(Tổ Quốc) - Hàng chục phiến gỗ với khối lượng khá lớn được lâm tặc tập kết ngay giữa bản du lịch Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) sau đó ngang nhiên bốc lên xe vận chuyển đi nơi khác.
Sự việc diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỏ ra khá ngạc nhiên và không hề hay biết, khiến người dân nơi đây đang hết sức bức xúc.
Ngang nhiên bốc gỗ giữa ban ngày
Chiều ngày 7/3, phóng viên nhận được tin báo của người dân tại bản du lịch Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) có một số đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và tập kết ngay giữa trung tâm bản.
Lâm tặc ngang nhiên bốc gỗ giữa ban ngày. |
Ngay sau khi nhận được tin báo, phóng viên đã tức tốc lên đường tiếp cận hiện trường ghi lại hình ảnh. Tại đây chúng tôi chứng kiến có hàng chục phiến gỗ hộp đang được lâm tặc bốc lên xe để vận chuyển đi nơi khác. Qua tìm hiểu người dân cho biết, đây là loại gỗ Kháo được đem về từ rừng của bản Sin Suối Hồ.
Để xác minh nguồn gốc gỗ, phóng viên đã có cuộc làm việc với chính quyền xã Sin Suối Hồ và kiểm lâm viên địa bàn. Ông Chẻo Quẩy Hòa – Chủ tịch UBND xã thừa nhận địa điểm là bản du lịch Sin Suối Hồ và xác nhận chủ gỗ là ông Sùng A Cở, bản Sì Cha Chải, xã Sin Suối Hồ.
Đây là loại gỗ Kháo được đem về từ rừng của bản Sin Suối Hồ. |
Trình bày tại UBND xã, ông Sùng A Cở cho biết số gỗ trên là do ông và một số gia đình khác khai thác để làm nhà ở và đã được sự cho phép của kiểm lâm. Tuy nhiên, khi xuất trình giấy tờ, ông Sùng A Cở chỉ đưa ra một Quyết định đã hết hạn về phê duyệt cấp phép tận thu gỗ làm nhà ở do ông Lý Quang Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ ký ngày 29/3/2016, thời gian tận thu là 60 ngày kể từ ngày ký.
Điều đáng chú ý là ông Cở nhận số gỗ của mình chỉ có một xe, số còn lại là của người khác. Nhưng ông vẫn không biết số gỗ đấy là của ai dù tập kết cùng lúc, cùng bãi!?
Kiểm lâm quá thờ ơ trong công tác quản lý
Để xác minh chính xác nguồn gốc gỗ cũng như việc khai thác vận chuyển có hợp pháp hay không, phóng viên đã làm việc với kiểm lâm huyện Phong Thổ. Tuy nhiên khi xem những hình ảnh mà phóng viên ghi được, ông Lò Văn Tuyến, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn lại tỏ ra khá lạ lẫm và không nhận ra địa điểm tập kết gỗ nói trên.
Quyết định hết hạn gần 2 năm nhưng ông Cở dùng để khai. |
Mặc dù ông Tuyến được đơn vị điều động phục trách địa bàn xã Sìn Suối Hồ từ cuối năm ngoái, trong khi bản Sin Suối Hồ là một bản du lịch sinh thái khá nổi tiếng với cảnh quan, đặc sản hoa địa lan, nhưng phụ trách công tác bảo vệ rừng gần nửa năm vẫn không nhận ra vị trí mà lâm tặc tập kết gỗ chuẩn bị đưa đi tiêu thụ là ngay cạnh chợ Sin Suối Hồ. Cùng phụ trách địa bàn còn có kiểm lâm viên Bùi Quang Mỹ được điều động lên đây từ tháng 6 năm 2017.
Còn ông Nguyễn Văn Tuân – Hạt phó Kiểm Lâm huyện Phong Thổ lại cho rằng đó là gỗ người dân xin cấp phép để làm nhà ở từ năm 2016, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên bây giờ mới vận chyển về được.
Xã Sin Suối Hồ hiện quản lý và bảo vệ 6.366,7 ha rừng phòng hộ; trong đó có 886,13 ha rừng trạng thái 1C, 70ha rừng trồng. Rừng có nhiều chủng loại cây, trong đó nhiều nhất là cây Tung Qua Sủ, gỗ Kháo, gỗ Thông và cây Sa Mộc.
Tuy nhiên, khi đối chiếu quyết định mà ông Cở đã được cấp thì không chỉ hết hạn được phép tận thu mà số gỗ khai thác thực tế hoàn toàn khác với quyết định cho phép.
Đó là: địa điểm cấp phép tại Tiểu khu 98/220, khoảnh 12, lô a thuộc khu rừng bản Sì Cha Chải nhưng gỗ khai thác thực tế lại ở bản Sin Suối Hồ. Số lượng cây được cấp phép tận thu chỉ 03 cây, loại gỗ tròn nhưng ông Sùng A Cở cho biết đã khai thác 4 cây.
Đặc biệt khi yêu cầu được xem hồ sơ, phương án khai thác và việc xác minh, xác định nguồn gốc trạng thái cây trước khi tận thu cũng như sau khai thác thì Hạt kiểm lâm Phong Thổ không xuất trình được, với lý do là vì dân không báo (!?) Trước sự bất nhất trên, người dân đang hết sức bức xúc và đặt câu hỏi rằng tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên kiểm lâm đã hết trách nhiệm chưa? Sự quản lý lỏng lẻo như thế liệu trong thời gian vừa qua đã có bao nhiêu khối lượng gỗ đã tuồn về xuôi tiêu thụ?
Triệu Vỹ