(Cinet)- Với sự đồng ý của Bộ VHTTDL, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
(Cinet)- Với sự đồng ý của Bộ VHTTDL, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ nét văn hóa làng nghề và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tranh dân gian Đông Hồ - tinh hoa văn hóa dân gian Việt Nam
Tranh Đông Hồ cũng như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng, tranh Hàng Trống… là dòng tranh dân gian đặc sắc. Tranh Đông Hồ được in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Dòng tranh này gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt.
Tranh dân gian Đông Hồ. Nguồn: petrotimes.vn |
Nhắc đến tranh Đông Hồ, chúng ta nghĩ ngay đến những hình ảnh quen thuộc như: đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
Với giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian, tranh Đông Hồ còn đi vào sử sách, thơ ca. Nhà thơ Tú Xương có câu: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà. Hay trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả vẻ đẹp của tranh Đông Hồ với những câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Nét đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen, xanh, vàng, đỏ và thường thì tranh Đông Hồ cũng chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Sở dĩ tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt. Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng tới chừng nào.
Nguy cơ mai một
Trước sức ép của kinh tế thị trường đang ngày càng hiện hữu, các làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền. Làng tranh Đông Hồ cũng không tránh khỏi sức ép đó. Có một điều đáng buồn là tranh không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị “thương mại hoá”, từ màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, giấy mất độ óng ánh và trở nên "thường”, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Không những thế, một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị “què cụt” về mặt ý nghĩa.
Để có được một bức tranh, người thợ rất cẩn thận khắc theo mẫu in sẵn để có một bản khắc vừa ý. Nguồn: petrotimes.vn |
Ngày nay, đến với chợ tranh Đông Hồ, người ta chẳng còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh như ngày xưa nữa. Du khách đến làng tranh bây giờ cũng “dở khóc dở cười” khi vẫn thấy cảnh phơi giấy nhưng giấy đó lại là giấy để làm…hàng mã chứ không phải giấy dó in tranh.
Kỳ vọng hồi sinh dòng tranh quý
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Từ năm 2014, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030”. Việc phê duyệt Đề án này nhằm mục tiêu khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này, nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ, dự báo những tác động tiêu cực, từ đó có những biện pháp, hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng làm mai một dòng tranh này. Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ và đẩy mạnh hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới trường học, thị trường quốc tế.
Hy vọng tranh Đông Hồ sẽ có sự trở lại rực rỡ. Ảnh minh họa. Nguồn: tranhdangiandongho.vn |
Đặc biệt, mới đây, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1918/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo văn bản, Bộ VHTTDL đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và việc mời Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp, tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ. Bộ VHTTDL cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng Hồ sơ gửi Bộ VHTTDL xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Như vậy, đây là tín hiệu đáng mừng để chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi sự trở lại rực rỡ của một dòng tranh dân gian độc đáo.