(Tổ Quốc) - Nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; Gắn việc thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh Lai Châu và Cao Bằng.
Lai Châu: Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
UBND tỉnh đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, công tác triển khai Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL đã được thực hiện kịp thời, gắn với việc triển khai kết luận, Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, dự án, đề án, kế hoạch của bộ, ngành có liên quan. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Tỉnh đã chú trọng, đẩy mạnh lồng ghép công tác quản lý, phát huy giá trị di sản vào quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng, qua đó đã đạt được những thành tựu quan trọng. Phần lớn các di sản của địa phương được kiểm kê, lập danh mục Di sản góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đã đẩy lùi và thay thế những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thay vào đó là những hoạt động lành mạnh, an toàn, thể hiện bản sắc của dân tộc, đặc thù của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản văn hóa phi vật thể đã được chú trọng. Đến nay, tỉnh Lai Châu có 01 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 03 Di sản văn hóa được xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 13 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú". Nghệ thuật trình diễn dân gian được sưu tầm, truyền dạy duy trì trong đội văn nghệ quần chúng, lễ hội được khôi phục, bảo tồn, tổ chức thường niên; nghề thủ công truyền thống được truyền dạy và thực hành trong cộng đồng…. Bước đầu, các Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trên địa bàn tỉnh được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực khai thác, phát triển sản phẩm du lịch như: Nghệ thuật Xòe, Hát then - Đàn tính dân tộc Thái, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, Nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Lự, Lễ Tủ cải của người Dao Tuyển.
Cao Bằng: Gắn việc thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Theo Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện công tác gia đình 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, những tháng qua, các cơ quan thành viên BCĐ Công tác gia đình tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, trẻ em, thanh niên, người cao tuổi… với công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).
BCĐ Công tác gia đình các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ lồng ghép với triển khai Tháng hành động vì trẻ em…
Nhìn chung, cấp ủy chính quyền các cấp đã có sự quan tâm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Gắn việc thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác triển khai thi hành Luật PCBLGĐ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ; BCĐ Công tác gia đình các cấp được thành lập, củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến; Lồng ghép thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào thi đua "Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới" và các phong trào, cuộc vận động khác. Quan tâm tổ chức các hoạt động hội thi, liên hoan văn nghệ, thể thao, họp mặt, tọa đàm, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu…, kịp thời động viên, cổ vũ người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ. Công tác triển khai, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về gia đình, PCBLGĐ, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, phòng, chống bạo hành trẻ em… cho lực lượng cán bộ làm công tác gia đình được tổ chức thường xuyên, kịp thời. Công tác kiểm tra tình hình thực hiện Luật PCBLGĐ, quản lý nhà nước về gia đình, các mô hình PCBLGĐ được tăng cường, kịp thời hướng dẫn, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Cũng tại Cao Bằng: Theo Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được gắn với phát triển du lịch, di sản thực hành Then Tày - Nùng đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong giai đoạn này có 02 di sản văn hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa; nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên); 01 di tích Quốc gia đặc biệt được công nhận (di tích Địa điểm chiến thắng biên giới 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng); 02 bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố; Bia ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Bình Long, huyện Hòa An); 07 di tích cấp tỉnh, 01 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân; 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đến nay tổng số di tích trên địa bàn tỉnh có 214 di tích, trong đó 92 di tích đã được xếp hạng (03 Di tích Quốc gia đặc biệt; 23 Di tích Quốc gia; 66 Di tích cấp tỉnh).
Chất lượng nghệ thuật ngày càng được nâng cao, có khả năng đáp ứng tổ chức những sự kiện lớn cũng như giao lưu quốc tế, phục vụ du lịch. Nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển theo hướng bảo tồn, khai thác nghệ thuật truyền thống các dân tộc. Trong 5 năm, Đoàn Nghệ thuật đã thực hiện trên 450 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và tham gia các sự kiện chính trị của tỉnh; có 02 nghệ sĩ ưu tú được quyết định phong tặng.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 85% gia đình văn hóa, 55% xóm tổ dân phố văn hóa, 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng thành các điểm đến văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng.