Lạc bước giữa Hoàng Liên ngắm "vương quốc hoa" đỗ quyên bung nở rực rỡ, biểu tượng của vùng đất chất chứa nhiều điều bí ẩn
(Tổ Quốc) - Nếu coi các vườn quốc gia trên đất nước Việt Nam là những kho báu của đại ngàn thì chắc hẳn rừng Hoàng Liên phải là kho báu quý giá hạng nhất. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 4, “nữ hoàng hoa" của núi rừng Tây Bắc sẽ khoe sắc rực rỡ, nhuộm sắc xuân tươi thắm tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp giữa đại ngàn hũng vĩ.
Nhắc đến núi Putaleng nhiều người thường nghĩ ngay đến những cung đường hiểm trở, những cánh rừng nguyên sinh đầy huyền bí, những dốc núi dựng đứng cùng những thác nước xiên lệch, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tráng lệ giữa vùng cao nguyên đá đỏ. Thế nhưng lại quên mất rằng nơi đây cũng khoác trên mình vẻ đẹp khó có thể tìm thấy được ở bất kì điểm đến nào. Ảnh: Chung Nguyễn Thành
Khi đứng giữa rừng đỗ quyên đúng thời điểm hoa trổ ngào ngạt, bạn sẽ có cảm giác rằng đó là một tấm áo thổ cẩm, được dệt đan vô cùng tỉ mẩn với hàng ngàn chi tiết hoa văn, màu sắc sặc sỡ. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Theo thống kê, tại Hoàng Liên Sơn có hơn 30 loài hoa đỗ quyên khác nhau như đỏ, hồng, vàng, trắng,... Có thời điểm có tới 12 loài cùng nở, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp giữa đại ngàn hũng vĩ. Ảnh: Nguyễn Khuyến.
Lạc bước giữa rừng Hoàng Liên sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng hơn lúc nào hết cần phải giữ gìn bảo vệ kho báu ấy một cách cấp bách và toàn diện nhất. Đây có lẽ là trải nghiệm thú vị, khó quên nhất đối với những ai đã từng đặt chân đến nơi này...
Quả thật, nếu coi các vườn quốc gia trên đất nước Việt Nam này là những kho báu đại ngàn thì chắc hẳn Hoàng Liên phải là kho báu quý giá bậc nhất. Đây là nơi bảo tồn những loài thực vật đặc hữu siêu quý hiếm có độ tuổi hơn 300 năm, không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài những cánh rừng Hoàng Liên ở độ cao 2.000m trở lên. Hiểu nôm na rằng, Hoàng Liên có 147 loài thực vật được đề cập trong sách đỏ và cứ 100 loài thực vật đặc hữu nước ta có thì 25 loài nằm ở nơi đây, một kho tàng gen cây rừng độc nhất vô nhị.
Cũng trong kho báu ấy là 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú, 346 loài chim, 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng cư… nguồn gen bảo tồn của một nửa loài ếch, nhái có ở Việt Nam. Trong số ấy có 60 loài động vật trong sách đỏ, 33 loài trong danh lục đỏ IUCN… Chả thế mà Quỹ môi trường toàn cầu và Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới đưa Hoàng Liên vào danh mục bất khả xâm phạm, thuộc nhóm A cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học, đứng thứ nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.