

Để phát huy được sự kết nối trong khối các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim, theo các đại biểu, cần có sự phát huy thế mạnh của từng nền điện ảnh, đồng thời, tiến tới một LHP ASEAN.

Ông Ngô Duy Anh cho rằng: “Cần có cơ hội, hành lang, mối liên kết hợp tác để các nước ASEAN cũng sản xuất phim. Chúng ta cũng cần hợp tác đào tạo, quảng bá phim tại các liên hoan phim lớn, tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất, phát hành phim trong ASEAN”.

Ông Duy Anh cũng cho biết, các nước trong khối ASEAN cần hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, có những hợp tác để mở lớp đào tạo ngắn hạn.

Các nước ASEAN có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển điện ảnh

Ông Pok Borak – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và Phổ biến văn hóa Campuchia cũng cho biết: Campuchia có tiềm năng thu hút các nước vào làm phim nhưng còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Thị phần phim nước ngoài chiếu ở Campuchia lên đến 97% (trong đó phim Thái Lan chiếm15%; 70% là phim Hollywood; 12% phim Hàn Quốc và Việt Nam).

Cũng theo ông Borak, hiện Campuchia đã ký thỏa thuận về hợp tác sản xuất điện ảnh với chính phủ Pháp, đồng thời Chính phủ Campuchia cũng đã sửa đổi nhiều thủ tục hành chính, Bộ Tài chính sửa đổi về mặt thuế cho lĩnh vực hợp tác sản xuất phim. Đây sẽ là điều kiện rất tốt để các nước ASEAN hợp tác với Campucchia.

Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN, ông Briccio Santos cho rằng: “Thời đại thay đổi, công nghệ sản xuất phát hành phim thay đổi, thì chính sách của các nền điện ảnh cũng thay đổi để làm sao duy trì tính năng động trong lĩnh vực nghe nhìn. Trong một cộng đồng hội nhập, có thể nghĩ tới quỹ chung của ASEAN để hỗ trợ việc làm phim. Bởi phim Mỹ, châu Âu có nhiều nguồn tài chính để nhà làm phim tiếp cận, trong khi nhà làm phim của Đông Nam Á vẫn thiếu thốn tài chính sản xuất phim, chúng ta cần có cơ chế chung ASEAN để hỗ trợ họ”...

Ông Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN khẳng định: “Chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng, điều kiện để hợp tác theo nhiều hướng, đặc biệt, trong năm 2017, chúng ta sẽ chào đón Giải thưởng phim ASEAN và các nước ASEAN sẽ tiến tới xây dựng các liên hoan phim quốc tế”.

Hiện tại, với dân số lên tới gần 700 triệu người, ASEAN là một thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển công nghệ là nền tảng thuận lợi để tăng cường hợp tác làm phim, phát hành phim từ các quốc gia trong khu vực thì chính ý thức về việc hợp tác làm phim giữa những người làm điện ảnh trong khu vực được đặt ra trong khuôn khổ LHPQTHN lần này là cơ sở vững chắc để chúng ta tin rằng, trong thời gian tới, điện ảnh khu vực sẽ có cái bắt tay chặt chẽ./.

 Bài, ảnh: Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ