• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lai Châu: Nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng

Văn hoá 07/07/2020 08:53

(Tổ Quốc) - Lai Châu tăng cường các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng; Bắc Kạn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam; Phú Thọ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Lai Châu: Tăng cường các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng

Sở VHTTDL đã ban hành văn bản số 1140/SVHTTDL-QLVHGĐ về việc tăng cường các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng.

Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, Sở VHTTDL yêu cầu Thư viện tỉnh; phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc đối với người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành.

Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận, sử dụng và khai thác tài nguyên thông tin thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí như: Xây dựng các bộ sưu tập, sản phẩm chuyên đề hướng đến người cao tuổi; bố trí không gian, phòng đọc, tiện ích thư viện phù hợp với người cao tuổi; miễn, giảm phí làm thẻ bạn đọc, giá dịch vụ thư viện cho người cao tuổi...

Lai Châu: Nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đa dạng hóa phương thức phục vụ nhu cầu sử dụng của người cao tuổi như: Phối hợp chặt chẽ với Hội Người cao tuổi các cấp tổ chức trưng bày, triển lãm, tọa đàm, về các chủ đề liên quan đến người cao tuổi, các vấn đề người cao tuổi quan tâm; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện để huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ và phát triển văn hóa đọc cho người cao tuổi; Tổ chức luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện tại những nơi có nhiều người cao tuổi sinh sống; triển khai nghiên cứu nhu cầu của người cao tuổi để có phương thức phục vụ phù hợp...

Phối hợp, hướng dẫn để người cao tuổi tham gia quản lý và vận hành các phòng đọc, tủ sách cơ sở, tổ chức thư viện cộng đồng phục vụ người dân trên địa bàn. Hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, tổ chức, quản lý thư viện; luân chuyển và tặng tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện... cho các thư viện, tủ sách do người cao tuổi thành lập, quản lý trên địa bàn.

Bắc Kạn: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam

UBND tỉnh đã ra Quyết định 1243/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 – 2030.

Kế hoạch nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/1/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", cũng như xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm và sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nội dung của Đề án. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ được đặt ra gồm: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; Vận động, triển khai mặc trang phục truyền thống tại các Trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống gắn với du lịch; Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; Lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực thủ công truyền thống liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; Ban hành cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy, phát triển trang phục các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; Tổ chức sơ kết theo giai đoạn, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án.

Phú Thọ: Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình

BCĐ công tác gia đình tỉnh đã ra Quyết định 1461/QĐ-BCĐ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Phú Thọ.

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh Phú Thọ được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Tỉnh, của Trung ương. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong công cuộc xây dựng gia đình thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc.

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu với UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh bao gồm: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo tổ chức các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác Gia đình theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về Gia đình cấp tỉnh.

5 Nhiệm vụ chính của Ban Chỉ đạo bao gồm: Tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và các nội dung liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Gia đình trình UBND tỉnh quyết định; Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác Gia đình và chỉ đạo việc tổ chức phối hợp cũng như giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp đối với các cơ quan có liên quan trong công tác Gia đình; Tổ chức kiểm tra, giám sát hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến của UBND tỉnh về các nội dung có liên quan trong công tác Gia đình; Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh; Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về công tác Gia đình.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ